Tránh năm “con hổ” (Canh Dần), nhiều sản phụ đã đợi đến năm “con mèo” (Tân Mão) mới sinh con. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải sản phụ tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và nguy cơ tăng dân số trong năm 2011.
* Né tuổi “con hổ”
Không sốt như “năm lợn vàng” 2007, nhưng năm 2011 cũng nằm trong dự định sinh con của nhiều cặp vợ chồng. Chị Nguyễn Thị H. (huyện Phù Mỹ) đợi 3 năm mới mang bầu được đứa con đầu lòng. Chị tâm sự: “Lấy chồng xong cũng định có em bé, nhưng chưa có điều kiện chăm sóc tốt nên chờ. Năm ngoái vợ chồng tôi cũng có ý định sinh con, nhưng gặp năm Dần nên thôi. Năm nay với vợ chồng tôi cũng không tốt lắm, nhưng dù sao sinh năm “con mèo” vẫn hơn “con cọp”!”. Còn với vợ chồng chị Lê Thị M. (huyện Hoài Nhơn) mới lấy nhau được gần một năm nay, dự định có con luôn trong năm Dần, nhưng chỉ mới nói đến ý định đó, nội ngoại hai bên đã phản đối. “Cũng không mê tín gì, nhưng cha mẹ hai bên khuyên nên tránh sinh năm Dần, vì sợ tuổi Dần cao số, nhất là con gái”.
|
Các cơ sở y tế bị quá tải bởi nhiều sản phụ chọn sinh năm “con mèo”. |
Tại các cơ sở y tế trong tỉnh, số sản phụ đến khám thai và nhập viện sinh con đã gia tăng nhiều so với năm Canh Dần 2010; một số cơ sở còn rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.
6 tháng đầu năm đến nay, khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát có hơn 600 ca sản phụ sinh. Khoa được giao chỉ tiêu 20 giường bệnh, nhưng có hôm số bệnh nhân trong khoa lên đến 40 người. Với áp lực bệnh nhân, bệnh viện đã phải kê thêm 9 giường bệnh để khoa phục vụ bệnh nhân. “So với năm ngoái thì lượng bệnh nhân sinh tại Trung tâm có chiều hướng ngày càng tăng; ngoài số sản phụ ở huyện Phù Cát còn có nhiều sản phụ đi làm ăn xa từ các tỉnh phía Nam về đây sinh. Khoa đã phải rút ngày nằm viện của sản phụ sinh thường xuống còn 2-3 ngày, còn sản phụ sinh mổ là 5-6 ngày. Tâm lý sản phụ “né” sinh con năm Canh Dần là một trong những nguyên nhân làm cho số ca sinh gia tăng nhiều trong năm nay”, bác sĩ Bùi Thị Hồng, Trưởng khoa Sản, nói.
Trong khi đó tại khoa Sản, BVĐK khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) số bệnh nhân sản đã tăng đột biến từ đầu năm đến nay. Bác sĩ Lê Thân, Giám đốc Bệnh viện cho biết, số trường hợp sinh năm Canh Dần 2010 chỉ có vài chục sản phụ thì đầu năm 2011 đã tăng lên trên dưới 100 trường hợp. “Điều này cho thấy xu hướng sản phụ sinh con sẽ còn tăng mạnh trong năm nay” - bác sĩ Thân nhận định.
* Không phải là bất thường
Thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm 2011 là 7.582 trẻ, tăng 726 trẻ so với cùng kỳ năm 2010, tương ứng tỉ lệ 11%. Trong khi đó, so với năm 2009 thì số trẻ sinh ra trong năm 2010 đã giảm đến 18%.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết các so sánh trên cho thấy năm 2010 số trẻ sinh ra giảm một cách đáng kể. Rõ ràng tâm lý sợ sinh con năm Canh Dần là phổ biến trong cộng đồng nên việc sản phụ chọn sinh năm Tân Mão là một tất yếu. Trong điều kiện các biện pháp tránh thai ngày càng đa dạng thì việc sản phụ “kế hoạch” để chọn năm sinh con theo mong muốn rất dễ dàng.
Về thống kê cơ học, việc tăng số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm nay tác động mạnh đến các cơ sở y tế. Còn ở khía cạnh quản lý thì đây là hệ lụy của tăng dân số vài chục năm trước và xu hướng này đã được dự báo trước. Hiện nay, Bình Định đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, số nam nữ thanh niên ở độ tuổi kết hôn và sinh con lớn nên tỉ lệ tăng dân số vẫn còn tiếp diễn trong vài năm tới.
Với tình hình này thì mức giảm sinh cả năm 2011 chắc chắn không thể đạt chỉ tiêu 0,4%o do tỉnh đề ra. Tuy nhiên, ngành Y tế rất lạc quan công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn thành công bởi thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ con thứ 3 trở lên trong toàn tỉnh là 14,5%, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc số con trung bình của một phụ nữ vẫn đạt theo kế hoạch là 2,1 con.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang cho rằng, sự gia tăng dân số trong năm 2011 không có yếu tố bất thường, bởi tỉ lệ con thứ 3 mới là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Tất nhiên tình trạng này đòi hỏi tính sẵn sàng của các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội.
|