Tiềm ẩn tai nạn tại các công trình xây dựng
19:47', 8/6/ 2011 (GMT+7)

Hiện nay, các tòa nhà cao tầng “mọc” lên ngày càng nhiều ở TP Quy Nhơn và các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng nói chung, công trình xây dựng cao tầng nói riêng, chưa được cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và chính người lao động quan tâm đúng mức…

* Người đi đường bất an

Thực trạng thường thấy hiện nay là có nhiều công trình xây dựng nằm sát đường giao thông - nơi có lưu lượng người và phương tiện qua lại thường xuyên - nhưng các đơn vị thi công không trang bị lưới chắn bảo vệ an toàn cho mọi người, hoặc có trường hợp, chỉ che chắn lấy lệ. Nhiều người đi đường cảm thấy bất an khi ngay trên đầu mình là công trường thi công với bê tông, gạch, vữa… có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào.

 

Làm việc ở độ cao nhưng thợ xây vẫn không được trang bị bảo hộ lao động, còn công trình xây dựng thì không được che chắn lưới bảo vệ.  Ảnh: Văn Lực

 

Anh Phan Văn Hậu (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi luôn thấy bất an mỗi khi đi ngang qua các công trình xây dựng nhà cao tầng. Nhà nào cũng 3-4 tầng trở lên nhưng khi xây dựng, rất ít đơn vị thi công chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho người đi đường”.

Ông Trần Duy Đức, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: “Theo quy định của pháp luật xây dựng, tất cả các công trình xây dựng khi thi công đều phải có lưới che chắn sát phần kết cấu, bao che công trình”. Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn cho biết thêm: “Hiện nay, các Đội Quy tắc đô thị thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, cũng như xử lý một số trường hợp xây dựng không có rào chắn. Tuy nhiên, các công trình xây dựng nhà cao tầng “mọc” lên khá nhiều nên việc kiểm tra không thể bao quát hết được”.

* Người lao động “đánh đu với tử thần”

Nhà nước đã có nhiều thông tư, nghị định cụ thể quy định về điều kiện, năng lực thi công đối với các tổ chức thi công xây dựng. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 11 Thông tư 39/2009 nêu rõ: “Đối với nhà ở có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2 hoặc từ 3 tầng trở lên thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP…”. Nhưng trên thực tế, rất nhiều nhà thầu “vườn” vẫn nhận thi công các công trình nằm ngoài khả năng của mình. Với họ, hầu như các quy định pháp luật về xây dựng đều không đến được. Do đó, nếu kiểm tra các công trình mà dạng chủ thầu này thi công thì gần như công trình nào cũng vi phạm.

Với cách làm ăn như trên, việc xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) tại các công trường xây dựng nhà là tất yếu. Vụ TNLĐ xảy ra với chị Nguyễn Thị Thu Vân (43 tuổi, trú ở thôn Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) là một minh chứng. Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 17.2.2011, trong lúc đang phụ hồ tại tầng hai một ngôi nhà, chị Vân bị dòng điện cao thế phóng vào người làm bị thương nặng ở vùng đầu, cằm và phía trước trán; các ngón chân phải bị cháy khô. Nguyên nhân vụ TNLĐ được xác định: Công trình xây dựng đã vi phạm hành lang an toàn điện cao thế; người lao động không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết.

Hay như vụ TNLĐ xảy ra vào tháng 7.2010, một thợ xây dựng ở huyện Tuy Phước đang trang trí hoa văn mặt tiền tại một căn hộ trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) thì rơi xuống đất, bị cọc sắt đâm toác bắp chân, gây đa chấn thương. Nguyên nhân là trong lúc thi công ở vị trí khó và nguy hiểm nhưng thợ xây này không có dây bảo hộ.

- Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động.

- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi: Không có các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị; không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động ở những nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định...

(Trích điều 18, Nghị định 47/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động).

Theo ông Trần Duy Đức, hiện nay, việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn lao động nói chung, trong xây dựng nói riêng, vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều đơn vị thi công làm theo kiểu “bán chuyên nghiệp”, nên không trang bị đồ bảo hộ lao động cho người làm và ý thức người lao động còn kém. Mặt khác, việc cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; lực lượng thanh tra xây dựng ít, cơ chế phối hợp kiểm tra giữa các đơn vị chưa tốt; xử lý vi phạm chưa kiên quyết…  Những nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng thiếu an toàn tại các công trình xây dựng.

Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn công tác thanh, kiểm tra tại các công trình xây dựng nói chung, công trình xây dựng cao tầng nói riêng. Có vậy, vấn đề đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia lao động và những người xung quanh mới được thực thi một cách nghiêm túc.                      

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bàn giao “Mái ấm Công đoàn”   (08/06/2011)
Gần 95% đảng viên quán triệt Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh   (08/06/2011)
Cứu sống 6 ngư dân bị chìm tàu trên biển  (08/06/2011)
Bắt nhân viên tín dụng ngân hàng lập hồ sơ khống   (08/06/2011)
Bầu thêm 8 đại biểu HĐND cấp xã  (07/06/2011)
Quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt  (07/06/2011)
Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam  (07/06/2011)
Cơ sở để trợ giúp nạn nhân da cam  (07/06/2011)
Người cao tuổi ngày càng được quan tâm hơn  (07/06/2011)
30 tác phẩm đoạt Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định năm 2011  (07/06/2011)
Lo thiếu máu điều trị trong dịp hè  (07/06/2011)
Đảm bảo quyền lợi cho các hộ ở nhà thuộc SHNN nhưng không được mua nhà   (06/06/2011)
Quy Nhơn: Triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo   (06/06/2011)
Triển khai Dự án phòng, chống tăng huyết áp   (06/06/2011)
Để không còn nạn “chạy trường”   (06/06/2011)