Chiều qua, 5.12, trong buổi thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu (ÐB) đã tập trung thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Những vấn đề được nhiều ÐB quan tâm là giải pháp đối phó với tình hình hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sản xuất trong năm 2013, tăng cường giáo dục pháp luật - đặc biệt là cho thanh thiếu niên...
|
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng (người đứng giữa) trò chuyện cùng các ĐB trong giờ giải lao. Ảnh: VĂN LƯU |
Chủ động ứng phó với hạn hán
Trước dự báo tình hình hạn hán nghiêm trọng diễn ra trong năm 2013 sẽ khiến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân, gặp nhiều khó khăn, các ĐB đã tập trung thảo luận và đề xuất UBND tỉnh cần có giải pháp, chỉ đạo tháo gỡ vấn đề.
ĐB Nguyễn Quốc Việt (Hoài Nhơn) đề nghị lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo chống hạn, tuy nhiên không nên máy móc chuyển đổi theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích hoa màu, vì những loại cây ít cần nước như mè, đậu phụng, bắp, nếu gặp mưa to thì dễ bị úng. ĐB Ngô Văn Công (Phù Mỹ) cho rằng, nếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với tình hình hạn hán mà gặp thời tiết diễn biến thất thường, dân thiệt hại thì nên có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân. ĐB Nguyễn Giờ (Hoài Nhơn) đề xuất tỉnh dùng toàn bộ kinh phí cấp bù thủy lợi phí hỗ trợ dân đào giếng chống hạn. ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn), với tư cách là Giám đốc Sở NN&PTNT, nêu ý kiến: “Đối với những vùng không sản xuất hoặc không chuyển đổi cây trồng được vì thiếu nước, đề nghị chính quyền địa phương công bố cho nông dân biết và có chính sách hỗ trợ đời sống cho người dân. Đồng thời, tỉnh cũng cần tăng quỹ dự phòng cho ngành nông nghiệp, kịp thời giải quyết khi phát sinh khó khăn…”.
|
ĐB Phan Trọng Hổ (người đứng): “... Tỉnh cần tăng quỹ dự phòng cho ngành nông nghiệp, kịp thời giải quyết khi phát sinh khó khăn”. Ảnh: VĂN LƯU |
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết HĐND tỉnh về chuyển đổi loại hình trường mầm non
Nhiều ÐB đã dành thời gian phân tích những vướng mắc khi triển khai Ðề án chuyển đổi trường mầm non bán công (MNBC) sang công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, đã được HÐND tỉnh thông qua trước đây. Hiện có 13 trường MNBC trong tỉnh bắt đầu chuyển đổi; theo lộ trình, đến cuối năm 2013, sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn về tài chính. ÐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) bức xúc: “Ðến cuối năm 2013, tình hình sẽ rất căng thẳng, sợ không đủ lương trả cho giáo viên. Huyện chỉ có thể cố gắng lo lương cho giáo viên trong biên chế, còn giáo viên ngoài biên chế thì nhà trường phải tự lo”.
Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi hơn khi một số ÐB khác cho biết ngân sách năm 2013 của tỉnh cũng đã không bố trí phần kinh phí cho các trường đang thực hiện chuyển đổi. ÐB Cao Văn Bình (An Nhơn), Phó Giám đốc Sở GD-ÐT thừa nhận, qua khảo sát thực tế, một số trường phản ánh nếu chuyển sang mô hình tự chủ hoàn toàn về tài chính, mức thu học phí sẽ cao gấp 5-6 lần so với các trường công lập trên cùng địa bàn; phụ huynh và người dân sẽ không đồng tình.
Phó Chủ tịch HÐND tỉnh Võ Vinh Quang nêu quan điểm: “Ðề án đã được HÐND tỉnh thông qua, vì vậy, hoặc là phải tăng học phí để trang trải lương cho giáo viên, hoặc là phải điều chỉnh lại Nghị quyết của HÐND tỉnh, cho các trường được hỗ trợ một phần kinh phí để giải quyết khó khăn trước mắt. Theo tôi chỉ cách tạm thời là chỉnh lý lại Nghị quyết”. ÐB Hồ Quốc Dũng (Phù Cát), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng đồng ý với ý kiến của ÐB Quang.
ÐB Nguyễn Minh Phụng đề nghị thêm: “Nghị quyết HÐND tỉnh đã ban hành, UBND tỉnh ra quyết định. Nếu để huyện lo, huyện sẽ bị xuất toán. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo để cho huyện bố trí lương và các hoạt động của các trường này”. |
Nhiều ĐB đề nghị tỉnh và ngành chức năng cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, cụ thể là: Tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; kiểm tra kiểm soát thị trường, quản lý chặt việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm; khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo trang trại để quản lý dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khảo sát kỹ trước khi triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân để tăng hiệu quả sản xuất; chủ động sản xuất lúa giống trong tỉnh; đầu tư phát triển ngành thủy sản để giúp tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm; tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp...
