Để tránh cuộc sống đầy bất trắc ở các khu dễ xảy ra sạt lở, người dân ven biển Hoài Nhơn đã chuyển đến sống tại khu tái định cư (TĐC) Diêu Quang, xã Hoài Hải, với hy vọng về một cuộc sống mới ổn định hơn. Tuy nhiên, gần 5 năm trôi qua, người dân vùng TĐC vẫn chưa thể an cư…
|
Gần 5 năm trôi qua, người dân khu TĐC Diêu Quang vẫn chưa có được cuộc sống thật sự ổn định |
* Thiếu nước, môi trường ô nhiễm
Khu TĐC Diêu Quang bắt đầu đón người dân vùng sạt lở ở các thôn Bắc Lý, Trung Lý, Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung… đến ở từ năm 2006. Ban đầu, để có nước sử dụng, các hộ gia đình phải bỏ tiền để lắp đặt đường ống dẫn nước từ cụm vòi chính của công trình nước sạch về nhà. Những hộ ở gần cụm vòi chính thì mất khoảng 300 ngàn đồng, những hộ ở xa phải tốn đến 600 ngàn đồng. “Tốn kém là vậy, nhưng chỉ dùng được chưa đầy nửa tháng thì nước tắt luôn tới nay”- ông Trương Mật, ở xóm 5, thôn Diêu Quang, cho biết.
Để có nước uống, người dân vùng TĐC phải mua ở thôn Hà Xuyên cách đó hơn nửa cây số với giá 2.000 đồng/thùng 20 lít. Lúc cao điểm nắng nóng, người đi mua nước phải xếp hàng dài đợi. Ông Nguyễn Thêm, 47 tuổi, than thở: “Ban đầu nhà nào cũng khoan giếng nhưng đều bỏ vì phèn quá nhiều. Nước mua về ít phèn hơn, nhưng cũng phải lọc lại một lần nữa mới uống được. Chỉ có một số ít gia đình có điều kiện kinh tế mua nước tinh khiết để uống. Nước để tắm rửa, giặt giũ thì tận dụng những cái giếng bị phèn nhẹ ở gần núi”.
Người dân vùng TĐC Diêu Quang không chỉ lo lắng vì thiếu nguồn nước sạch mà còn đau đầu với nạn ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước thải chạy giữa khu dân cư chỉ là những đường mương bê tông lộ thiên, không có nắp đậy. Rác, chất thải tồn đọng lâu ngày, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa thì nước ngập lênh láng, dơ dáy. “Nước tù đọng nhiều nên sinh muỗi. Sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng vì muỗi quá nhiều. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm, tiến hành tẩm mùng, phun thuốc trừ muỗi thường xuyên”- chị Dương Thị Nở, một người dân đến khu TĐC trong những ngày đầu, bày tỏ.
Nói về những bức xúc của người dân khu TĐC, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng thôn Diêu Quang, cho biết: “Ngoài nỗi lo nước sạch, người dân vùng TĐC còn đau đầu vì chưa có nơi tập kết, xử lý rác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tôi cũng nhiều lần phản ánh lên xã nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện”.
|
Mương thoát nước thải không có nắp đậy, chất thải ứ đọng bốc mùi hôi thối. |
* Cần quan tâm giải quyết
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, thừa nhận: “Thiếu nước sạch là nỗi bức xúc chung của người dân cả xã Hoài Hải chứ không riêng gì ở khu TĐC Diêu Quang. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện các công trình nước sạch lại quá lớn, người dân chỉ biết trông đợi vào các dự án của huyện, tỉnh”.
Trong khi đó, ông La Văn Sử, cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Hoài Hải, phân tích: “Khi xây dựng khu TĐC Diêu Quang, đồng thời hồ Kiến ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ cũng được xây dựng để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, năm 2008, sau một thời gian ngắn sử dụng, công trình này đã không còn phát huy tác dụng, do nguồn nước cung cấp cho hồ quá ít. Mặt khác, một số hộ dân thiếu ý thức đã đục đường ống dẫn nước về ruộng của mình làm cho hệ thống đường ống nhanh chóng hư hỏng. Chúng tôi đã nghĩ đến phương án khoan sát chân núi để dò tìm nguồn nước sạch hơn, sau đó xây những bể nước công cộng để dẫn nước về cho người dân sử dụng. Dù vậy, việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng TĐC Diêu Quang vẫn nằm ngoài khả năng của xã”.
Về hệ thống thoát nước thải của khu TĐC Diêu Quang, ông Sử cho biết, ngay từ khâu thiết kế, đường mương bê tông thoát nước đã không có nắp. Hiện nay, khu TĐC Diêu Quang mới đã có hệ thống thoát nước là đường cống bê tông tròn được ngầm hóa. Hai hệ thống thoát nước cũ và mới đã được đấu nối vào nhau, hy vọng mùa mưa tới nước thải ở khu TĐC Diêu Quang cũ sẽ thoát hết.
“Trước mắt, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu TĐC Diêu Quang, trong tháng Thanh niên sắp tới, đoàn viên thanh niên xã Hoài Hải sẽ ra quân nạo vét, khơi thông đường mương dẫn chất thải, dọn vệ sinh ở những điểm có nhiều rác thải gần khu dân cư”- ông Sử cho biết thêm.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, di dời người dân vùng sạt lở đến các khu TĐC là một chủ trương đúng đắn. Để người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện tốt chủ trương này, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những giải pháp kịp thời để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Thực tế cho thấy, khi cơ sở vật chất ở những khu dân cư mới vẫn chưa đảm bảo, thì người dân trong vùng sạt lở ít nhiều vẫn còn trù trừ, chưa thể “dứt áo ra đi”…
|