Theo kế hoạch, ngày 16.6 các trường tiểu học ở TP Quy Nhơn mới bắt đầu phát hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Thế nhưng từ tuần qua, khi công tác thống kê số trẻ đủ tuổi vào lớp 1 hoàn tất, việc “chạy trường” đã bắt đầu nóng dần lên.
|
Gửi con vào trường có bán trú đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.
- Trong ảnh: Học sinh lớp 1 bán trú Trường tiểu học Ngô Mây đang ăn trưa.
|
“Trước kia nhà tôi ở phường Trần Phú, giờ được tái định cư ở khu Bông Hồng. Theo đúng tuyến, con tôi vào lớp 1 sẽ học Trường tiểu học Quang Trung. Nhưng vì ba nó đi biển, tôi đi làm cá mướn suốt ngày, không ai đưa đón nên phải cố “chạy” cho con vào Trường tiểu học Trần Phú. Ở đó, có thể nhờ bà ngoại và các dì, các cậu đưa đón giúp”- chị Hải, một phụ huynh học sinh tâm sự.
Với những gia đình hai vợ chồng đi làm cả ngày, lại không được nhờ ông bà trông con, thì mối quan tâm hàng đầu của họ là trường có mở lớp bán trú hay không. Nhớ lại năm học 2009-2010, khi Trường tiểu học Lê Lợi quá tải học sinh, không thể mở lớp bán trú, anh Tuấn còn hãi hùng: “Vợ chồng tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, “chạy” đủ cách để chuyển cho cháu được học ở một trường có mở bán trú”.
Có nhiều lý do chính đáng để các bậc cha mẹ phải “chạy” cho con học trái tuyến. Song, cũng có không ít người “chạy” vì muốn con được học ở trường có tiếng tăm, nơi họ cho rằng chất lượng dạy và học tốt hơn những trường khác. Một cán bộ ở Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn cho biết: “Lý do không người đưa đón hoặc trường không có bán trú, đôi khi chỉ là cái cớ để phụ huynh “chạy” vào các trường trái tuyến mà họ nghĩ là chất lượng giảng dạy tốt hơn. Ví dụ, có người đến xin cho con học trái tuyến ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt hoặc Trường tiểu học Lê Lợi với lý do không vào được lớp bán trú của Trường tiểu học Ngô Mây. Thực ra, nếu chỉ vì muốn được học bán trú, họ có thể xin qua Trường tiểu học Quang Trung hay Trường tiểu học Kim Đồng vừa dễ được chấp nhận lại vừa gần nhà”.
Gần 4 năm qua, ngành giáo dục không cho phép các trường tiểu học tuyển học sinh lớp 1 trái tuyến nên chuyện “chạy trường” thêm khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách “chạy trường” phổ biến là chuyển hộ khẩu hoặc xin giấy tạm trú cho con về nơi có trường muốn học hay nhờ người quen biết “gửi gắm”.
Giải pháp xin giấy tạm trú có vẻ không thật an toàn, vì diện có hộ khẩu được ưu tiên xét trước. Việc cậy nhờ giáo viên trong trường hoặc người thân xin giúp đang trở nên phổ biến. Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng trong thành phố, cho biết: “Phụ huynh nắm bắt rất kịp thời những thông tin liên quan đến việc tuyển sinh. Chẳng hạn, tuần qua, khi công tác thống kê số trẻ đủ tuổi vào lớp 1 của trường hoàn tất thì nhiều phụ huynh đã biết trường dư hoặc cần thêm bao nhiêu học sinh. Cả số điện thoại di động của tôi họ cũng biết và trực tiếp hoặc nhờ người quen biết tôi xin cho con vào trường”.
Không chỉ chọn trường mà phụ huynh còn chọn lớp, chọn cô. Chị Vinh Hoa có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Hoàng Quốc Việt, cho biết: “Các phụ huynh đang kháo nhau, xin cho con vào lớp... vì lớp đó nhà trường thường phân giáo viên giỏi”. Việc phân công giáo viên phụ trách có thể mỗi năm mỗi khác nhưng qua việc “chạy lớp” cho thấy, tâm lý phụ huynh là lý do chính dẫn đến việc “chạy trường”, “chạy lớp”. Nhiều người nghĩ rằng, lớp 1 là nền tảng cho con đường học tập về sau. Vì vậy, họ quyết tâm chọn cho con trường “xịn” nhất, dù có phải đưa đón con hàng chục cây số mỗi ngày.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn, cho rằng: “Ai cũng mong con mình trở thành con ngoan trò giỏi, nên việc chọn trường tốt là mong muốn chính đáng. Tuy vậy, để giáo dục tốt học sinh, cần phải kết hợp cả ba yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng. Dù học ở đâu, nếu phụ huynh quan tâm thì nhất định học sinh sẽ học tốt”.
Ở một khía cạnh khác, các trường cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học. Chính quyền các phường, xã cũng cần siết chặt hơn việc quản lý đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, xin giấy tạm trú, nhằm tránh tình trạng học sinh đổ dồn về một nơi, gây quá tải cho các trường tiểu học trên địa bàn.
|