Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân của cả người ứng cử và cử tri đều được phát huy cao độ. Điều này được thể hiện ở những bản dự kiến chương trình hành động cụ thể, thuyết phục và những phát biểu, kiến nghị đầy bức xúc nhưng cũng đong đầy hy vọng của cử tri.
|
Hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của ứng cử viên ĐBQH khóa XIII (thuộc đơn vị bầu cử số 1) với cử tri các xã: Phước Quang, Phước Hưng, Phước Hòa và Phước Thắng (Tuy Phước). Ảnh: N.Sương
|
* Rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn
Trong phạm vi các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử của các ứng cử viên ĐBQH khóa XIII (diễn ra từ ngày 5-16.5), hầu hết ý kiến của cử tri đều ghi nhận những việc mà đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định làm được trong nhiệm kỳ khóa XII; cũng như đồng tình cao chương trình hành động của 14 ứng cử viên đưa ra. Cử tri cũng gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, tình cảm đến các ứng cử viên, mong các ứng cử viên hãy thẳng thắn nói lên tiếng nói của người dân trước diễn đàn Quốc hội nếu được trúng cử.
Hơn bao giờ hết, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được cử tri các địa bàn nông thôn đặc biệt quan tâm. Tại cuộc tiếp xúc với ứng cử viên ĐBQH khóa XIII, tổ chức tại xã Phước Quang (Tuy Phước), cử tri Nguyễn Đức Long phát biểu: “Đề nghị nếu trúng cử, ĐBQH cần quan tâm hơn đến chính sách phát triển nông thôn mới, trước tiên là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cơ sở cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó, cử tri này cũng đề nghị các ứng cử viên khi trúng cử ĐBQH cần đề xuất Chính phủ quan tâm hơn đến các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn. Cụ thể hơn về vấn đề này, cử tri Nguyễn Đình Long (xã Phước Quang) và Lơ O Xau Zuôn Tuấn (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) nêu những bất cập hiện nay như: Mức hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở quá thấp; cần có chế độ hỗ trợ cho những hộ khó khăn có đất nhưng không có tiền để xây nhà; tiếp tục mở rộng đối tượng được vay vốn dành cho học sinh - sinh viên là con em các gia đình khó khăn; quy hoạch, đào tạo cán bộ có năng lực để phục vụ miền núi...
Bày tỏ nguyện vọng với những người ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 2, cử tri Thân Trọng Việt (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) cũng tâm tư: “Nước ta là một nước nông nghiệp, Nhà nước cần ưu tiên hơn nữa việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chính phủ cần đưa ra nhiều mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm hơn đến đào tạo nghề tại chỗ cho nông thôn, bởi khu vực này có một lượng lao động rất dồi dào, nếu có biện pháp phát huy tiềm năng này thì đời sống của người dân sẽ ngày một nâng cao hơn”.
Những nguyện vọng trên là một phần của vấn đề chung mang tầm vĩ mô là phát triển kinh tế nhằm đưa đời sống nhân dân đi lên. Trước tình hình kinh tế khó khăn, tình trạng lạm phát ở mức cao như hiện nay, mỗi tầng lớp trong xã hội đều có những băn khoăn riêng của mình, song đều gặp nhau ở mong muốn chung là Chính phủ cần có những giải pháp để tăng mức sống người dân, nhất là người dân sống ở nông thôn; hạn chế triệt để nạn tham nhũng; nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật.
