LÀNG TRẺ EM SOS QUY NHƠN:
Bắt đầu tiếp nhận trẻ
18:26', 31/5/ 2011 (GMT+7)

Đúng vào ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6), 42 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt đã được tiếp nhận vào Làng trẻ em SOS Quy Nhơn.

 

Ngày 1.6, Làng trẻ em SOS sẽ tiếp nhận 42 trẻ đầu tiên.

 

* Hồi hộp ngày đón trẻ

Những ngày cuối tháng 5, con đường vào Làng trẻ em SOS Quy Nhơn đang được gấp rút thi công. Còn Làng thì đã hoàn thiện các hạng mục: 14 ngôi nhà gia đình, trường mẫu giáo, khu văn phòng làm việc, nhà khách, nhà ở cho các mẹ...

Ở nhà gia đình số 3, “bà mẹ” Trần Thị Hạnh - sinh năm 1969, người lớn tuổi nhất Làng, ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) - dọn dẹp, lau chùi cửa kính và trang hoàng ngôi nhà mới để đón 7 đứa con. Mẹ Hạnh khoe đã sắm gần như đầy đủ đồ dùng cho các con. Nào khăn mặt, khăn tắm, khăn lau tay, bàn chải, kem đánh răng, xà phòng tắm, xà phòng gội… Những thứ linh tinh, nhỏ nhặt ấy, mẹ Hạnh phải suy nghĩ rất kỹ. Mẹ cho biết: “Mấy hôm trước, Làng cho cả một chiếc xe lam chở các mẹ và các dì xuống siêu thị mua sắm đồ dùng gia đình. Các con đủ mọi lứa tuổi, đồ dùng sinh hoạt phải phù hợp với tâm lý của từng đứa nên lại tranh thủ ra chợ Dinh để sắm thêm”.

Các làng SOS ở Việt Nam hoạt động theo 4 nguyên tắc chung trên toàn thế giới, gồm: “Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng”. Trong đó, nhân tố chính là các “bà mẹ”, “bà dì” -  là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không nặng gánh gia đình, tình nguyện gắn bó và đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi như những đứa con của mình. Mỗi “bà mẹ” làm chủ một “ngôi nhà gia đình”, có toàn quyền định đoạt việc nuôi dưỡng những “đứa con” như những người mẹ khác trong xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, cho biết: “Các bà mẹ gần gũi với trẻ, ảnh hưởng rất lớn sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nên việc tuyển chọn rất được chú trọng. Nhưng vượt lên trên hết, các bà mẹ phải thực sự yêu trẻ, xem trẻ như con của mình dù họ chưa một lần làm mẹ”.

 

Những đứa trẻ bị bỏ rơi luôn cần một mái ấm gia đình.

 

Trong 5 tháng vất vả tuyển người, từ vài chục hồ sơ ban đầu, Làng lọc ra còn 10 bà mẹ. Trải qua lớp đào tạo bài bản và thử thách tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, từ 10 bà mẹ, Làng chỉ tuyển được 6 bà mẹ. Ông Cương cho biết, đến thời điểm này Làng cũng vừa tuyển thêm 11 bà mẹ, sắp tới sẽ cho đi học để tiếp tục chắt lọc. Những bà mẹ tuyển sau sẽ đảm nhận vai trò là các “bà dì” hỗ trợ công việc chăm sóc trẻ cho các “bà mẹ” của Làng.

