Đưa lao động ở các huyện nghèo đi XKLĐ:
Nhiều ưu đãi nhưng vẫn ít người đi
18:36', 10/6/ 2011 (GMT+7)

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta sẽ đưa 1.410 lao động của 3 huyện nghèo: An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động (NLĐ) có cơ hội thoát nghèo, phát triển đời sống.

* Nhiều chính sách ưu đãi

Theo Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch triển khai công tác XKLĐ của 3 huyện An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh theo Quyết định 72/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2015. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta sẽ đưa 1.410 lao động của 3 huyện nghèo trên đi XKLĐ, trong đó, khoảng 70-80% là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Riêng năm 2011, tỉnh phấn đấu đưa 350 lao động đi XKLĐ, trong đó, khoảng 60% NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số.

 

Người lao động học tiếng Hàn Quốc để dự tuyển đi xuất khẩu lao động. Ảnh: N.P

 

Về mặt chính sách, chế độ, NLĐ nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí; các đối tượng khác được hỗ trợ 50% kinh phí để học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ. NLĐ thuộc diện chính sách đi XKLĐ được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội và mức vay tối đa bằng các khoản chi phí NLĐ phải đóng góp theo từng thị trường. Riêng NLĐ thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học văn hóa, học nghề với mức 40.000 đồng/người/tháng; tiền ở mức 200 ngàn đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu 400 ngàn đồng/người; hỗ trợ tiền tàu, xe; hỗ trợ các chi phí làm thủ tục trước khi đi XKLĐ…

Tổng kinh phí để triển khai các hoạt động công tác XKLĐ tại 3 huyện nghèo của cả giai đoạn là 3,730 tỉ đồng. Trong đó, thông tin, tuyên truyền, tư vấn và tạo nguồn là 2,3 tỉ đồng; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ huyện, xã, thị trấn và đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở: 450 triệu đồng; tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước: 380 triệu đồng và giám sát, đánh giá: 600 triệu đồng.

Ngoài ra, NLĐ sau khi hết hợp đồng lao động về lại địa phương còn được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm học hỏi trong thời gian làm việc ở nước ngoài; NLĐ và gia đình được hướng dẫn sử dụng nguồn thu từ XKLĐ đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại.

* Phải làm cho NLĐ thấy được lợi ích

Nhiều chính sách ưu đãi trong công tác XKLĐ cho 3 huyện nghèo đã ban hành, vậy nhưng, thời gian qua, số lao động đăng ký đi XKLĐ tại các địa phương này vẫn chưa nhiều.

Công ty cổ phần Xây dựng 47 được xem là đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ cho người dân ở 3 huyện nghèo. Ông Phạm Văn Lịch, Trưởng phòng Dịch vụ XKLĐ của Công ty, cho biết, đơn vị đã phối hợp với địa phương về tận các thôn, làng của 3 huyện nghèo để tuyên truyền về chính sách XKLĐ. Nhờ đó, năm 2010, đơn vị đã đưa được 70 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sang Malaysia làm việc, với các công việc lắp ráp điện tử, đóng gói bao bì…, thu nhập bình quân hàng tháng 6 triệu đồng/lao động. Trong năm 2011, đơn vị đã tạo nguồn được 40 lao động, kế hoạch trong tháng 6 này sẽ tiếp tục đưa sang Malaysia làm việc.

Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, 3 huyện nghèo sẽ đưa 1.410 lao động đi XKLĐ, trong đó, huyện An Lão đưa đi XKLĐ 500 người (năm 2011 đưa 130 người động, năm 2012 đưa 100 người, từ năm 2013 đến năm 2015 mỗi năm đưa 90 người); huyện Vân Canh đưa 350 người (mỗi năm đưa 70 người); huyện Vĩnh Thạnh đưa 560 người (năm 2011 đưa 150 người, năm 2012 đưa 110 người, từ năm 2013 đến năm 2015 mỗi năm đưa 100 người).

Theo ông Lịch, dù Công ty đã làm khá tốt công tác tuyên truyền về chính sách ưu đãi đối với người đi XKLĐ đến từng NLĐ nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn họ. Nguyên nhân là lực lượng lao động ở các huyện nghèo khá đông, nhưng trình độ văn hóa thấp, tỉ lệ mắc các bệnh chiếm 50% lao động, nên bị loại nhiều khi xét tuyển để đưa đi XKLĐ. Bên cạnh đó, do NLĐ lâu nay vẫn làm việc theo tác phong tự do, không muốn rèn buộc theo giờ giấc quy định; nhiều NLĐ lại ngại đi làm việc xa… làm cho số NLĐ đăng ký đi XKLĐ còn hạn chế.

Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, cho biết thêm: “Thời gian qua, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền XKLĐ cho 3 huyện nghèo nhưng trong năm 2010 chỉ có 7 lao động ở huyện Vĩnh Thạnh đăng ký, trong đó đưa được 3 lao động đi XKLĐ. Để có thêm lao động đăng ký XKLĐ, Trung tâm đã “cài” cộng tác viên tại 13 xã của 3 huyện nghèo, mỗi xã 4 người, để liên tục tuyên truyền, làm cho NLĐ thấy được lợi ích của XKLĐ để họ tích cực tham gia”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông  (10/06/2011)
Lập bản đồ vệ tinh hướng dẫn đường đi cho thí sinh  (10/06/2011)
NHÂN SỰ MỚI  (10/06/2011)
Khen thưởng cá nhân tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng  (09/06/2011)
Kết quả bước đầu và những vấn đề tiếp tục hoàn thiện  (09/06/2011)
Thực hiện gần 5.000 hợp đồng giao dịch, nộp ngân sách 1,8 tỉ đồng  (09/06/2011)
Còn nhiều khó khăn, bất cập   (08/06/2011)
Giải quyết 620 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài   (08/06/2011)
Tiềm ẩn tai nạn tại các công trình xây dựng   (08/06/2011)
Bàn giao “Mái ấm Công đoàn”   (08/06/2011)
Gần 95% đảng viên quán triệt Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh   (08/06/2011)
Cứu sống 6 ngư dân bị chìm tàu trên biển  (08/06/2011)
Bắt nhân viên tín dụng ngân hàng lập hồ sơ khống   (08/06/2011)
Bầu thêm 8 đại biểu HĐND cấp xã  (07/06/2011)
Quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho cán bộ chủ chốt  (07/06/2011)