Năm 2010, Bình Định được triển khai Dự án Phòng chống tăng huyết áp (THA), với mục tiêu nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh và các yếu tố nguy cơ, tăng cường năng lực của nhân viên y tế trong công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh.
THA là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Giới chuyên môn ghi nhận tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện đang ở mức rất cao. Giữa THA và một số yếu tố nguy cơ tim mạch chính có mối liên quan. Đó là những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như bệnh đái tháo đường, béo bụng hoặc béo phì, có rối loạn lipid máu, gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm, ít hoặc không vận động thể lực mức độ vừa, uống nhiều rượu/bia thì có tỉ lệ mắc bệnh THA cao hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Tú, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết: Ở nước ta lâu nay chưa có hệ thống quản lý và dự phòng đối với bệnh THA. Các hoạt động y tế hiện mới chỉ tập trung cho công tác điều trị bệnh tại các bệnh viện; chưa có mô hình dự phòng, ghi nhận và quản lý bệnh THA tại cộng đồng; công tác tuyên truyền bệnh THA chưa sâu rộng; các hoạt động điều tra dịch tễ, đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống bệnh tại cơ sở còn hạn chế…
Năm 2010, Bình Định nằm trong số 16 tỉnh, thành phố của cả nước được hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án Phòng chống bệnh THA. Dự án được triển khai tại 8 phường, xã, thị trấn của 4 huyện, thành phố gồm: phường Bùi Thị Xuân và Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn); thị trấn Diêu Trì và xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước); xã Nhơn Khánh và xã Nhơn Tân (huyện An Nhơn); xã Tây Phú và xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn). Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống quản lý bệnh; đào tạo cán bộ y tế; triển khai các chương trình truyền thông về phòng, chống bệnh THA; phấn đấu quản lý được 50% số bệnh nhân THA được phát hiện tại các xã, phường... Các đơn vị phòng, chống THA được đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa huyện với nhiệm vụ tiếp nhận, tư vấn và quản lý bệnh nhân.
Tại Bình Định, kết quả khảo sát tình hình THA và một số yếu tố nguy cơ tim mạch của hơn 28.000 người dân từ 25 tuổi trở lên tại 8 xã, phường triển khai Dự án cho thấy: tỉ lệ THA chung là 13,5%; trong đó THA độ 1 là 65,2%, độ 2 là 25,9%, độ 3 là 8,9%. Tỉ lệ THA ở người thuộc nhóm 25-29 tuổi là 2,1%, 30-55 tuổi là 7,4%, 56-65 tuổi là 23% và trên 65 tuổi là 38,3%. |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Tú cho biết: Kết quả bước đầu triển khai tại 8 phường, xã của 4 huyện, thành phố của Dự án đã có 72,5% đối tượng từ 25 tuổi trở lên được khám sàng lọc bệnh THA; 62,6% bệnh nhân mắc bệnh được quản lý. Các hoạt động đào tạo, tập huấn cho y, bác sĩ, điều dưỡng về phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, sử dụng thuốc, dự phòng, quản lý bệnh nhân THA được thực hiện. Đặc biệt, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng đã được khởi động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể... Đến thời điểm này, Bình Định đã có 5 đơn vị phòng, chống bệnh THA được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và các huyện: An Nhơn, Tuy Phước.
Theo kế hoạch, năm 2011, Dự án này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra một số địa bàn khác trong tỉnh.
|