Mùa hè, thời tiết nắng nóng, kèm theo khói, bụi ô nhiễm môi trường... làm cho trẻ dễ mắc các bệnh: viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp, sốt siêu vi, thủy đậu…
* Viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân là do thời tiết quá nóng bức, sử dụng quạt nhiều, dẫn đến khô vùng hầu miệng khiến các chất nhờn, nhầy bảo vệ vùng họng bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp. Triệu chứng thường là sổ mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng; nặng hơn có thể gây áp xe thành họng, viêm họng do liên cầu…
Không nên dùng kháng sinh tùy tiện, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch đờm nhớt ở vùng mũi họng của trẻ. Giúp trẻ giảm ho và đau họng bằng thuốc nam (mật ong, lá húng chanh, quất hấp). Nếu bệnh nặng hơn nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
|
Thời tiết nắng nóng mùa hè, kèm theo ô nhiễm môi trường làm cho trẻ dễ mắc bệnh. |
* Tiêu chảy cấp
Thời tiết nắng nóng, thức ăn rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn: E.coli, shigella, virus, phẩy khuẩn tả... Vi khuẩn hay siêu vi theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính, niêm mạc và gây rối loạn hấp thu. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng của bệnh tiêu chảy như trẻ nôn, sau đó, đi tiêu ra phân nước lợn cợn, có đàm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng chướng. Tùy theo trẻ bị tiêu chảy nhiều hay ít mà trình trạng mất nước nặng hay nhẹ. Điều trị chủ yếu là bù dịch cho trẻ để tránh mất nước, như: oresol, nước dừa, nước lọc… Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị phù hợp.
* Sốt cao co giật do siêu vi
Biểu hiện thường gặp là trẻ đang khỏe mạnh bỗng tỏ ra mệt mỏi, sốt cao, lên cơn co giật. Trước khi đưa trẻ đến bệnh viện, cần cho trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên để đảm bảo đường thở thông thoáng và đàm nhớt chảy ra ngoài. Ngừa trẻ cắn lưỡi trong cơn co giật bằng cách dùng cán muỗng hoặc vật tương tự có quấn gạc và đưa vào miệng trẻ. Tuyệt đối không cho uống bất kỳ thứ gì khi trẻ đang co giật, không chích lể...
* Bệnh thủy đậu
Khi phát hiện trẻ có những nốt phỏng nước trên da nên cho trẻ nghỉ ngơi, không được chà xát, làm vỡ các mụn phỏng gây bội nhiễm. Có thể dùng dung dịch sát khuẩn như xanh methylene chấm vào mụn phỏng, mặc quần áo bằng vải mềm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ, cung cấp vitamin nhóm B và C, cho trẻ uống hạ sốt nếu sốt cao. Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Để phòng các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ thì khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da. Tránh để hướng gió của quạt thổi trực tiếp vào mũi họng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
|