Vượt đoạn đường dài hàng trăm cây số, các Trợ giúp viên, Cộng tác viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã tìm về những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi để mang “cái luật” đến với bà con.
|
Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đang tư vấn pháp luật cho đồng bào Ba Na tại xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
|
* Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn “khát” luật
Đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức nhiều đợt TGPL lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân… Tại những địa phương này, một bộ phận người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vẫn còn hạn chế trong nhận thức pháp luật.
Có những việc, vừa nghe qua tưởng đơn giản, nhưng với bà con là cả “một núi” khó khăn. Điển hình như trường hợp ông Đinh Phét (xã An Trung, huyện An Lão) được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất nhưng vì không biết làm thế nào để hưởng chính sách người có công nên ông phải chịu thiệt thòi trong một thời gian dài. Chỉ đến khi được cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hướng dẫn, tận tình giúp đỡ, ông Phét mới được hưởng chế độ.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: “Không riêng ông Phét, nhiều bà con khác cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ vì thiếu hiểu biết mà nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước không đến được với họ. Do đó, việc tuyên truyền, trang bị cho họ những kiến thức pháp luật cơ bản là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo công bằng cho bà con, mà giúp ích nhiều cho công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở”.
Ngoài trường hợp cụ thể trên, hiện một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn rất “mơ màng” với một số văn bản luật như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự… Tình trạng tảo hôn, kết hôn khi chưa tới tuổi cho phép; tranh chấp đất đai, giải quyết những mâu thuẫn hàng ngày theo “luật riêng” của bà con… vẫn thường diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự ở địa phương.
Trước thực tế này, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã hướng công tác TGPL lưu động về các xã vùng sâu, vùng, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài hình thức sinh hoạt chuyên đề pháp luật, tuyên truyền pháp luật, các cán bộ của Trung tâm còn tư vấn cho từng đối tượng có nhu cầu; kịp thời giải thích cho họ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của công dân.
* Cần nhiều hơn các đợt TGPL hướng về cơ sở
Trong rất nhiều đợt về “sống chung” với đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, các thành viên của đoàn TGPL đã thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn về đời sống, trong đó có sự “khát” kiến thức pháp luật, của người dân.
Ông Lê Thanh Viên, cán bộ Tư pháp xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: Do đặc thù địa phương nên trình độ dân trí của người dân còn thấp; công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách gặp không ít khó khăn. Để công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả, xã đã thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi và quan trọng nhất là cụ thể hóa các văn bản pháp luật… Việc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức TGPL lưu động hướng về cơ sở là hết sức cần thiết. Qua đây, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm sẽ trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản, bám sát thực tế, để bà con nâng cao hiểu biết, vận dụng hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày.
Ông Huỳnh Văn Chưa khẳng định: Công tác TGPL lưu động hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số. Đây thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giúp lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
4 tháng đầu năm 2011, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp lưu động tại 95 điểm; tổ chức 90 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật với 5.592 lượt người tham dự. Trung tâm cũng đã tiến hành tư vấn pháp luật 1.053 vụ việc, tham gia tố tụng 126 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 2 vụ việc (tăng 345,03% so với cùng kỳ năm 2010). |
|