Mẹ đi làm ca
22:49', 11/6/ 2011 (GMT+7)

Có một bài thơ trẻ con đi nhà trẻ hay đọc: “Mẹ đi làm/ Từ sáng sớm/ Dậy thổi cơm/ Mua thịt cá/ Em kề má/ Được mẹ thơm/ Ơi mẹ ơi/ yêu mẹ lắm”. Vì bận đi làm, nên mẹ phải dậy từ sáng sớm để đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Thế nhưng, nếu mẹ phải đi làm từ rất sớm, hay không làm trong giờ hành chính thì sao nhỉ?

 

Phụ nữ phải biết sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lý khi làm những công việc theo ca, không theo giờ hành chính.

- Trong ảnh: Ở Cảng cá Quy Nhơn, có rất nhiều phụ nữ mà công việc của họ bắt đầu từ 12 giờ đêm hôm trước và kết thúc vào trưa hôm sau. Ảnh: M.K

 

Thì mẹ sẽ vất vả hơn nhiều. Bởi vào những khoảng thời gian đáng lẽ phải có mặt ở nhà, dành cho gia đình như buổi trưa, tối... thì mẹ đang bận bịu với công việc để góp phần lo cho cuộc sống cả nhà. Rồi sau đó, mẹ phải làm bù công việc gia đình.

12 giờ khuya, vợ chồng chị Gái (phường Hải Cảng, Quy Nhơn) đã phải thức dậy ra cảng cá. Mười lăm năm qua, công việc của họ đều như thế. Chị gánh cá từ ghe lên bờ, ướp cá, đóng thùng, rồi đưa lên xe tải để chở đi các tỉnh. Mùa cá làm cá, mùa mực làm mực. Chồng chị cũng làm những việc tương tự. Ba mẹ rời nhà vào lúc nửa đêm, hai con của chị tự ngủ một mình. Sáng ra, cậu con trai học lớp 8 tự ăn sáng rồi đến trường; cô con gái nhỏ mới học lớp 1 được chị gái của chị Gái cho ăn giúp rồi dẫn đến lớp. Phải đến trưa, vợ chồng chị Gái mới kết thúc công việc, về nhà. Tính ra, mỗi ngày vợ chồng chị Gái ở bên con được 12 tiếng đồng hồ. Công việc nhà, từ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, dạy con học bài cũng chỉ gói gọn trong khoảng thời gian đó.

Cũng gắn bó với cảng cá và thức khuya dậy sớm để lo cho gia đình là chị Hiền, ở khu tái định cư Bắc Hà Thanh. 1 giờ sáng, chị Hiền đã thức dậy, xuống cảng mua cá chở lên chợ bán. Hai con chị, con gái học lớp 7 và con gái nhỏ học mẫu giáo, tự bảo ban nhau ăn uống, học hành. Trong lúc bán, tranh thủ khi vắng khách, chị Hiền chạy vội mua bó rau rồi lấy thêm ít cá, chờ có người hàng xóm nào đi chợ thì gởi về để con gái lớn nấu ăn. Hơn 12 giờ trưa, bán xong, dọn rửa mọi thứ, chị Hiền mới về đến nhà.

Đỡ vất vả hơn là chị Vân, nhà ở đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), làm tạp vụ cho một cơ quan hành chính. Công việc của chị là: 4 giờ sáng đến cơ quan quét dọn sân vườn, các phòng làm việc, nấu nước, rửa bình ly, pha trà và một số việc lặt vặt khác. Chị có hai con nhỏ, song may mắn là cả hai đều dễ chịu nên khi mẹ dậy sớm đi làm thì hai đứa ngủ với ba. Hơn 6 giờ sáng, chị về, lo ăn sáng cho cả nhà và đưa con đi nhà trẻ, đi chợ; 8 giờ lại đến cơ quan.

Khó khăn chị Vân gặp phải khi đi làm sớm không nằm ở chuyện chăm con nhỏ mà là thời điểm đi làm. Chị kể: “4 giờ sáng, đường vẫn còn rất vắng. Vì thế, thỉnh thoảng tôi bị những thanh niên xấu đuổi xe máy theo, rồi cười nham nhở sau lưng. Có hôm, chúng đứng ở ngã tư chờ tôi đi ngang qua; may mà tôi đã rẽ đường khác, nếu không... Những lúc như thế, tôi gò lưng đạp xe thật nhanh, tim đập thình thịch”. Cũng vì những mối nguy hiểm như thế nên chị Vân không dám đeo một món nữ trang nào. Có bữa, chị phải nhờ chồng đưa đi làm.

