16 khu vực vùng sâu, vùng xa ở 3 huyện miền núi tỉnh ta: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão được phép bầu cử sớm vào ngày 21.5. Đến nay, công tác chuẩn bị tại các địa phương bầu cử sớm nói riêng và các huyện miền núi nói chung đã cơ bản hoàn tất. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, những sáng kiến nhằm khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và HĐND các cấp sắp tới.
|
Đoàn công tác Ủy ban Bầu cử tỉnh kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử sớm tại thôn 2, xã An Toàn (huyện An Lão).
|
* Hướng đến ngày hội toàn dân
Xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) có 6 làng đồng bào dân tộc Bana, được tổ chức thành 5 tổ bầu cử; trong đó, tổ bầu cử số 1 (làng O2) và số 5 (làng Kon Trú) được bầu cử sớm vào ngày 21.5.
Dù ở khá xa trung tâm huyện lỵ Vĩnh Thạnh nhưng làng Kon Trú đã triển khai thực hiện các nội dung cơ bản chuẩn bị cho bầu cử chính xác, đúng trình tự và tiến độ quy định. Tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, danh sách cử tri, danh sách, tiểu sử tóm tắt người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được dán ngay ngắn trên một tấm bảng đặt phía trước nhà, ngay cạnh đường đi. Tại làng O2, công tác này cũng được thực hiện chu đáo.
Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã, cho biết: “Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, Ủy ban Bầu cử xã đã cử một tổ cán bộ xuống giúp 5 tổ bầu cử công tác chuẩn bị. Công tác tuyên truyền cũng đã được triển khai bằng nhiều cách: Tiểu ban Tuyên truyền của Ủy ban Bầu cử xã đến từng làng họp dân nói về ngày bầu cử; tuyên truyền thông qua các hội, đoàn thể ở làng và lồng ghép trong các buổi chiếu phim lưu động...”.
Cũng như Vĩnh Kim, các xã: An Toàn, An Nghĩa và An Vinh (huyện An Lão) cũng là những địa bàn xa trung tâm huyện nên có những khu vực được phép bầu cử sớm. Các tổ bầu cử ở An Toàn đã có những sáng kiến để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử. Chẳng hạn ở thôn 1, các thành viên tổ bầu cử thôn đã lấy các thanh tre đóng thành khung để niêm yết danh sách và tiểu sử ứng cử viên; tại thôn 3, một chiếc bảng “dã chiến” nhưng trông rất chắc chắn với cây, gỗ có sẵn tại chỗ cũng vừa được dựng để niêm yết danh sách, tiểu sử ứng cử viên.
|
Đoàn kiểm tra Ủy ban Bầu cử tỉnh làm việc với Ủy ban Bầu cử xã Canh Liên về công tác chuẩn bị cho bầu cử sớm.
|
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện An Lão, cho biết: “An Lão có 51 tổ bầu cử, trong đó, có 5 khu vực bầu cử sớm. Với những khu vực này, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo, theo đó, trưởng làng họp dân hướng dẫn bà con cách bầu cử; vào ngày 21.5 nếu chưa đi bầu thì chưa lên rẫy, chưa đi mua bán, không nên uống rượu chè để đi bầu cho chính xác, đúng thể thức. Chúng tôi cũng đã cử cán bộ vào ngày 20.5 sẽ lên giúp các tổ bầu cử”.
Tuy vậy, do những khó khăn đặc thù của địa bàn vùng sâu, vùng xa, nên một số khu vực bầu cử sớm chưa được chu đáo trong khâu chuẩn bị. Một số tổ bầu cử ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh) hay xã An Toàn (huyện An Lão) có những thiếu sót như: Tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên đại biểu HĐND huyện thiếu ảnh chân dung, danh sách ứng cử viên đại biểu HĐND xã không có tiểu sử tóm tắt kèm theo, các danh sách này được dán bên trong nhà rông của làng nên người dân khó thấy… Với các địa phương này, đoàn kiểm tra công tác bầu cử sớm của Ủy ban Bầu cử tỉnh đã nhắc nhở, hướng dẫn cụ thể cách chỉnh sửa kịp thời.
* Cái khó không “bó” cái khôn
Ý thức được những khó khăn của mình nên các huyện miền núi đã chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm chuẩn bị cho ngày bầu cử. Ở An Lão, Ủy ban Bầu cử huyện đã phân công 30 cán bộ lên giúp các xã vùng cao chuẩn bị công tác bầu cử. Về công tác tuyên truyền, huyện có sáng kiến thực hiện đĩa một CD, với nội dung gồm thể thức bầu cử và danh sách, tóm tắt tiểu sử ứng cử viên, đưa về gần 60 điểm bỏ phiếu trong huyện để phát thanh cho dân nghe. Ngoài ra, Ủy ban Bầu cử huyện cũng đã cấp cho mỗi tổ bầu cử một CD nhạc Quốc ca để tổ chức chào cờ. Ông Hoàng Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện An Lão, Phó Tiểu ban Thông tin tuyên truyền, Ủy ban Bầu cử huyện An Lão, tâm đắc: “Hiện nay, ở nhiều làng đều đã có hệ thống âm thanh, vì thế, đây là cách tuyên truyền bầu cử ít tốn kém mà hiệu quả. Từ nay đến ngày bầu cử, chúng tôi sẽ tổ chức cho học sinh đi cổ động; cử cán bộ lên các xã vùng khó khăn giúp bố trí âm thanh, hướng dẫn sử dụng hệ thống loa, đài để tuyên truyền; cho xe tuyên truyền lưu động đến từng thôn, làng mỗi nơi hai lần để truyền thông về bầu cử”.
|
Làng Kon Trú, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đã chuẩn bị chu đáo cho ngày hội toàn dân.
|
Còn tại Vĩnh Thạnh, trên đường đến các tổ bầu cử, chúng tôi đã bắt gặp người dân làng O5 (xã Vĩnh Kim) đang dùng cuốc, xẻng bang đất để chỉnh trang mặt sân trước nhà rông của làng vốn lồi lõm, nhằm tạo mặt bằng thật đẹp để tổ chức ngày bầu cử.
Nhận xét về công tác chuẩn bị ở các khu vực được phép bầu cử sớm, ông Nguyễn Ngọc Trợ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh, nói: “Công tác chuẩn bị ở các khu vực tổ chức bầu cử sớm như thế là tương đối đáp ứng yêu cầu. Đa số cán bộ phụ trách bầu cử đều có tinh thần trách nhiệm tốt. Tuy nhiên, tùy năng lực mà chất lượng công tác triển khai, tổ chức, chuẩn bị khác nhau. Nơi nào mà ban chỉ đạo, ủy ban bầu cử huyện, xã sâu sát và kiểm tra thường xuyên thì làm tốt. Qua kiểm tra, chúng tôi đã nhắc nhở, hướng dẫn cụ thể để các tổ bầu cử thực hiện các công việc đúng, kịp thời theo kế hoạch đề ra”.
|