|
Cử tri Trần Thị Chanh (Cát Hanh, Phù Cát) đề nghị cần quan tâm giải quyết nhanh chế độ chính sách cho người có công. Ảnh: V.Lực
|
* Nói và làm
Với các ứng cử viên, mong muốn của cử tri không gì ngoài việc, hãy làm thật tốt nhiệm vụ người đại biểu của dân. Cử tri Phạm Tin (xã Nhơn An, huyện An Nhơn) và cử tri Nguyễn Văn Lữ (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) đều đưa ra nhận xét, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã có những hoạt động thể hiện tính dân chủ, thẳng thắn, thể hiện vai trò của Quốc hội rõ hơn và công việc điều hành của đất nước có chất lượng hơn. Văn hóa tranh luận tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy Quốc hội đã thật sự là của dân, do dân, vì dân… Do vậy, trong Quốc hội khóa XIII tới đây, cử tri mong sao các ứng cử viên nếu trúng cử ĐBQH, hãy thật sự là người đại diện cho tiếng nói của cử tri trong suốt nhiệm kỳ. “ĐBQH phải thẳng thắn, có trách nhiệm thực thi chức trách của mình, để xứng đáng là người đại diện của dân trong cơ quan quyền lực cao nhất” - cử tri Nguyễn Văn Lữ nói.
Nhiều cử tri cũng kỳ vọng các vị đại biểu trúng cử trong nhiệm kỳ này nâng cao tinh thần phản biện và phản biện nhiều chiều, tránh tình trạng thiếu quyết liệt đối với những vấn đề còn thấy “lấn cấn” và cần tính toán, cân nhắc thật kỹ trước khi biểu quyết thông qua. Một vấn đề khác là việc thực hiện chức năng giám sát, theo nhận xét của cử tri Trần Thái Hòa (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) cũng như của một số cử tri khác, hoạt động giám sát của các ĐBQH có nơi, có lúc còn hình thức, chưa đến nơi đến chốn. Nhiều cử tri cũng đề nghị tăng chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Trên tinh thần phát huy quyền làm chủ cũng như trách nhiệm của công dân, nhiều cử tri đã không ngần ngại “mách nước” với ứng cử viên rằng, các ĐBQH muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình thì phải gần dân, sát dân, chứng kiến đời sống người dân để hiểu dân hơn; nói ít làm nhiều, làm cho dân thấy để họ tin; đừng thoái thác trách nhiệm vì lý do này, lý do khác. Và đúc kết lại, như lời một cử tri cao tuổi là cụ Nguyễn Quốc Minh (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) thì đó là ba điều: “Các ứng cử viên nếu trúng cử, đã hứa thì phải làm, đã làm thì làm cho thật tốt, và tăng cường gặp gỡ cử tri nhiều hơn nữa”.
* Chọn người tài đức
Về phía các ứng cử viên, đa số nội dung dự kiến chương trình hành động đều chi tiết, khiêm tốn nhưng cũng tỏ rõ quyết tâm cống hiến, làm tròn trách nhiệm người đại biểu của dân nếu trúng cử. Tại mỗi địa bàn tiếp xúc, với những đối tượng cử tri khác nhau, các ứng cử viên lại có những điều chỉnh trong nội dung cũng như cách trình bày dự kiến chương trình hành động, theo hướng sát với thực tế đời sống người dân địa phương, kèm theo những đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, nhằm tăng hiệu quả vận động bầu cử.
Một điểm đáng lưu ý là ở nội dung dự kiến chương trình hành động, trong phần giới thiệu về bản thân, các ứng cử viên đều giới thiệu chi tiết, ngắn gọn về gia đình mình. Tuy đây không phải là thông tin bắt buộc nhưng lại là điều được nhiều cử tri quan tâm, nhằm có cơ sở nhìn nhận, đánh giá ứng cử viên toàn diện hơn. Những thông tin về quá trình công tác của bản thân cũng như những tâm tư, suy nghĩ ở mỗi vị trí công tác được các ứng cử viên trình bày cũng là một trong những nội dung được nhiều cử tri chăm chú lắng nghe, để có thể hiểu rõ hơn về những người mình sắp lựa chọn, bầu vào Quốc hội.
Với các ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này, nhiều cử tri đều đưa ra nhận xét chung: Các ứng cử viên đều có chất lượng nên việc cầm lá phiếu bỏ cho từng người sẽ được cân nhắc kỹ hơn, để chọn ra những đại biểu xứng đáng nhất, thay mặt người dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
|