Cũng vất vả và thiếu thốn không kém là cuộc sống của những công nhân ở các khu công nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng cùng làm công nhân phải gởi con về quê, nhờ ông bà nội, ngoại chăm giúp vì bố mẹ bận làm việc suốt ngày. Những người không có điều kiện gởi con thì đành tìm cách để thích nghi với cuộc sống nhà trọ - con nhỏ.

Như ở khu tái định cư thuộc khu vực 5, phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn), gần Khu công nghiệp Phú Tài, có rất nhiều nhóm trẻ gia đình. Đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất ở hầu hết các nhóm trẻ này là phòng giữ trẻ chật chội, chung với phòng sinh hoạt, nơi kinh doanh của gia đình, thiếu ánh sáng, ồn ào. Dù vậy, mỗi nhóm cũng giữ trên dưới 10 cháu bé. Hầu hết các bé được gởi ở đây đều có bố mẹ đang làm công nhân gỗ, đá, thợ hồ, thợ may… Chị Khánh, công nhân Khu công nghiệp Phú Tài, có con gái 15 tháng gởi tại một nhóm trẻ gia đình ở đây, cho biết: “Hôm nào làm ca 1 thì mới 5 giờ sáng, cả nhà tôi đã phải lục đục dậy, chuẩn bị sữa, quần áo, thức ăn sáng cho cháu; 5 giờ 30 cho cháu đến nhà trẻ, để 6 giờ kịp vào ca. Buổi chiều, nếu tăng ca thì phải 6 giờ mới đón con được”. Nhu cầu gởi trẻ lớn, trong khi thu nhập không cao, đó là lý do vì sao nhiều nữ công nhân chấp nhận gởi con mình ở những nhóm trẻ mà điều kiện chăm sóc chưa được tốt lắm.

* * *

Thường, những công việc không làm theo giờ hành chính đều là những công việc khá vất vả, thiên về lao động tay chân nhiều hơn. Phụ nữ làm những công việc này khổ gấp bội nam giới bởi họ còn phải nặng gánh lo toan việc nhà.

Và với những phụ nữ như thế, không cách nào hơn là họ phải sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lý. Khó khăn nhất mà các bà mẹ gặp phải chính là chăm sóc con nhỏ, sau đó là làm sao cho nề nếp sinh hoạt gia đình không bị xáo trộn nhiều, từ bữa cơm đến thời gian ngủ nghỉ, rồi những khó khăn cho bản thân do đặc thù công việc mang lại. Và cũng từ những khó khăn đó, nhiều bà mẹ đã tập được cho mình tính quyết đoán, khả năng sắp xếp công việc, sử dụng thời gian hiệu quả.

  • Minh Khương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
6/26 xã của các huyện miền núi có 2 phó chủ tịch UBND  (11/06/2011)
Gần 300 ngàn euro phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong  (11/06/2011)
Bình Định triển khai rất tốt các chương trình CNTT  (11/06/2011)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu chuyến thăm, làm việc tại tỉnh ta   (10/06/2011)
Đánh giá tình hình thực hiện công tác bầu cử   (10/06/2011)
Tuổi già mưu sinh   (10/06/2011)
Bộ đội Phòng không giúp dân giảm nghèo  (10/06/2011)
Tổng kết “Tháng Công nhân” năm 2011   (10/06/2011)
Toàn tỉnh nắng nóng lên đến 37-38 độ C  (10/06/2011)
Tích cực chăm lo gười lao động   (10/06/2011)
Nhiều ưu đãi nhưng vẫn ít người đi   (10/06/2011)
Triển khai chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông  (10/06/2011)
Lập bản đồ vệ tinh hướng dẫn đường đi cho thí sinh  (10/06/2011)
NHÂN SỰ MỚI  (10/06/2011)
Khen thưởng cá nhân tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng  (09/06/2011)