Thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chậm, quy định bệnh nhân cùng chi trả 5% chi phí điều trị, người dân vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ y tế… là những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho người nghèo.
* Khó tiếp cận dịch vụ
Huyện Vân Canh có khoảng 26.000 dân, trong đó, hộ nghèo chiếm trên 58% tổng số hộ. Để đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, Trung tâm Y tế huyện đã ký hợp đồng KCB BHYT với 7 trạm y tế xã, thị trấn.
|
Người nghèo ở vùng núi cao như huyện Vân Canh khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. |
Trong năm 2010, các trạm y tế đã khám cho hơn 10.000 lượt người bệnh BHYT, với chi phí hơn 431 triệu đồng, bình quân 40.000 đồng/đơn thuốc. Trong đó, BHYT cho người nghèo là hơn 7.500 lượt, với chi phí bình quân 37.574 đồng/đơn thuốc. Trung tâm Y tế huyện đã khám, cấp thuốc cho 17.600 lượt người bệnh, trong đó, BHYT cho người nghèo là 5.700 lượt người (chiếm tỉ lệ 32,4%), bình quân 84.000 đồng/đơn thuốc, thấp hơn 7.000 đồng so với các đối tượng khác. Với nội trú, bệnh nhân nghèo điều trị trong năm 2010 chiếm 60% tổng số bệnh nhân nằm viện, chi phí bình quân 1 ca điều trị chung là 294.000 đồng và 1 ca BHYT cho người nghèo là 316.000 đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho rằng việc tổ chức dịch vụ KCB đều khắp các xã đã tạo thuận lợi để người bệnh dễ tiếp cận với các dịch vụ y tế; nhưng cái khó là ở vùng sâu, vùng xa, việc thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân còn rất hạn chế. Tại các xã: Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển, chỉ có 47,8% người dân được hưởng dịch vụ y tế.
Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã cấp 122.478 thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tổng hợp tình hình KCB của các cơ sở y tế trong tỉnh cho thấy, tỉ lệ KCB của người nghèo là 12,65%, tần suất KCB là 2,2 lần (toàn tỉnh là 1,97 lần), chi phí chiếm 15,66% và tỉ lệ sử dụng quỹ đạt 101,6%.
Người nghèo sống ở miền núi tiếp xúc với y tế tuyến xã và huyện là chủ yếu. Nhưng trên thực tế, nhiều trung tâm y tế huyện miền núi không có hoặc không sử dụng được các thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại và không thực hiện được các phẫu thuật, thủ thuật phức tạp, chi phí cao. Tại Vân Canh, chi phí cận lâm sàng ngoại trú bình quân cho một lần khám của người bệnh chỉ có… 4.236 đồng, lượng bệnh nhân chuyển viện còn khá nhiều. Đây là thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo.
* Người nghèo cần được hỗ trợ
Theo Luật BHYT, từ cuối năm 2009 đến nay, bệnh nhân nghèo có thẻ BHYT phải cùng chi trả 5% viện phí. Với nhiều người nghèo mắc bệnh nặng, đây là khoản đóng góp quá lớn. Bà N.T.H (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) là bệnh nhân nghèo suy thận mãn tính, phải chạy thận thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, cho biết: “Tôi phải đóng 5% viện phí gần hai năm nay. Mỗi tuần chạy thận ba lần, vừa cùng chi trả, vừa phải mua thêm thuốc để điều trị, tính ra mỗi tháng mất vài trăm ngàn đồng, trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng”. Còn anh L.T.V (ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) cũng phải kiếm tiền chạy thận nhân tạo ròng rã 6 năm nay. Anh V. tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Hai năm trước, tôi vẫn được miễn hoàn toàn tiền KCB, nhưng hơn một năm nay, tôi phải cùng chi trả 5%. Gia đình giờ khó khăn quá rồi, chẳng biết tôi còn có thể “theo” được bao lâu nữa!”.
Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo và các bệnh mãn tính khác đều có chung nỗi lo như thế. Quy định cùng chi trả 5% viện phí theo quy định mới vượt quá sức chịu đựng của họ.
Chậm cấp thẻ BHYT
Việc cấp thẻ BHYT theo quy định phải thực hiện vào trước ngày 31.12 hàng năm. Tuy nhiên, thực tế năm nào cũng phải qua hai tháng đầu năm, thẻ mới đến được tay người nghèo, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB. Theo một cán bộ của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các địa phương thường gửi danh sách người nghèo làm căn cứ để cấp, đổi thẻ về cơ quan Bảo hiểm Xã hội chậm so với quy định, ảnh hưởng đến tiến độ in và phát hành thẻ BHYT cho người nghèo. Bên cạnh đó, việc lập danh sách chưa chính xác, dữ liệu không khớp với giấy tờ tùy thân nên người nghèo dù có thẻ BHYT cũng không KCB được. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ trăn trở: “Việc tư vấn cho bệnh nhân để thu 5% viện phí là rất vất vả, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi ngoài mức cùng chi trả, còn rất nhiều các khoản khác như ăn uống, sinh hoạt, đi lại… Vì thế, đã có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị”. Điều này được bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Luật BHYT cho đối tượng người nghèo và cận nghèo vừa được tổ chức trung tuần tháng 5 vừa qua, khi cho rằng, có rất nhiều trường hợp cơ sở KCB không thể thu được khoản 5% viện phí này.
Nhằm hỗ trợ, giảm bớt tốn kém cho bệnh nhân nghèo, lãnh đạo các bệnh viện đã linh hoạt triển khai nhiều biện pháp miễn giảm, hỗ trợ viện phí, nhưng chỉ như… “muối bỏ bể”. Trong tình hình giá viện phí sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới, mức cùng chi trả sẽ là gánh nặng hơn nữa với người nghèo. Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, tỉnh cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho người nghèo khi họ ốm đau được thanh toán các khoản chi phí dịch vụ kỹ thuật cao vượt mức chi trả của Bảo hiểm Xã hội và hỗ trợ viện phí cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực từ cộng đồng, tranh thủ các nguồn viện trợ trong chăm sóc sức khỏe người nghèo.
|