Tên là xóm Mới nhưng thực ra xóm đã có từ lâu lơ lâu lắc. Trong xóm có 20 gia đình do phụ nữ đứng tên chủ hộ. Nhánh sông nhỏ của dòng Côn chảy cạnh xóm đã chứng kiến biết bao nỗi đau dưới những mái nhà thiếu vắng hình ảnh của người chồng, người cha…
* Bất hạnh liền kế... nỗi đau
Dưới cái nắng tháng 5, nóng như đổ lửa, qua con đường bê tông, rẽ vào đường đất, xuyên qua những cánh đồng trơ gốc rạ, chúng tôi đến xóm Mới, tức xóm 14 của thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Đi, để tận mắt nhìn những người đàn bà bất hạnh…
|
Trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Trình tồn tại cả nỗi bất hạnh và niềm hy vọng cháy bỏng. Ảnh: N.V.T |
Ông Man Ngọc Tuấn, Trưởng thôn Tuân Lễ, đưa chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Ân, 50 tuổi. Thấy có khách lạ, bà Ân cất vội dĩa rau muống luộc và chén cá vụn kho mặn đang chuẩn bị cho bữa trưa. Bà nhón tay kéo mấy cái ghế nhựa mời chúng tôi ngồi. Có lẽ, đó cũng là một trong những tài sản có giá trị nhất trong ngôi nhà tranh vách đất lụp xụp, trống toang lạnh lẽo. Bưng mấy ly nước đặt lên bàn, bà bắt đầu tâm sự về cuộc đời mình…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, năm 1988, bà Ân kết hôn với ông Trần Công Chính, lớn hơn bà một tuổi và cũng có hoàn cảnh gia đình như bà. Cuộc sống của hai người tuy nghèo nhưng đầy ắp tiếng cười khi bé Trần Ngọc Yến ra đời sau đó một năm. Tai họa ập xuống gia đình bà bắt đầu từ năm 1991, khi nước dịch từ trong khóe miệng bà cứ liên tục trào ra. Bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh ung thư môi, gia đình phải bán hết những gì có giá trị, và đi vay mượn bà con họ hàng, làng xóm để chữa bệnh cho bà. Tốn biết bao tiền của, nhưng bà vẫn không khỏi, cuối cùng đành phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo này.
Vậy mà năm 1994, tai họa lại tiếp tục chọn lấy bà khi người chồng đột ngột ra đi sau cơn bạo bệnh, để lại cho bà đứa con thơ. Nhà nghèo, bệnh tình của mẹ ngày càng trầm trọng, không thể lao động nặng nhọc, nên sau khi học hết lớp 9, em Trần Ngọc Yến đã quyết định nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ.
Cách nhà bà Ân khoảng vài trăm mét là nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Trình, 65 tuổi. Bà Trình được biết đến như một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên. Một mình bà phải bươn chải với 3 sào ruộng để nuôi 4 người con; trong đó, có một người con gái mắc bệnh tâm thần sau một tai nạn giao thông. Suốt ngày, chị chỉ biết ngồi cạnh bụi tre sau nhà, đôi mắt ngơ ngác nhìn vào khoảng không vô hình. Trớ trêu thay, người đàn bà bị bệnh tâm thần này lại bị hãm hiếp, phải 2 lần mang thai và sinh con.
Hiện nay, mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng ngoài việc lao động kiếm tiền nuôi con út đang theo học tại Trường ĐH Quy Nhơn, bà còn phải tiếp tục chăm sóc đứa cháu ngoại không biết ai là cha.
Giữa trưa, chúng tôi đến nhà của em Trần Thị Thúy Kiều, 17 tuổi. Em ở một mình trong căn nhà nhỏ đậm mùi khói hương. Từ nhỏ, chị em Kiều đã không có cha. Nhà túng quẫn, học hết lớp 6, Kiều phải bỏ dở, đi học nghề may để giúp mẹ nuôi em. Cuộc đời của em bỗng dưng rẽ ngoặt khi liên tiếp nhận hai cái tang. Nguyễn Minh Chánh, em trai của Kiều mất cách đây 2 năm vì bệnh ung thư máu. Tháng 3 vừa rồi, mẹ của Kiều cũng bỏ em mà đi vĩnh viễn vì bệnh ung bướu. Giờ đây, Kiều đang làm công nhân cho một công ty may ở An Nhơn. Và, thui thủi sống một mình.
Rồi trường hợp bà Lê Thị Định nhà nghèo nhưng mắc bệnh tim…
|
Trần Thị Thúy Kiều bên bàn thờ của mẹ và em trai. Ảnh: N.V.T |
* Không nguôi khát vọng
Theo ông Man Ngọc Tuấn, trong số 20 hộ có phụ nữ đứng tên chủ gia đình ở xóm Mới có 6 hộ thuộc diện hộ nghèo. “Thời gian qua, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt này. Mỗi lần có nguồn kinh phí hay quà tặng hỗ trợ cho các hộ khó khăn, chúng tôi đều đảm bảo cho các hộ ấy không bị thiệt thòi”- ông Tuấn khẳng định.
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhưng bản thân những người phụ nữ là trụ cột của gia đình không hề có tư tưởng ỷ lại. Ông Bùi Văn Thành, Trưởng ban Mặt trận thôn Tuân Lễ, cho biết: “Những người phụ nữ trong cảnh đơn chiếc ở xóm Mới đều chăm chỉ làm lụng, cần mẫn nuôi con. Tuy làm nông là nghề chính, nhưng hết mùa, họ lại lên Tây Nguyên làm thuê để tăng thu nhập, đảm bảo việc học hành cho con cái”.
Mỗi hoàn cảnh ở “xóm không chồng” như những mảnh vỡ của cuộc đời. Tuy nhiên, vượt lên những bất hạnh, những người phụ nữ vẫn tin vào một tương lai tươi sáng. Như lời bộc bạch của bà Nguyễn Thị Trình: “Nhiều lúc, tôi cũng thấy bế tắc trước những khó khăn của gia đình. Nhưng rồi, vì tương lai của con cháu, tôi vẫn đứng vững. Bây giờ, ngoài đứa con bị bệnh tâm thần, các cháu còn lại đều đã nên người. Đặc biệt, con gái út của tôi đang học đại học, đứa anh kề của nó cũng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định”.
|