Theo UBND tỉnh, tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài xảy ra trên địa bàn tỉnh tăng thời gian qua đều có liên quan đến đất đai, cụ thể là trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề này vẫn còn vướng nhiều bề…
|
Tình trạng lấn chiếm đất công xây dựng nhà diễn ra khá phức tạp tại TP Quy Nhơn.
- Trong ảnh: Các hộ xây nhà trái phép ven núi Bà Hỏa thuộc phường Lê Hồng Phong.
|
* Vướng từ cơ chế, chính sách
Theo ông Đoàn Quang Sáu, Phó Chánh thanh tra tỉnh, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Một là, chính sách bồi thường giải tỏa hiện còn có những điều khoản chưa nhất quán, chồng chéo và thường xuyên thay đổi, dẫn đến vận dụng không đúng, không thống nhất khi thừa hành. Chính điều này tạo nên sự so bì, thắc mắc của người dân giữa dự án này với dự án khác, trường hợp này với trường hợp khác. Thậm chí, còn xảy ra trường hợp “tréo ngoe” khi người chây ỳ, cố tình không chấp hành lại được hưởng lợi hơn người gương mẫu chấp hành trước vì chính sách bồi thường ban hành sau thường cao hơn trước.
Hai là, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại có nhiều điểm không rõ ràng, mâu thuẫn với Luật Khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, cơ chế giải quyết khiếu nại, khởi kiện hành chính khi thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính còn có điểm chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc hướng dẫn công dân gởi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, việc giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh là điểm dừng trong việc giải quyết; công dân không có quyền khởi kiện ra Tòa Hành chính. Trong khi đó, Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi năm 2005) lại cho phép công dân được quyền khởi kiện quyết định hành chính ra Tòa Hành chính trong bất cứ giai đoạn nào trong giải quyết khiếu nại. Chính điều này đã làm cho chính quyền địa phương “chùn tay” ra quyết định giải quyết theo quy định vì sợ người dân khởi kiện, khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)…
* ... đến thực tế “tấc đất tấc vàng”
Theo thống kê của UBND TP Quy Nhơn, chỉ trong quý I năm 2011, cơ quan chức năng đã xử lý 265 trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai như xây dựng nhà không phép, trái phép, lấn chiếm đất công... Ông Đoàn Quang Sáu khẳng định: “Đất đai ngày càng có giá nên tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép diễn ra hết sức phức tạp, nhất là ở TP Quy Nhơn và các huyện có đất đô thị. Chúng tôi đang tiến hành thanh tra đất đai tại phường Nhơn Bình, Trần Quang Diệu (Quy Nhơn), dù chưa có kết luận chính thức, nhưng có thể nói là sai phạm nhiều…”.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Các văn bản hướng dẫn về công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ thiếu tính thống nhất và ổn định, thường thay đổi, điều chỉnh bổ sung liên tục; đồng thời, do đất đai mang tính lịch sử, qua nhiều giai đoạn nên xác định nguồn gốc sử dụng đất hết sức khó khăn, dẫn đến tình trạng cấp chậm hoặc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Ngoài ra, không thể không kể đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, xử lý chưa thật nghiêm minh của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thực thi. “Chẳng hạn, kết quả thanh tra khiếu nại, tố cáo ở huyện Tây Sơn vừa qua cho thấy, 6 vụ khiếu nại liên quan đến đất đai còn tồn đọng là do UBND huyện chỉ đạo không quyết liệt cho cơ quan tham mưu, Phòng Tài nguyên - Môi trường khẩn trương giải quyết quyền lợi của người dân. Tôi nghĩ, để giảm bớt tình hình khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai, các cơ quan chức năng phải tích cực cùng vào cuộc chấn chỉnh lại tình trạng này, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân” - ông Sáu khẳng định.
|