Báo động tình trạng trẻ em thấp còi
21:16', 28/5/ 2011 (GMT+7)

Bên cạnh sự gia tăng một bộ phận trẻ em béo phì, tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi - chiều cao/tuổi - hiện là một thách thức lớn.

 

Để giảm tỉ lệ trẻ thấp còi cần định hướng phù hợp chiến lược dinh dưỡng và các hoạt động hỗ trợ.

 

* 3/10 trẻ bị thấp còi

Báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, tỉ lệ trẻ SDD thể thấp còi ở tỉnh ta là 29,7%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 29,3%. Cứ 10 trẻ em dưới 5 tuổi thì Bình Định có khoảng 3 trẻ bị thiếu chiều cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “SDD thể thấp còi là vấn đề lớn, phổ biến nhất của tình trạng thiếu dinh dưỡng trên thế giới, ở nước ta nói chung và Bình Định nói riêng. Trong khi đó, các nguồn lực để hỗ trợ và cải thiện giảm SDD chiều cao còn rất thiếu, đặc biệt là các nguồn lực hỗ trợ cho việc cải thiện chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong hai năm đầu đời.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống SDD trẻ em vừa được Sở Y tế tổ chức tại TP Quy Nhơn, phân tích của các bác sĩ cho thấy: SDD thể thấp còi được coi là tiêu chí phản ánh trung thực nhất sự phát triển chung của trẻ. Các quốc gia đạt mục tiêu ở mức an toàn về dinh dưỡng khi tỉ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em của họ đạt 10%, còn chúng ta tỉ lệ này quá cao. Đây là dạng SDD mạn tính để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành. Trẻ em thấp còi sẽ trở thành người lớn thấp lùn, giảm năng suất lao động. Những bé gái SDD thể thấp còi sẽ tạo ra một thế hệ mới có chiều cao “khiêm tốn”. Trẻ thấp còi rất dễ mắc các bệnh khi trưởng thành, như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường và một số các bệnh truyền nhiễm khác.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích dẫn chứng sự liên quan của SDD thấp còi đến tỉ lệ tử vong của trẻ em, cụ thể tình trạng này làm tăng nguy cơ tử vong cho trẻ 2,5-8,4 lần. Mỗi 1% tỉ lệ này tồn tại có thể gây thiệt hại khoảng 20 triệu USD/năm vì hậu quả của nó gây nên. Giảm trẻ SDD thấp còi sẽ trực tiếp cải thiện tầm vóc thể lực và trí tuệ, cải thiện giống nòi của người Việt Nam. 

 

Tỉ lệ trẻ em SDD thể thấp còi ở Bình Định là 29,7%, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

 

* Cần định hướng phù hợp

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do các bà mẹ và những người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý. Tỉ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn những tháng đầu thấp, ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung nghèo protid, lipid sẽ dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị thấp còi. Tình trạng mất an ninh lương thực đe dọa nhiều vùng núi cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa do ảnh hưởng của thiên tai bất thường, đặc biệt là các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Hoài Ân. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng như nước sạch, hệ thống nhà trẻ, công trình vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đó là những thách thức rất lớn để Bình Định đạt mục tiêu cải thiện dinh dưỡng trẻ em về chiều cao, giảm tỉ lệ SDD thể thấp còi xuống còn 27,95% trong năm 2011 và phấn đấu đến năm 2015 là dưới 26% theo Chương trình phòng chống SDD trẻ em giai đoạn 2011-2015. Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, khi tỉ lệ SDD chung ở trẻ trong tỉnh đã xuống mức 18,62% thì giảm tỉ lệ thấp còi là một cuộc chiến rất gian nan. Để làm được điều này, cần có định hướng phù hợp cho chiến lược dinh dưỡng và các hoạt động hỗ trợ.

Sở Y tế phải phát huy vai trò chỉ đạo chung, huy động sự tham gia và phối hợp của các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội trong tỉnh; kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng dựa trên hệ thống y tế thôn bản. Tăng cường các hoạt động truyền thông tư vấn và thay đổi hành vi cho bà mẹ và cộng đồng bám sát với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích nhấn mạnh: Phục hồi dinh dưỡng cho trẻ SDD nặng rất quan trọng để duy trì sự sống còn, phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ. Hoạt động này sẽ được triển khai đối với trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi) bị SDD và ưu tiên cho trẻ SDD nặng tại các xã trọng điểm, xã miền núi khó khăn. Từ tháng 6 đến tháng 9.2011, ngành Y tế sẽ tiến hành điều tra tình trạng dinh dưỡng, kiến thức và hành vi chăm sóc cho trẻ để có cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy” trên địa bàn tỉnh  (28/05/2011)
Những người đồng hành cùng nhà báo nữ  (28/05/2011)
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba  (28/05/2011)
Nhiều nội dung phong phú   (27/05/2011)
Vất vả tìm chỗ gởi con  (27/05/2011)
Góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề   (27/05/2011)
Điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ Ban Quản lý dự án VLAP   (27/05/2011)
Trao quà cho công nhân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn   (27/05/2011)
Hội nghị khoa học nội khoa miền Trung mở rộng lần thứ I   (27/05/2011)
Quy Nhơn: khánh thành Trạm y tế xã Nhơn Hội  (27/05/2011)
Cả tỉnh có 214 hội thẩm nhân dân  (26/05/2011)
Xúc tiến thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Quy Nhơn  (26/05/2011)
47.314 HSSV được vay hơn 676,7 tỉ đồng  (26/05/2011)
Khai mạc Triển lãm Tài liệu Biển - Đảo Nam Trung Bộ  (26/05/2011)
Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị các kỳ thi tại Bình Định  (26/05/2011)