Cuộc mưu sinh đối với những người trẻ tuổi, dồi dào sức lực đã không dễ dàng, với những người ở bên kia sườn dốc cuộc đời lại càng gian nan. Song người già lao động chưa hẳn chỉ để kiếm cơm, với nhiều người, đó còn là niềm vui sống…
|
Bà Khâm với đôi quang gánh nặng nề bước đi giữa cái nắng tháng tư oi nồng… |
* Mưu sinh tuổi xế chiều
Nhiều lần gặp bà lầm lũi trên khắp ngả đường với gánh hàng rong trên đôi vai gầy. Đôi thúng đựng vài ràng bánh tráng, mấy chục bún số 8 của xứ dừa Tam Quan. Bấy nhiêu cũng là quá nặng để đôi chân của bà chầm chậm mệt nhọc qua từng con phố. Bóng người đổ dài trên hình đôi quang gánh dưới cái nắng tháng tư oi nồng…
Rồi một chiều, thấy bà ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây trên con đường vắng, tôi dừng xe, ghé mua ràng bánh tráng để lân la bắt chuyện. Bà tên Khâm, quê ở xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn, năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu ở quê mua bánh, mua bún gửi xe vào cho bà đi bán dạo. Có ngày bà kiếm được dăm chục, cũng có ngày chỉ chục ngàn đồng. Mỗi bữa, bà ăn 5.000 đồng cơm. Vậy mà bà cứ gánh, cứ đi, đi mỏi thì ngồi nghỉ. Bà cũng chẳng biết mỗi ngày mình đi được bao nhiêu cây số. Chỉ biết rằng, những ngày mưa, không đi được, bà rầu thúi ruột nhìn thúng bánh không chịu vơi…
Lâu lắm tôi mới ghé lại cái quán nhỏ đầu đường Trần Văn Ơn. Hồi sinh viên, những khi túi tiền xênh xang, tôi và thằng bạn thân thường ghé quán ăn tô cháo lòng. Thoắt đó mà đã gần 7 năm trời, cái quán xưa vẫn thế. Gọi là quán, nhưng chỉ có 3 cái bàn nhựa với mấy cái ghế con. Bà Bảy, chủ quán, năm nay đã 72 tuổi, đã có hơn chục năm gắn bó với cái quán nơi góc đường này. Và, trong khoảng thời gian ấy, quán của bà vẫn trung thành với 2 món: cháo và trứng vịt lộn.
Nhà bà Bảy ở gần chợ khu 6. Mỗi buổi sáng, bà lại dậy sớm, ra chợ mua thịt, mua rau về sơ chế. Tầm 10 giờ, bà bắt đầu nhóm bếp. Để rồi, một mình lui cui mãi cho đến khi đường phố vắng người lại qua. Bà lại lục đục dọn dẹp trở về… “Hồi xưa quán bà đông khách lắm, giờ thì thưa hẳn. Giá cả cứ lên vùn vụt, cái trứng giờ mua ngoài chợ cũng đã 3.700 đồng, bán lại chẳng lời lãi bao nhiêu”- bà nói với tôi mà như than vãn với chính mình...
|
Phút nghỉ ngơi bên đường… |
* Đong đầy những buồn vui
Trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn của những người đã qua tuổi thất thập, những rủi ro dường như tỉ lệ thuận với tuổi của họ. Ngày nào cũng rong ruổi trên đường, bà Khâm không ít lần gặp tai nạn. Bà đã từng bị xe máy tông gãy chân. Rồi có lần, có đứa mua bánh không trả tiền, mà còn đánh vào đầu làm bà bất tỉnh, may mà có người phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Vết thương trên thân thể làm bước chân của bà vốn chẳng còn linh hoạt lại càng nặng nhọc thêm.
Với bà cụ bán vé số tôi hay gặp trên phố cà phê Phạm Hùng, đời càng buồn hơn khi bà bị bọn xấu giật vé số đến ba lần. Mỗi lần có người khách nào quan tâm hỏi thăm, bà lại kể với giọng tức giận: “Bà bị chúng giật đến 3 lần rồi, hai lần trước mỗi lần gần 600 tờ chớ ít đâu. Tháng trước, bà lại bị giật mất 300 tờ”. Mỗi ngày, cụ bà đã 86 tuổi ấy đi ròng rã mới bán được khoảng 100 tờ vé số, được trả công 50.000 đồng. Bà hay bảo: “Tuổi này mà còn đi được, còn kiếm ra đồng bạc là trời thương lắm đó con. Mấy đứa con bà không cho bà đi bán nữa, nhưng bà còn đi được thì cứ đi, chứ ở nhà ngửa tay xin tiền con cháu, kỳ lắm!”.
Bên cạnh những nỗi vất vả hằng ngày, người già vẫn tìm thấy niềm vui ở công việc. Như bà Bảy, ngày nào bà đau ốm không ra quán được lại thấy bứt rứt, khó chịu. Bởi đi bán quán, bà mới gặp những khách hàng quen thuộc, những bác xe ôm, mấy anh lái xe taxi, mấy cậu sinh viên… Khi họ ngồi bên chiếc bàn con, bà cũng vui vẻ góp chuyện. “Bán ế thì buồn, mà không đi bán được càng buồn nẫu ruột. Bà sẽ bán đến khi nào chân không đi được nữa, tay không làm nổi nữa mới thôi”- bà khẳng định chắc nịch.
* * *
Cả đời vất vả lam lũ với gánh nặng cơm áo, khi về già họ vẫn tình nguyện tiếp tục làm việc. Thực tế hiện nay, nhiều người cao tuổi (nhất là ở nông thôn) chỉ cho phép mình được nghỉ ngơi khi đã thật sự chân chậm, mắt mờ.
Không ít người vẫn cho rằng, những người già bán vé số hay hàng rong sẽ làm xấu đi hình ảnh xã hội. Nó phản ánh một thực trạng là vẫn còn những người cao tuổi chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc đúng mức của gia đình và cộng đồng. Có thể, nhận định ấy cũng đúng ở một khía cạnh nào đó.
Dù sao đi nữa, với tôi, cuộc mưu sinh của những người đã bước qua tuổi xế chiều vẫn đáng trân trọng và sẻ chia…
|