17 bà mẹ, bà dì có hoàn cảnh và nguyên nhân đến với trẻ khác nhau, có người nói do thích trẻ con, có người nói do duyên số nhưng họ đều có điểm chung là có tấm lòng nhân ái với trẻ. Bởi lẽ, để làm mẹ của Làng trẻ SOS, những người phụ nữ này phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để dành trọn tâm huyết bù đắp cho những trẻ không may. Có “mẹ” còn rất trẻ, vẫn chưa bước qua ngưỡng tuổi 30. Công việc của các mẹ, các dì không hề đơn giản. Họ phải suốt ngày quần quật với việc nhà, chuẩn bị cơm nước cho các con, đưa đón con đi học, làm đồ chơi cho con, giúp con học tại nhà…

* Cho trẻ một mái ấm gia đình

Gần một tháng vào Làng, các mẹ và các dì đã kịp trồng quanh nhà 1 cây xoài cát Hòa Lộc và 1 cây vú sữa. Những mầm xanh ban đầu đã nhú lên trên mảnh đất đầy nắng và cát của Làng, như đang ươm cho trẻ bất hạnh những mái ấm gia đình hạnh phúc.

Đến nay, các thiết bị bên trong như bàn ghế, tủ và các đồ dùng gia đình cơ bản đã được Làng trang bị cho 5 nhà gia đình đón trẻ đợt 1. Mỗi một nhà gia đình được bố trí, gồm: 3 phòng ngủ cho trẻ, 1 phòng ở cho mẹ, 1 phòng khách, 2 nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, kho chứa đồ. Phòng trẻ có đầy đủ giá sách, giường ngủ, tủ đựng đồ cá nhân cho từng bé. Các đồ dùng cũng được trang bị khá đầy đủ, chăn màn dùng cho từng mùa.

 

Trẻ mồ côi đang sống trong mái ấm của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

 

42 trẻ được tiếp nhận vào Làng trong đợt đầu tiên được bố trí ở 5 nhà gia đình. Trẻ lớn nhất sinh năm 1998, còn trẻ nhỏ tuổi nhất sinh năm 2009. Đặc biệt trong số này có 10 cặp là anh chị em ruột. Ông Cương cho biết: “Làng cũng có nhận được một hồ sơ của trẻ sơ sinh, nhưng trong giai đoạn đầu, công việc còn rất mới mẻ với các bà mẹ, bà dì nên Làng không thể tiếp nhận. Các mẹ phải chăm đến 8-9 đứa con, nên áp lực không hề nhỏ”.

Hiện, trong 42 trẻ vào Làng đợt đầu có một số cháu học khá, giỏi. Làng đã liên hệ với Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình và Trường THCS Nhơn Bình tổ chức cho hơn 30 trẻ đang học tiểu học và 2 trẻ bước vào THCS tiếp tục được đến trường; đồng thời, cho trẻ học hè sau khi vào Làng. Riêng đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, Làng đã có kế hoạch tuyển hiệu trưởng và giáo viên cho Trường mầm non của Làng.

Ông Cương cho biết: “Ngoài lứa trẻ này, Làng sẽ nhận thêm trẻ trong vài tháng nữa. Tất cả đều đang ở bước khởi động. Chúng tôi đều mong muốn đem đến cho trẻ một mái ấm gia đình hạnh phúc thật sự”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6  (31/05/2011)
Hội thảo xây dựng “Môi trường cơ sở y tế không thuốc lá”   (30/05/2011)
Đình chỉ lưu hành 2 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (30/05/2011)
Hội nghị trực tuyến thực hiện đề án 1816   (30/05/2011)
Triển khai phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2011   (30/05/2011)
Để làm bài thi tốt nghiệp hiệu quả nhất   (30/05/2011)
Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT   (30/05/2011)
“Quyết tâm bám biển, bám ngư trường của Tổ quốc mình”  (30/05/2011)
Đêm giao lưu “Hướng về biển đảo”  (29/05/2011)
Ngày 17 và 18.6, sẽ thi tuyển vào lớp 10  (29/05/2011)
Kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Tuy Phước, An Nhơn  (29/05/2011)
Chú trọng công tác kiểm tra đảng viên  (29/05/2011)
Tốc độ “già hóa” dân số đang diễn ra rất nhanh  (28/05/2011)
Báo động tình trạng trẻ em thấp còi  (28/05/2011)
Triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy” trên địa bàn tỉnh  (28/05/2011)