Từ năm 2005, với việc chuyển từ mô hình phân tán mang tính tự cung, tự cấp sang tập trung, an toàn truyền máu đã được đảm bảo. Tuy nhiên, công tác truyền máu của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
* Nhiều yếu tố mất an toàn
Hàng năm, số lượng máu thu được từ người hiến máu tình nguyện không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt là vào dịp hè, Tết, nên các bệnh viện vẫn phần nào phụ thuộc vào máu từ người cho máu chuyên nghiệp và người nhà.
Nghiên cứu về thực trạng thu gom, sàng lọc, lưu trữ, cung cấp, sử dụng máu và các chế phẩm của máu tại Bình Định của Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho thấy: Trong năm 2010, tất cả các bệnh viện tỉnh, khu vực và bệnh viện huyện có thực hiện truyền máu đều có lấy máu từ người nhà bệnh nhân, với tổng lượng máu thu gom là 441.150 ml (Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh: 289.150 ml và các bệnh viện khác: 152.000 ml). BVĐK khu vực Bồng Sơn lấy máu từ người nhà nhiều nhất, với 450 đơn vị; tiếp theo là BVĐK TP Quy Nhơn, 108 đơn vị. Ở tuyến huyện, BVĐK huyện Hoài Nhơn là đơn vị lấy máu từ người nhà nhiều nhất, với số lượng thu gom là 14 đơn vị; tiếp theo là BVĐK huyện Phù Cát với 11 đơn vị. Đây cũng là hai bệnh viện hoàn toàn không nhận máu từ BVĐK tỉnh mà chỉ lấy máu từ người nhà để truyền.
|
Trung tâm Huyết học - Truyền máu hiện chỉ có 1 máy ly tâm tách thành phần của máu. |
Ông Hùng cho rằng, dù chỉ là “chữa cháy” nhưng việc lấy máu từ người nhà bệnh nhân, “ngân hàng máu sống” và người cho máu chuyên nghiệp gây nhiều bất lợi cho người bệnh. Máu lấy từ người nhà do điều kiện thời gian hạn chế cũng như sự thiếu thốn về trang thiết bị xét nghiệm hiện đại hoặc chi phí cao, chỉ có thể thực hiện sàng lọc các tác nhân lây bệnh qua đường máu bằng test nhanh nên không đảm bảo một cách chắc chắn rằng máu đó là an toàn. Trong khi đó, một số nghiên cứu đã cho thấy sự không an toàn của người cho máu chuyên nghiệp vì tỉ lệ nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu ở các đối tượng này khá cao.
Hiện nay, Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh (phát triển trên cơ sở khoa Huyết học - Truyền máu, thuộc BVĐK tỉnh) đã sử dụng test nhanh tiến hành làm sàng lọc viêm gan B cho người hiến máu tình nguyện, sau đó, tiếp tục thực hiện các xét nghiệm để loại trừ 5 tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường máu gồm: vi-rút viêm gan B, viêm gan C, HIV, vi khuẩn giang mai và ký sinh trùng sốt rét. Nhưng người cho máu chuyên nghiệp, vì lý do kiếm tiền, nên luôn che giấu các hành vi nguy cơ, bởi vậy, khả năng bỏ sót trong sàng lọc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bác sĩ Hồ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, cho biết: “Kỹ thuật sàng lọc máu hiện nay đang được áp dụng là kỹ thuật ELISA dù đã đạt được những yêu cầu cơ bản nhưng vẫn chưa thể phát hiện được thời kỳ “cửa sổ” của một số bệnh lây truyền qua đường truyền máu”.
* Cần được đầu tư
Trước năm 2005, việc lấy máu tình nguyện được thực hiện phân tán, một số bệnh viện lớn như BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn… tự tổ chức lấy máu tình nguyện để đáp ứng nhu cầu sử dụng máu của đơn vị mình. Từ năm 2005, thực hiện chương trình an toàn truyền máu, Ban Vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh đã giao BVĐK tỉnh là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện lấy máu tình nguyện. Cuối năm 2010, Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh ra đời, có trách nhiệm thu gom, sàng lọc máu, sản xuất các chế phẩm máu, phân bổ cho các bệnh viện và các cơ sở điều trị khác trong tỉnh.
Để đảm bảo an toàn, túi máu và các chế phẩm máu sau khi lấy phải được lưu trữ theo một quy trình chuẩn. Tuy nhiên, các phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho việc lưu trữ máu từ lúc lấy, vận chuyển và lưu trữ tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh còn thiếu, cũ kỹ và hoạt động quá tải. Trung tâm chỉ có 3 tủ đông sâu để lưu các chế phẩm của máu và 3 tủ lạnh lưu máu; chưa được trang bị bộ ghi nhiệt độ để theo dõi trong quá trình vận chuyển máu, hay các thùng lạnh có bộ phận điện tử để cài đặt nhiệt độ thích hợp cho từng chế phẩm máu; cán bộ truyền máu còn thiếu nhiều.
Nhu cầu cung cấp máu ngày càng tăng nhanh. Thống kê từ BVĐK tỉnh cho thấy, hàng năm tỉ lệ truyền máu của bệnh nhân điều trị nội trú chiếm hơn 20%. Đặc biệt, nhiều ứng dụng mới trong điều trị đang và sẽ được triển khai cần rất nhiều máu và các chế phẩm của máu.
Bác sĩ Hồ Thị Kim Chung chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ điều trị bệnh, Trung tâm cần được đầu tư để hoàn thiện tổ chức, năng lực hoạt động, thực hiện tốt quy trình kiểm tra chất lượng trong sàng lọc các tác nhân gây bệnh qua đường máu. Ngoài ra, tỉnh cần ưu tiên xây dựng mạng lưới hiến máu tình nguyện một cách ổn định và bền vững”.
|