Các thầy, cô giáo có nhiều kinh nghiệm dạy môn Ngữ văn, Toán, Anh văn chia sẻ những kinh nghiệm làm bài thi tốt nhất với các thí sinh (TS) chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
Thầy Võ Công Trí, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:
* Cần bám sát yêu cầu đề ra
Năm nay đề thi ra theo dạng đề mở, đòi hỏi có sự sáng tạo, nên TS phải học thật kỹ các tác phẩm. Lúc làm bài phải bám sát yêu cầu đề, trình bày bài thật tốt. Đừng bỏ câu nào, đừng nghĩ sẽ lấy điểm câu này bù câu kia. Cần chú ý đến câu 1 và 2. Hai câu này dễ kiếm điểm nhưng TS thường bỏ qua hoặc do chủ quan làm không tốt. Câu 1 là câu kiểm tra kiến thức, chỉ cần học 3 tác phẩm nước ngoài cộng với hai tác giả là Hồ Chí Minh và Tố Hữu là có thể làm được. Câu 2 là câu nghị luận xã hội, đề thi sẽ yêu cầu trình bày suy nghĩ, hiểu biết hay giải thích một vấn đề. TS phải trình bày cách hiểu và nêu được ý kiến của mình về vấn đề đó. Lâu nay, TS luôn cho câu này nhiều thời gian quá. Chỉ cần viết 1 trang, khoảng 600 chữ là có thể đạt điểm tối đa, nếu đáp ứng yêu cầu của đề.
Câu nghị luận văn học sẽ có dạng: 3A và 3B. Câu 3A dành cho TS học chương trình cơ bản, câu 3B cho TS học chương trình nâng cao. Nhưng TS có quyền làm bất kỳ câu nào. Xu hướng đề ra, nếu câu 3A ra văn xuôi thì câu 3B sẽ ra thơ hoặc ngược lại.
Thầy Trần Nhật Tân, giáo viên môn Toán, Trường THPT Quốc học:
* Hãy lên kế hoạch tổng thể
Trước khi đặt bút viết, hãy dành 3-5 phút coi một lượt từ trên xuống và lên kế hoạch tổng thể. Phần chung, làm câu nào trước, câu nào sau. Phần riêng, chọn phần nào, làm câu nào trước, sau, không cần theo thứ tự. Câu đầu tiên nên chắc lấy điểm, để tạo tâm lý thoải mái. Tránh tình trạng chủ quan tưởng dễ, mới câu đầu tiên đã gặp trục trặc, sẽ tạo ra tâm lý bất an.
Hai năm qua, cấu trúc đề thi tốt nghiệp bám rất sát SGK. Nếu nắm vững kiến thức trong SGK sẽ có thể làm bài tốt. Đa số TS sợ môn hình học, nên nếu yếu hình thì hãy quan tâm đến phần phương pháp tọa độ trong không gian, còn bài hình không gian khó hơn thì để lại sau.
Lưu ý, một số đáp án có điểm cho câu trả lời (thường là 0,25). Tìm ra đáp số rồi, nhớ viết thêm câu trả lời để không bị mất điểm đáng tiếc. Tạo thói quen, làm xong một câu phải kiểm tra lại ngay. Những tính toán, chuyển đổi quan trọng nên lưu lại trong giấy nháp ở dạng vắn tắt, để khi phát hiện nhầm lẫn, sai sót có thể dễ dàng kiểm tra lại.
Thầy Nguyễn Minh Hà, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:
* Cần vận dụng tốt các kỹ năng khi làm bài
Ngoài việc ôn tập kỹ kiến thức, cần có những kỹ năng làm bài. Trong đó, kỹ năng loại bỏ đáp án sai được xem là khá quan trọng. Khi không chắc về kiến thức, phát huy kỹ năng này sẽ giúp TS tìm ra hoặc đến gần với đáp án đúng hơn, dù khả năng có thể là 50-50. Trong đề thi sẽ có dạng bài đọc hiểu. Những bài đọc đôi khi hơi dài và khó hiểu, nhưng phần lớn câu hỏi chỉ xoay quanh những chi tiết đặc biệt. Ở dạng này, với câu hỏi về đại ý của đoạn văn, TS cần đọc nhanh qua cả đoạn, sau đó đọc kỹ câu đầu tiên và câu cuối của các tiểu đoạn là có thể trả lời được. Với yêu cầu tìm từ đồng nghĩa, TS nhớ dùng kỹ năng đoán nghĩa. Dạng bài thi ngữ âm, nếu gặp từ lạ, có thể dùng kỹ năng liên tưởng bằng cách xem phần chính tả hoặc đuôi sau giống với từ nào đó đã biết. Cách này, dù không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng xác suất đúng sẽ rất cao.
Bài thi trắc nghiệm thường có 50 câu. Cần tập trung khai thác triệt để kiến thức đã nắm vững, tận dụng tốt kỹ năng sẵn có. Nếu gặp câu khó, TS hãy bỏ qua và quay lại khi hoàn thành hết những câu khác dễ hơn.
|