Nghề xúc cát …
20:10', 17/6/ 2011 (GMT+7)

Cái nắng chói chang, cơn mưa rào bất chợt không ngăn được những cánh tay nhịp nhàng lia từng xẻng cát lên xe. Nhìn những người xúc cát quần quật bên những đống cát cao ngất mới thấy cuộc mưu sinh sao lắm nỗi nhọc nhằn…

 

Nhóm xúc cát của chị Nguyễn  Thị Trầm đang làm việc cật lực.

 

* Nghề khó nhọc

Một buổi trưa hè tháng 5 nắng như đổ lửa, tại nơi tập kết, mua bán vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Hồng Biên nằm trên đường Hai Bà Trưng, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, chúng tôi gặp nhóm của chị Nguyễn Thị Trầm đang xúc cát. 5 người phụ nữ cặm cụi dùng đôi tay trần xúc từng xẻng cát đưa lên thùng xe tải. Chị Trầm cho biết, nhóm của chị đã gắn bó với nghề nặng nhọc này gần 10 năm.

Chị Lê Thị Chưa, 39 tuổi, chia sẻ: “Làm nghề này cực lắm, thu nhập thì không ổn định. Cật lực lắm một ngày mỗi người cũng chỉ kiếm được 40 - 50 ngàn đồng. Thời gian làm việc thì rất thất thường, có khi chờ suốt cả ngày không có xe đến, đến khi đang bữa cơm chiều thì chủ hàng lại gọi. Chị em chúng tôi còn phải theo xe tải ra tận  Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Thanh để xúc cát, bốc đá đổ bê tông và xây nền. Suốt ngày ngồi trên xe đi đây đi đó, khi chủ cần vận chuyển gấp thì phải làm việc liên tục. Vào mùa xây dựng, chị em chúng tôi phải bám xe làm suốt cả ngày, có khi đến tận nửa đêm mới về, cơm ăn không nổi, người mỏi rã rời, chỉ tắm rửa qua quýt rồi đi ngủ luôn”.

Khoảng từ năm 2004 trở về trước, thời điểm giữa Xuân đầu Hè, cư dân sống dọc hai bờ sông Kim Sơn và sông Lại hình thành nhiều nhóm xúc cát. Trong đó, có không ít nhóm tập hợp từ 5 -7 người là những phụ nữ nghèo như nhóm chị Sáu Được ở Song Khánh (Hoài Xuân), nhóm của bà Trần Thị Sáng ở Định Bình (Hoài Đức), nhóm chị Võ Thị Diện ở Phụ Đức (Bồng Sơn), nhóm chị Phúc ở Thế Thạnh (Hoài Ân)… Họ bám trụ với dòng sông để xúc cát bồi kiếm sống. Thế rồi, việc khai thác cát đã chuyển sang giai đoạn cơ giới hóa, đáp ứng nhu cầu khai thác ngày càng nhiều với khối lượng lớn.

Đó cũng là tình trạng đang diễn ra ở dọc sông Hà Thanh. Ông Trần Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp khai thác cát, đó là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Khôi, doanh nghiệp Danh Thành Đạt và doanh nghiệp Thiện Phú. Cả 3 doanh nghiệp này đều dùng máy xúc để xúc cát từ sông lên xe tải.

Chúng tôi tìm đến mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Khôi ở thôn An Long 2. Anh Lê Thanh Tùng, ở thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước là người được thuê điều khiển chiếc xe xúc cát nằm giữa lòng sông trơ đáy. Cả ngày ở ngoài nắng, người đàn ông mới 38 tuổi nhưng trông thật già dặn. “Dọc sông Hà Thanh này còn đâu được vài người đi xúc cát cho những chiếc xe tải nhỏ để bán cho người dân gần đây xây nhà. Những người xúc cát xưa đều chuyển nghề hết rồi”- anh Tùng cho biết.

 

Những lúc không có xe đến lấy cát, anh Lê Thanh Tùng lại lau chùi, tra dầu mỡ cho chiếc máy xúc.

 

* Nặng nỗi lo toan

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người làm nghề xúc cát đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi hết sự lựa chọn nghề nghiệp, họ mới chấp nhận công việc này. Bởi ai cũng biết, không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới làm nghề xúc cát thuê đều rất nhanh xuống sức.

Chị Lê Thị Chưa dáng người thon nhỏ, đen gầy nhưng rất vui vẻ, tháo vát trong khi làm việc. Chồng chị Chưa không có nghề nghiệp ổn định, theo những người hàng xóm làm phụ hồ, ngày được ngày mất. Anh chị đang chăm sóc một mẹ già và hai con, đứa lớn năm nay 18 tuổi bị bệnh động kinh, đứa nhỏ đang học lớp 11 ở một trường bán công. Chị tâm sự: “Thấy tôi làm việc chẳng ai tin tôi bị bệnh tim và viêm gai cột sống lâu năm. Đau bệnh là vậy, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nếu không gắng sức thì lấy đâu ra tiền để trang trải, chăm sóc gia đình!”.

Gia đình chị Bùi Thị Loan (35 tuổi, thành viên nhóm của chị Nguyễn Thị Trầm) cũng thuộc diện “nghèo kinh niên”. Làm việc quần quật, nhưng chẳng thể nào xây nổi cái nhà. Năm rồi, gia đình chị được nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng xây cho một căn nhà tạm, dù bốn bên vách chưa được tô trát, cửa ngõ sơ sài, nhưng đó là cả ước mơ lớn của gia đình chị. “Làm cái nghề của tụi tôi tiền kiếm được như gió vào nhà trống, dè sẻn chi tiêu lắm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền để làm nhà. Từ khi được hỗ trợ xây nhà, cả nhà tôi mới tin vào một tương lai tươi sáng hơn”- chị Loan bộc bạch.

Tuy công việc vất vả, cực nhọc là vậy, nhưng qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt thâm quầng vì nắng gió của các chị là những nụ cười đôn hậu, gắn bó, sẻ chia. 2 năm trước, do sơ suất khi làm việc, chị Huỳnh Thị Cảnh, 32 tuổi, bị một hòn đá to rơi làm dập bàn chân phải. Chị phải nghỉ ở nhà điều trị hơn 2 tháng, nhưng vẫn được chia đều thành quả lao động của nhóm. Sự đùm bọc đó đã trở thành một quy định “bất thành văn” của những người lao động nghèo tiền bạc nhưng không bao giờ túng thiếu nghĩa tình…

  • Bảo Sương - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp nhận, chuyển giao 5 kỹ thuật điều trị   (17/06/2011)
Điều chỉnh giá thu một phần viện phí 259 dịch vụ, kỹ thuật y tế   (17/06/2011)
Bầu các chức danh HĐND, UBND  (17/06/2011)
96,84% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT   (17/06/2011)
Tặng 45 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật  (17/06/2011)
Mở lớp dạy nghề thú y cho đồng bào  (17/06/2011)
Tổ chức tại thành phố Quy Nhơn  (17/06/2011)
Những kết quả tích cực  (17/06/2011)
Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập  (16/06/2011)
Gặp mặt các đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016  (16/06/2011)
Ban hành mức trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi  (16/06/2011)
Hơn 130 tỉ đồng đầu tư cho các cơ sở y tế  (16/06/2011)
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh  (16/06/2011)
Đầu tư hơn 7,4 tỉ đồng nâng cấp Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh  (16/06/2011)
Tổ chức họp báo kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XI  (16/06/2011)