Để có được thành công trong nghề nghiệp, những nhà báo nữ rất cần những người bạn đồng hành. Vậy ai đã cùng đi với nhà báo nữ trên những chặng đường nghề nghiệp đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào này? Hội thảo “Nhà báo nữ và những người bạn đồng hành”, do CLB Nhà báo nữ Bình Định tổ chức, với sự tham dự của CLB Nhà báo nữ các tỉnh bạn miền Trung và Tây Nguyên, vừa diễn ra trong hai ngày 26, 27.5 tại Quy Nhơn phần nào đã giải đáp cho câu hỏi đó.
|
Thành viên các CLB nhà báo nữ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thăm Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga và giao lưu với người khuyết tật tại cơ sở. Ảnh: Nguyên Sương
|
Chiều hè tháng 5, những nhà báo nữ của các CLB Nhà báo nữ: Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng, Đăk Lăk, cùng sự tươi trẻ, xinh xắn của mình, đã mang đến Hội thảo nhiều câu chuyện, tâm sự, cả chính thức trên diễn đàn lẫn nhỏ to trong các cuộc giao lưu, về chuyện nghề, chuyện đời, chuyện gia đình. Chia sẻ, để thấy mình được sẻ chia, được tự hào hơn về nghề nghiệp và gắn kết với nhau hơn trong cộng đồng các nhà báo nữ.
Nhà báo Vũ Như Ngọc, ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ TP Đà Nẵng, tự hào cho biết, thời gian qua, đội ngũ những nhà báo nữ TP Đà Nẵng đã không ngừng trưởng thành và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cây bút nữ đã thể hiện bản lĩnh người làm báo, sự năng động, xông xáo, nhiệt tình, khả năng tiếp cận nhanh với kỹ thuật làm báo hiện đại, nên các tác phẩm báo chí của chị em đáp ứng yêu cầu thời sự.
Để đáp ứng nhu cầu chia sẻ, gắn kết trong nghề nghiệp lẫn trong cuộc sống của các nữ nhà báo, đồng thời, thu hút chị em tham gia các hoạt động của CLB, Ban Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ TP Đà Nẵng xác định phải đa dạng hóa hình thức hoạt động. Gần 8 năm qua, trung bình mỗi năm, CLB tổ chức 3 hoạt động để chị em tham gia với nhiều hình thức phong phú như: thực tế sáng tác, tham quan, giao lưu, sinh hoạt dã ngoại, gặp mặt tư vấn về sức khỏe và hạnh phúc gia đình... Ngoài ra, CLB còn phối hợp với các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện như: thăm và tặng quà cho đồng bào miền núi và chiến sĩ biên phòng; tổ chức đêm thơ nhạc “Tình yêu Đà Nẵng” nhân kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam; giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân...
Quan tâm đến một khía cạnh đồng hành khác, CLB Nhà báo nữ tỉnh Phú Yên mang đến Hội thảo những kinh nghiệm để giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Để giúp nhà báo nữ khắc phục khó khăn về thời gian, song song với việc tự học của các nhà báo, nhà báo Phương Trà (Báo Phú Yên) đề xuất: “Theo chúng tôi, cần mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngay tại cơ quan, theo đặc thù của các loại hình báo chí; tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ theo chuyên đề định kỳ ở từng chi hội; tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi nghiệp vụ với khách mời là các nhà báo giỏi”. Mặt khác, CLB Nhà báo nữ tỉnh Phú Yên còn đưa ra ý tưởng: Ban Chủ nhiệm các CLB có thể tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu nghiệp vụ để các thành viên đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong công việc; kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp cũng như cách sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, vừa làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình.
Cũng vậy, nhà báo Tôn Nữ Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Khánh Hòa, cho hay, CLB đã có những hoạt động hỗ trợ nghiệp vụ cho hội viên như: hàng quý chọn những bài viết xuất sắc của nhà báo nữ để khen thưởng, tổ chức các chuyến giao lưu kết hợp tạo điều kiện cho nữ nhà báo tác nghiệp...
Và không thể không nhắc tới một người đồng hành gần gũi nhất của các nhà báo nữ, đó chính là gia đình. Những nữ nhà báo may mắn có chồng cùng nghề hoặc thấu hiểu nghề nghiệp của vợ thì có rất nhiều thuận lợi. Nhà báo H. Lan (CLB Nhà báo nữ Báo Bình Định) kể, trước đây, hai vợ chồng thường có những chuyến đi công tác chung. Anh chị không lên kế hoạch cụ thể về đề tài mà chỉ “áng chừng” chủ đề, khi đến nơi sẽ tùy tình hình mà lấy tư liệu; khi trở về thì phân cụ thể ai viết bài nào, đoạn nào. Hay nhà báo Ngọc Quỳnh (Báo Bình Định) kể, từ khi chuyển về làm việc tại bộ phận tòa soạn, chị đã thực sự “đổi vai” cho chồng. Khi còn là phóng viên, thỉnh thoảng chị mới nhờ chồng nấu cơm, chăm con khi đi công tác; còn nay, chồng chị hầu như phải giúp vợ những việc trên, bởi giờ cao điểm của tòa soạn là trưa, chiều. Nhiều lúc, chị cũng thấy áy náy, tuy nhiên, cái được thì cũng rất rõ: Các con chị khen ba nấu ăn ngon hơn, còn chồng chị thì có cơ hội từ chối nhiều cuộc vui vẻ sau giờ làm việc.
Nhiều nữ nhà báo kết luận rằng: Nếu không có người bạn đồng hành mang “bí số” 24/24 trên chia sẻ thì họ đã không thể hoàn thành tốt công việc ở cơ quan cũng như gia đình.
Ngoài ra, bạn đồng hành của nhà báo nữ còn là những doanh nhân, với các hoạt động phối hợp, hỗ trợ trong các chuyến công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh quanh mình.
Chia sẻ sau hội thảo, nhà báo Đoàn Thị Bích Nga (Phó Ban Tòa soạn Báo Gia Lai) hào hứng: “Tôi thấy các CLB nhà báo nữ ở các tỉnh bạn giỏi quá. Sắp tới, Gia Lai sẽ thành lập CLB Nhà báo nữ và chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm như các CLB bạn”. Còn nhà báo Võ Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ TP Đà Nẵng thì chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với mảng công tác nhân đạo - từ thiện của CLB Nhà báo nữ tỉnh Bình Định. Đây là hoạt động không mới vì bản tính của phụ nữ là dễ đồng cảm, chia sẻ với nỗi bất hạnh của những người khác; tuy nhiên, trong phạm vi CLB mà các chị làm được như thế là rất hay. Đà Nẵng chúng tôi sẽ áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh của mình, để làm cầu nối những người có lòng hảo tâm với người bất hạnh, đồng thời tạo chiều sâu cho các hoạt động của CLB”.
|