Theo thống kê của Sở GD-ĐT, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay tăng nhẹ so với năm trước (tăng 2.560 hồ sơ). Qua phân loại cho thấy, khối A vẫn chiếm đầu bảng, khối C ngày càng thưa vắng. Nhiều thí sinh đã chọn thi trường nhà.
* Hẩm hiu... khối C
Ông Hồ Xuân Cường, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD - ĐT cho biết, tổng số lượt hồ sơ của thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ năm 2011 là 60.838 hồ sơ. Trong bốn khối thi cơ bản, khối A vẫn đứng đầu với 34.951 hồ sơ, chiếm 57%; kế đến là khối B với 13.050 hồ sơ, chiếm 21,4%; khối D1 có 9.264 hồ sơ đăng ký, chiếm 15,2% và nằm vị trí chót bảng là khối C chỉ có 2.028 hồ sơ, chiếm 3,3%.
|
Tổ tiếp nhận và xử lý hồ sơ Trường Đại học Quy Nhơn đang gấp rút hoàn thành công việc. |
Đánh giá về tình trạng èo uột của hồ sơ đăng ký dự thi khối C, nhiều cán bộ, giáo viên của Sở GD-ĐT và các trường ĐH, THPT cho rằng, nguyên nhân là do cơ cấu ngành nghề khối C tương đối hẹp, ít có sự lựa chọn. Những ngành khối C thí sinh thích thì điểm chuẩn lại cao, nên thí sinh không tự tin đăng ký. Còn ngành điểm thấp thì thí sinh không thích. Tình trạng một số trường tuyển một ngành nhiều khối khiến khối C ngày càng trở thành “thiểu số”. Một thực tế khác là các ngành khối xã hội, sau khi học xong, khó tìm được việc làm và thu nhập không cao, trong khi học sinh phổ thông ngày càng thực tế. Không chỉ đến năm nay, mà thí sinh khối C đã giảm dần trong nhiều năm qua. Một cán bộ của Phòng Giáo dục Trung học (thuộc Sở GD-ĐT) cho biết, khoảng 3 năm gần đây, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chỉ mở được lớp chuyên Văn, còn lớp chuyên Sử và Địa thì không thể tuyển đủ số lượng. Thế nhưng, chuyện học sinh lớp chuyên Văn đăng ký dự thi khối A hoặc khối D đang trở nên phổ biến. Theo số liệu của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, lớp 12 Văn năm nay có 30 học sinh, nhưng chỉ có 13 hồ sơ đăng ký dự thi khối C vào các trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia. Còn lại, học sinh đăng ký thi khối D, thậm chí khối A.
Trường ĐH Quy Nhơn hiện có 11 ngành tuyển thí sinh thi khối C; trong đó, có 6 ngành đào tạo ĐH sư phạm và 5 ngành đào tạo ĐH ngoài sư phạm. Hàng năm, Trường đều tuyển sinh vào các ngành khối C nhưng vài năm nay phải lấy tới nguyện vọng 2 mới đủ lớp. Sinh viên của các ngành thuộc khối C cũng không nhiều như các ngành khác, bình thường, sĩ số của một lớp học khoảng 50 em, thì các lớp này chỉ khoảng 30 em. TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, năm nay, so với tổng số hồ sơ nộp vào trường, số hồ sơ đăng ký thi khối C chỉ chiếm 6,7%, giảm 3,2% so với năm ngoái.
* Đua nhau thi trường nhà
Thay vì “chăm chăm” vào những trường ĐH lớn như trước đây, xu hướng hiện tại, thí sinh ở Bình Định đã đua nhau thi trường gần nhà. Năm nay, đã có 29.300 bộ hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Quy Nhơn, tăng 360 hồ sơ so với năm ngoái; trong đó, hồ sơ do học sinh Bình Định nộp vào là 14.227, tăng 287 bộ. Lý giải về điều này, ông Hồ Xuân Cường, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT, cho rằng, nhờ công tác tư vấn, hướng nghiệp hàng năm được tổ chức tốt, đạt hiệu quả cao nên thí sinh và gia đình đã có sự chọn lựa, cân nhắc khá kỹ về việc chọn ngành nghề cũng như chọn trường vừa sức để đăng ký dự thi vào ĐH và CĐ, ít có trường hợp chọn trường “ngoài tầm với” như những năm trước.
Theo TS Lê Xuân Vinh, học trường gần nhà sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Ngoài ra, hàng năm, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Quy Nhơn thường tăng nhẹ, tạo cơ hội cho thí sinh muốn “đầu quân” vào trường nhà, trong khi chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ tại các thành phố lớn không dao động nhiều.
Một lý do khác giúp các trường nhà hút thí sinh là sự nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, trang bị tốt các phương tiện học tập, sửa sang cơ sở vật chất khang trang nhằm thu hẹp khoảng cách giữa “trường tỉnh” và các “trường danh tiếng khác”. Trường ĐH Quang Trung được thành lập đã tạo thêm nhiều cơ hội cho các thí sinh bước vào ngưỡng cửa ĐH. Trường CĐ Bình Định, Trường CĐ nghề Quy Nhơn cũng đang nỗ lực đào tạo đa ngành, đa nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội.
|