HOẠT ĐỘNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT CẤP XÃ, PHƯỜNG:
Chưa mang lại kết quả như mong muốn
21:7', 21/5/ 2011 (GMT+7)

Đến nay, quyết định về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) xã, phường của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai hơn 1 năm. Hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh ta đều đã có TSPL nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong muốn.

* Chính sách thiết thực...

Ngày 25.1.2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL; đến ngày 2.4.2010, Quyết định này chính thức có hiệu lực. Theo đó, TSPL cấp xã, phường là nơi lưu giữ, khai thác sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, nhu cầu tìm hiểu của nhân dân; đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. TSPL phải thường xuyên được chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu; đặt ở vị trí thuận tiện để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Cán bộ quản lý, khai thác TSPL có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giới thiệu để nhân dân hiểu và đến nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

 

Tủ sách pháp luật tại xã Hoài Hương dù được cấp 500 ngàn đồng/năm để bổ sung các loại sách nhưng vẫn vắng người đọc.

 

UBND cấp xã, phường đảm bảo vấn đề kinh phí trong việc xây dựng, quản lý TSPL. Ngoài ra, hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn sẽ được cấp tối thiểu 2 triệu đồng để bổ sung các loại sách, báo, tài liệu cho TSPL. Riêng với những xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, có thể được cấp mức kinh phí cao hơn nhằm đảm bảo có đủ số sách, tài liệu luân chuyển giữa các bản, làng.

Có thể thấy, việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL xã, phường là rất cần thiết, giúp nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài và là cẩm nang của cán bộ cơ sở.

 

* Nhưng hiệu quả chưa cao

Hiện nay, gần như tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ta đều đã xây dựng được TSPL. Tuy nhiên, đã hơn một năm kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, tác động của TSPL trong đời sống người dân vẫn chưa rõ.

Nhiều xã, phường xây dựng TSPL chỉ với lèo tèo vài đầu sách, văn bản luật, các loại báo nhưng phần lớn đều đã cũ. Đặc biệt, hầu như địa phương nào cũng đặt TSPL ở khuất bên trong (thường được đặt ở một góc khiêm tốn trong phòng làm việc của cán bộ tư pháp) nên người dân khó tiếp cận. Điều này trái ngược hoàn toàn với tiêu chí: “TSPL phải được đặt ở vị trí thuận tiện, dễ thấy và phong phú số lượng đầu sách, báo” như quy định tại Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg.

Anh Mai Văn Đức, cán bộ tư pháp xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), nhìn nhận: Hàng năm, ngoài khoản kinh phí được hỗ trợ, xã còn trích 500 ngàn đồng để mua bổ sung các loại sách, văn bản luật. Tuy nhiên, hiện TSPL của xã vẫn còn hạn chế về số đầu sách và hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do cán bộ tư pháp xã phải làm kiêm nhiệm, nhiều lúc không có mặt thường xuyên tại nơi làm việc; khi người dân có nhu cầu đến mượn sách thì không gặp được cán bộ tư pháp nên họ không mấy mặn mà trong việc tìm đến TSPL để tham khảo.

Không riêng gì TSPL của xã Hoài Hương, hầu hết các TSPL xã, phường trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, TP Quy Nhơn… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi “năm thuở mười thì” mới có một người dân đến mượn sách, văn bản luật để tìm hiểu. Đặc biệt, ở những xã thuộc các huyện miền núi như Vĩnh Thịnh, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); Canh Hòa (huyện Vân Canh); An Trung, An Nghĩa (huyện An Lão)… thì TSPL gần như chỉ tồn tại trên giấy bởi số lượng sách, báo liên quan đến pháp luật hết sức nghèo nàn, còn người dân thì cả năm không đụng tới tủ sách.

Theo lý giải của nhiều cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn: Hiện nay, các phương tiện thông tin phát triển, người dân có thể tự tìm hiểu các văn bản, chính sách pháp luật nên họ ít tìm tới TSPL. Tuy nhiên, lý giải này chỉ đúng với những địa phương có điều kiện; còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân khó mà tự tiếp cận với các chính sách pháp luật. Do đó, việc xây dựng, khai thác TSPL cấp xã, phường là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...

Các cơ quan có liên quan cần tìm biện pháp để TSPL xã, phường thật sự trở thành công cụ đắc lực trong việc giúp người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, nâng cao kiến thức pháp luật như mục đích ban đầu mà Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg đề ra.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội thi thiết bị và đồ dùng dạy học tự làm   (21/05/2011)
Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam từ ngày 1 đến 8.6   (21/05/2011)
Nô nức đi bầu cử sớm  (21/05/2011)
Xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình   (20/05/2011)
Tạo mọi điều kiện cho công nhân đi bầu cử  (20/05/2011)
Chuyện ở “xóm không chồng”…  (20/05/2011)
Đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân  (20/05/2011)
Ngày 21.5, 2.179 cử tri miền núi bầu cử sớm  (20/05/2011)
23.376 hồ sơ đăng ký dự thi vào Đại học Quy Nhơn   (20/05/2011)
Khánh thành trường học tránh lũ   (20/05/2011)
Kiểm soát hen ngoại trú ở người lớn theo hướng dẫn GINA 2006  (20/05/2011)
Khắp nơi rộn ràng trước ngày hội toàn dân  (20/05/2011)
Ân Nghĩa: Nỗi lo sạt lở, xói mòn đất  (19/05/2011)
Tăng cường kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác tuyên truyền và an ninh trật tự  (19/05/2011)
Sẵn sàng cho ngày bầu cử 22.5  (19/05/2011)