Vậy là ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 đã trôi qua được 3 ngày. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ sự quan tâm đến thế hệ mầm non của đất nước. Đối với các em mồ côi, khuyết tật, sự quan tâm - dù dưới hình thức nào cũng luôn quý giá, đáng trân trọng…
1.
Sáng 30.5, khoảng sân rộng giữa Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh rộn ràng hơn mọi ngày. Các em học sinh ở Trung tâm đang được tham gia các hoạt động thể thao và các trò chơi sôi nổi. Tiếng cười nói xôn xao tại khu vực thi ném bóng rổ. Mỗi “vận động viên” nhí không phân biệt giới tính được ném 5 lượt, mỗi lần ném được bóng vào rổ sẽ được tính 1 điểm, người nào có số điểm cao nhất sẽ giành giải nhất.
|
Các em nhỏ ở Trung tâm BTXH tỉnh chơi trò ném bóng rổ. |
Những cô bé, cậu bé bặm môi cố tung quả bóng sao cho lọt vào chiếc rổ trên cao. Có chú bé nhỏ choắt, quả bóng to hơn cả thân người, hai lần ném thử bóng đều ra ngoài. Thế nhưng, khi ném thật, có đến ba lần em ném được bóng vào rổ. Khán giả như nín thở khi cú ném cuối cùng của em bóng cứ lượn lờ trên vành rổ mãi mới chịu lọt xuống. Tiếng vỗ tay, la hét ầm ĩ vang động cả không gian vốn rất yên tĩnh của Trung tâm. Các cụ già cũng ra ngồi ở hành lang nhìn các cháu nhỏ chơi, đôi mắt ánh lên niềm vui…
Ấn tượng nhất trong số các “vận động viên” sáng hôm ấy chính là em Trần Văn Lạc, cậu bé không có bàn tay. Thế nhưng, em vẫn ôm trái bóng rất gọn gàng. Hai lượt ném thử, em đều ném ra ngoài. Năm lượt ném chính thức, mãi đến lượt cuối cùng em mới ném được bóng vào rổ. Do có đến 3 “vận động viên” có cùng 1 điểm, nên các em phải tham gia “hiệp phụ” để phân thắng bại. Và, trong “hiệp phụ” này, Lạc đã ném một lèo 3 lần được 3 điểm, đoạt luôn giải nhì.
Đứng bên ngoài, mẹ Huệ cũng liên tục hò hét cổ vũ cho các con. “Mẹ Huệ” - như các em nhỏ ở đây hay gọi chính là bà Ngô Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm. Bà hào hứng cho biết: “Tất cả các em từ 6 tuổi trở lên có thể vận động được đều được chúng tôi tạo điều kiện để tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi vừa sức rèn luyện sức khỏe và để cho tinh thần của các em được vui tươi, thoải mái, tăng cường mối đoàn kết giữa các em. Chính từ các hoạt động này, các em hầu như quên hết mặc cảm về những khiếm khuyết trên cơ thể mình”.
Năm nào cũng vậy, cứ hết thời gian học văn hóa, Trung tâm BTXH tỉnh lại tổ chức sân chơi cho các em. Năm nay, các em đăng ký danh sách thành từng nhóm để tập luyện từ ngày 20 đến ngày 24.5. Bắt đầu từ ngày 25, các em chính thức bước vào các trận thi tài sôi nổi ở các môn cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông… Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các trò chơi sôi động như cướp cờ, đổ nước vào chai, đua xe đạp chậm…
|
Các em cùng ca hát trong buổi giao lưu văn nghệ ở Trung tâm BTXH Đồng Tâm chiều 30.5. |
2.
Chiều 30.5, Trung tâm BTXH Đồng Tâm đón những vị khách lần đầu đến thăm. Đó là 4 giáo viên và 15 đoàn viên, thanh niên của Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định. Khâu chào hỏi xã giao được giản tiện, để các bạn trẻ bắt tay ngay vào việc tổ chức buổi giao lưu văn nghệ cùng các em học sinh khuyết tật đang được nuôi dạy ở đây. Không chỉ mang quà, dụng cụ để tổ chức trò chơi, các bạn còn mang cả đàn lên Trung tâm để đệm cho các tiết mục văn nghệ thêm sinh động.
“Chủ xị” phần trò chơi cho các em là bạn Nguyễn Thị Hồng Viễn, học sinh lớp Sư phạm Nhạc K23. Một điều dễ nhận ra là tuy rất nhiệt tình, nhưng Viễn không thể nào làm cho các em câm điếc có thể hiểu hết ý tưởng của mình. Thế là, các cô giáo của Trung tâm phải đóng vai trò “phiên dịch”. “Nhiều lần tham gia các chương trình giao lưu với trẻ em, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với trẻ khuyết tật. Những trò chơi, câu hỏi chuẩn bị trước ít nhiều bị “phá sản” khi thấy các em gặp nhiều khó khăn khi nghe, nói. Làm quản trò cho các em rất mệt vì phải tìm các trò phù hợp với các em, bù lại tôi và các bạn cũng nhận được nhiều niềm vui trước những câu trả lời chân thật, ngây ngô”- Hồng Viễn tâm sự.
“Em chỉ có một mong ước nhỏ, là các anh các chị thường lên đây chơi với tụi em thôi” - em Đặng Thị Thu Thường, 13 tuổi, bị khuyết tật cơ quan vận động và phát âm, hiện ở Trung tâm BTXH Đồng Tâm. |
Chứng kiến những đứa trẻ vui cười ca hát hết cỡ, ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm, không giấu nổi xúc động: “Để đảm bảo hoạt động của Trung tâm, chúng tôi phải đi vận động tài trợ nhiều nơi. Chúng tôi rất trân quý những tấm lòng vàng tự tìm đến với Trung tâm, mang lại niềm vui cho các em”.
Trong khi đó, chị Lê Huỳnh Hạ Nguyên, Ủy viên BCH Liên chi đoàn Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Bình Định, lại cho rằng: “Chúng tôi đến với Trung tâm BTXH Đồng Tâm với hy vọng tiếp thêm cho các em sức mạnh và niềm tin để vượt qua những khó khăn, bất hạnh. Được tiếp cận với các em, chúng tôi cũng thu nhận được nhiều bài học quý giá, nhất là tinh thần lạc quan, yêu đời của những người phải chịu số phận không may mắn”.
3.
Được tham dự hai buổi sinh hoạt văn nghệ, thể thao của các em mồ côi, khuyết tật, ấn tượng đọng mãi trong tôi là những tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo. Dù là các cơ sở BTXH “tự thân vận động” hay có sự tham gia của các tổ chức xã hội bên ngoài, thì các hoạt động ấy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với các em. Có thể, với trẻ em bình thường, các trò chơi ấy rất đỗi bình thường; nhưng với những em sớm chịu bất hạnh, bấy nhiêu cũng đủ tạo nên niềm vui.
Những niềm vui nho nhỏ nhưng đọng mãi trong lòng…
|