Lo ngại tình hình thời tiết bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, trong khi tổng sản phẩm địa phương năm 2012 của tỉnh chỉ đạt 8,37%, một số chỉ tiêu KT-XH không đạt so với kế hoạch, nhiều ĐB đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung các giải pháp phát triển KT-XH năm 2013, đó là: Đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp về vốn, thị trường, mặt bằng sản xuất... để bù đắp cho sản xuất nông nghiệp. ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) cho rằng, cần tập trung phát triển công nghiệp và đưa ra định hướng phát triển công nghiệp lâu dài trong thời gian tới.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên
Một lĩnh vực cũng được khá nhiều ĐB nêu ý kiến là tình hình trật tự an toàn xã hội, đang có những vấn đề đáng lưu tâm. Đó là tình hình tội phạm trong thanh thiếu niên gia tăng đồng đều cả ở các huyện, thị xã, thành phố, mà nguyên nhân là do nhiều yếu tố tác động như: Thất nghiệp, mặt trái của internet, môi trường không tốt, bỏ học giữa chừng, gia đình không quan tâm giáo dục con cái. ĐB Đinh Yang King (Vĩnh Thạnh) và ĐB Nguyễn Thị Đàng (Phù Mỹ) đồng quan điểm về việc các ngành, đoàn thể cần đầu tư và đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên sao cho công tác này đạt hiệu quả, vì đây là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách.
Công tác tuyên truyền pháp luật chưa hiệu quả, luật chưa đến được với người dân cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn tiếp tục xảy ra, như một số ĐB nhận định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các ĐB cũng phân tích những nguyên nhân khác. ĐB Cao Thứ (Hoài Ân) cho rằng, việc giải quyết khiếu kiện không thống nhất, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, giải tỏa, đền bù không thỏa đáng dẫn đến người dân bức xúc. “Đặc biệt, cần giải quyết xử lý nghiêm khắc sai phạm của cán bộ ở các cấp chỉ vì “quên” mà để tình trạng lấn chiếm đất đai nở rộ hoặc không giải tỏa, đền bù đúng quy định dẫn đến khiếu kiện đông người, lâu dài” - ĐB Thứ nói. Còn ĐB Đặng Thành Thái (Hoài Ân) thì đặt vấn đề: “Lâu nay, chúng ta dùng chính sách mềm dẻo để giải quyết các vụ khiếu kiện là có nên không, trong khi có nhiều vụ do người dân làm sai lại lôi kéo số đông tham gia? Đối với những người đi kiện không đúng, lôi kéo số đông và có hành động quá khích, cần đưa ra xét xử lưu động để làm gương”.
Vấn đề kỳ họp: Ðiều chỉnh tăng giá bán nước máy
Một trong những Tờ trình có nội dung liên quan mật thiết đến đời sống người dân, được UBND tỉnh trình tại kỳ họp HÐND tỉnh lần này là điều chỉnh giá bán nước máy từ năm 2013 đến năm 2015.
Theo đó, việc điều chỉnh giá nước máy các năm từ 2013 đến 2015 theo nguyên tắc: Giữ nguyên giá bán hiện hành đối với các đối tượng là hộ nghèo sử dụng dưới 20m3/hộ/tháng; các đối tượng khác điều chỉnh tăng mỗi năm 200 đồng/m3 đối với khu vực TP Quy Nhơn (tăng khoảng 4%) và 100 đồng/m3 đối với khu vực 9 thị trấn (tăng khoảng 2%).
Thời điểm hiện nay, giá nước máy sinh hoạt trên địa bàn TP Quy Nhơn như sau: Đối với hộ nghèo sử dụng 20m3/hộ/tháng là: 4.700 đồng/m3, hộ gia đình khác sử dụng 20m3/hộ/tháng: 5.100 đồng/m3, trường hợp hộ gia đình sử dụng trên 20m3/hộ/tháng trở lên (bao gồm cả hộ nghèo) từ khối thứ 21 giá: 6.000 đồng/m3, cơ quan hành chính sự nghiệp: 7.200 đồng/m3, hoạt động sản xuất: 8.500 đồng/m3, kinh doanh dịch vụ 15.800 đồng/m3.
Đối với khu vực 9 thị trấn: hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng 20m3/hộ/tháng: 3.800 đồng/m3, hộ gia đình khác sử dụng 20m3/hộ/tháng: 4.200 đồng/m3, trường hợp hộ gia đình sử dụng trên 20m3/hộ/tháng trở lên (bao gồm cả hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số) từ khối thứ 21 giá: 5.000 đồng/m3, cơ quan hành chính sự nghiệp: 7.000 đồng/m3, hoạt động sản xuất: 8.200 đồng/m3, kinh doanh dịch vụ: 8.200 đồng/m3.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh, lý do điều chỉnh tăng giá nước máy từ năm 2013 đến năm 2015 là: Tiền lương tối thiểu của khối doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước đã tăng trên 40%, đơn giá điện tăng 15,28% và giá vật tư dùng cho sản xuất nước tăng trên 20%. Do đó, cần phải soát xét điều chỉnh giá bán nước để bù đắp chi phí, duy trì hoạt động bình thường của đơn vị sản xuất, cung cấp nước. Một nguyên nhân nữa của sự cần thiết phải tăng giá bán nước máy là áp lực trả nợ vay của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định rất lớn. Hàng năm, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định phải trả nợ gốc và lãi vay cho Bộ Tài chính (vay thực hiện dự án nước sạch 9 thị trấn trong tỉnh và dự án nâng công suất cấp nước tại TP Quy Nhơn từ 20.000m3/ngày đêm lên 45.000m3/ngày đêm) là 16,805 tỉ đồng.
|
|