Chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS không chỉ dừng ở việc cấp thẻ BHYT, cho trẻ uống thuốc ARV, trợ cấp… để cải thiện sức khỏe, mà việc khó khăn hơn buộc phải làm là trả lại sự hồn nhiên cho trẻ.
|
Ngoài chế độ trợ cấp của Nhà nước, bé Nhung còn được sống trong tình yêu thương của cán bộ và học viên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh.
|
* Cải thiện chất lượng sống
Được sinh ra trên đời với những khuôn mặt đáng yêu nhưng nhiều trẻ em phải chịu nỗi bất hạnh khi mang trong người vi rút HIV. Nhiễm HIV/AIDS, không người nương tựa, bé Hồng Nhung (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) trở thành trẻ mồ côi và được hàng xóm đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc. Năm 2009, bé Nhung tiếp tục được gửi vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh.
Ba mẹ mất vì bệnh AIDS, chuyện học của bé Nhung cũng bị dang dở từ năm lớp 4. Ông bà nội (ngụ tại tỉnh Gia Lai) gửi cháu về quê ngoại ở Tuy Phước. Nhung sống với anh trai cùng mẹ khác cha. Ở cái tuổi hồn nhiên lẽ ra phải được vui chơi như bạn bè thì ngày ngày Nhung thui thủi tự lo tất cả chuyện trong nhà. Từ ngày vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, bé Nhung được chị Lụa - phụ nữ mắc bệnh HIV/AIDS ở huyện Hoài Nhơn - chăm sóc như con. “Năm nay Nhung đã 14 tuổi, lớn hơn con gái tui một tuổi. Nhờ có bé ở chung nên tui cũng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ con” - Chị Lụa tâm sự.
Hôm chúng tôi đến Trung tâm, Nhung đang cùng mẹ Lụa trò chuyện và đọc truyện tranh. Trong phòng của hai mẹ con chị Lụa có rất nhiều tập giấy vẽ, bút lông, bút sáp, màu nước, mấy chú gấu bông, búp bê nhỏ xinh. Đó là những món quà của các cô, các chú và học viên của Trung tâm cho. Những tấm hình vẽ cô gái, chàng trai trong truyện tranh, Nhung vẽ lại rất đẹp và giống. Nhung bảo: “Con thích vẽ chân dung con người, phong cảnh xung quanh. Nhưng vẽ chân dung ba mẹ thì ít lắm, vì ba mẹ mất từ hồi con còn nhỏ”.
Ông Nguyễn Văn Liễn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh, cho biết: “Hiện nay, ngoài mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng, được cấp thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe thường xuyên, Trung tâm còn ưu tiên hỗ trợ cho bé Nhung từ các khoản chi phí nhỏ nhờ vườn rau cho đến những món quà do các tổ chức từ thiện tặng. Vì ở đây chỉ có Nhung là trẻ con nên cán bộ và trại viên rất thương, chăm sóc Nhung rất chu đáo”.
Ông Bùi Trung Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, đến những nỗ lực của Đảng và Chính phủ đều nhằm tạo điều kiện để bảo vệ trẻ em trước sự tác động của HIV/AIDS. Theo quy định, trẻ em nhiễm HIV/AIDS sống ở các Trung tâm bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT và trợ cấp 360.000 đồng/tháng, còn trẻ hiện đang sống tại cộng đồng nằm trong diện nghèo thì được trợ cấp 270.000 đồng/tháng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết được thực hiện đầy đủ. Điều này đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản mà trẻ em có quyền được hưởng…
* Trả lại sự hồn nhiên cho trẻ
Tuy nhiên, việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn nhiều bất cập. Trong khi nhiều trẻ em có điều kiện được vui chơi, được học hành, thì trẻ bị nhiễm HIV/AIDS phải chịu nhiều thiệt thòi.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 5 trẻ nhiễm HIV/AIDS, nhưng chỉ có 3 trẻ nhận thẻ BHYT miễn phí và 1 trẻ nhận trợ cấp 360.000 đồng/tháng, chưa có trẻ nào được điều trị thuốc ARV.
Lý giải về điều này, bác sĩ Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho rằng: Trong thực tế, sau khi điều trị ARV, chất lượng sống của trẻ rất tốt. Nhưng, một số người chưa hình dung được sự cải thiện chất lượng sống của trẻ nhiễm HIV, hay do sự kỳ thị nên nghĩ rằng điều trị cho trẻ là không cần thiết. Một số quan niệm cực đoan như trẻ không làm ra tiền, trước sau gì cũng tử vong… nên đã không muốn chăm sóc trẻ. Có nhiều trẻ nhiễm HIV đã lớn bình thường, khỏe mạnh, sinh hoạt không khác gì trẻ khác. Bác sĩ Hưng khẳng định: “Chăm sóc trẻ nhiễm HIV không chỉ dừng ở việc cải thiện sức khỏe, mà việc khó khăn hơn nhưng phải làm là trả lại sự hồn nhiên cho trẻ, giúp trẻ hiểu đúng về bệnh của mình và hòa nhập cộng đồng như một trẻ bình thường”.
Dù được chăm sóc và sống trong tình yêu thương của các cán bộ và trại viên ở Trung tâm, nhưng bé Nhung vẫn luôn khao khát được đến trường cùng các bạn. Nhung bộc bạch: “Lúc nào rảnh, con lấy mấy quyển sách từ hồi lớp 4 ra đọc và học lại. Còn sách đọc thêm thì mẹ Lụa và các chú mượn về cho con. Bây giờ, con chỉ muốn được đến trường, được đi học, được chơi cùng các bạn”.
Trẻ em là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch HIV/AIDS, bị cướp đi những quyền mà lẽ ra các em phải được hưởng. Trong khi trẻ nhiễm HIV chỉ là nạn nhân, hoàn toàn thụ động không thể tự phòng ngừa thì sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn hiện hữu. Ông Nguyễn Văn Liễn cho biết: “Đây cũng là cái khó khiến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh chưa dám đặt vấn đề cùng các trường học”.
|