Làng ở bên dòng suối nước Trinh, tiếng Bana gọi là Đak Trinh, vì vậy, trước và trong kháng chiến, làng có tên gọi là Kon Trinh (xã Tu Krong, huyện Vĩnh Thạnh). Những năm 1966-1970, giặc Mỹ đánh phá ác liệt dọc theo hai bên bờ sông Côn, dân làng sơ tán vào rừng sâu cư trú. Sau ngày giải phóng, nghe theo lời Đảng, bà con xuống núi, về lại nơi chôn nhau cắt rốn định cư, định canh.
Tên gọi mới của làng là O5 (thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Nhưng tên này chỉ lưu hành trong thủ tục hành chính, bởi trong trí nhớ của dân làng, tên Kon Trinh đã trở thành thân thuộc, không thể thay thế.
Làng Kon Trinh hiện có 112 hộ với 468 nhân khẩu, trong đó chỉ có 1 hộ duy nhất có 2 nhân khẩu là đồng bào Kinh từ miền xuôi lên sinh sống, lâu dần không quay về mà cùng hòa chung nếp sống vùng cao với đồng bào Bana bản địa.
|
Đường giao thông vào làng O5 đã được bê tông hóa.
- Trong ảnh: Cầu tràn qua suối Đak Trinh. |
Núi rừng đất rộng mênh mông, nhưng nghiệt ngã thay, cả làng không có một nơi nào đất bằng phẳng để có thể khai hoang trồng lúa nước. Chỉ có một thẻo nhỏ, nhưng dòng suối nước Trinh không chảy tới được vì hòn núi lớn dựng đứng một bên đã làm tắc dòng. Bởi vậy quanh năm suốt tháng, bà con lao động rất vất vả mà vẫn không được ăn no cái bụng, thân không đủ vải mặc ấm. Theo tập tục và cung cách làm ăn lạc hậu, thô sơ quen thuộc từ bao đời, bà con Bana nơi đây sống rày đây mai đó, chuyên phát rừng làm rẫy, trỉa lúa, bắp, trồng khoai… Vào mùa đông gió rét, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.
Rồi cũng đến lúc, bà con ngộ ra rằng, không thể giữ mãi tập quán làm ăn theo kiểu cũ xưa. Rừng càng ngày càng được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Để không xảy ra tình trạng phá rừng bừa bãi, chính quyền địa phương các cấp đã quy hoạch và phân chia bình quân mỗi hộ khoảng 3 ha đất triền dốc dưới 150 theo quy định của Nhà nước cho bà con sản xuất, thâm canh.
Chỉ chừng ấy đất, tưởng như không đủ, cộng thêm trình độ dân trí của bà con khá thấp, thực tế tiếp cận sản xuất đã phát sinh khá nhiều bất cập. Nhưng dần dà, nhờ bản chất hay lam hay làm; đôi bàn tay lao động cần cù; cái tai biết nghe lời cán bộ nói, làm theo phương châm: “lấy ngắn nuôi dài”, vậy là bà con trồng cây ngắn ngày như đậu xanh và các họ đậu xen kẽ cây lâu năm là đào lộn hột. Mấy năm đầu, cây đào chưa lớn, bà con trỉa đậu xanh…
Thu hoạch đậu từ diện tích này cho kết quả khá cao nên làm ưng cái bụng bà con. Sang năm sau, họ tiếp tục làm như vậy. Bok Bươn, một người cao tuổi trong làng nói: “Năm nào, Giàng tốt bụng cho mưa thuận gió hòa, nhiều gia đình thu từ 20-30 triệu đồng từ đậu đỗ, trong đó đậu xanh là chủ lực. Đến khi mùa đào ra trái, những năm được mùa, bà con cũng thu được 15-20 triệu đồng cho mỗi vụ đào”.
Ngoài cây trồng, bà con còn phát triển chăn nuôi trâu, bò, heo, gà… Bình quân, mỗi hộ hiện có 2 con bò, heo trở lên. Ông Đinh Truôn, Trưởng Ban MTTQ Việt Nam làng, cho biết: “Làng lũ tui từ hồi giờ không có diện tích đất trồng lúa nước nhưng bà con luôn nghe lời cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn lịch thời vụ, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ làm theo kỹ thuật nên năng suất, sản lượng thu hoạch có kết quả, đời sống của bà con từng bước được cải thiện, đổi mới hơn trước rất nhiều. Cả làng hầu hết đều có nhà ngói, nhiều hộ có xe máy, ti vi, tủ bàn… Thu nhập bình quân các hộ trong làng trên 2 triệu đồng/người/năm”.
Những năm qua, nhận được hỗ trợ từ các chương trình 134, 135 của Chính phủ, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Việc phát rừng làm rẫy đã giảm đáng kể.
Là một làng đồng bào Bana nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhưng nhờ biết tiếp thu và làm theo cái mới, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi phù hợp với đặc điểm vùng, đồng bào làng Kon Trinh đã vượt qua cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu, cải thiện đáng kể đời sống vật chất. Đời sống tinh thần theo đó cũng ngày càng được chú trọng và nâng cao.
|