|
Nâng cao chất lượng để khẳng định “thương hiệu” là biện pháp vượt khó bền vững nhất của các cơ sở giáo dục - đào tạo.
- Trong ảnh: Lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Quang Trung. |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 30.11 là hạn chót các trường ĐH, CĐ phải kết thúc việc tuyển sinh năm 2012. Những tưởng Bộ GD-ĐT cho phép các trường kéo dài thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ giúp nhiều trường “vớt vát” thêm thí sinh; nhưng thực tế, không ít trường trên địa bàn tỉnh vốn tuyển sinh chật vật, giờ lại càng bội phần khó khăn.
Kéo dài vẫn khó
Dù có thêm hơn một tháng so với năm ngoái để xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhưng tính đến nay, Trường ĐH Quang Trung cũng chỉ tuyển được khoảng 30% trong tổng số 2.200 chỉ tiêu hệ ĐH và CĐ chính quy, tỉ lệ thấp nhất từ ngày thành lập Trường đến nay. Theo TS Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, một khi nguồn tuyển đã cạn thì thời gian xét tuyển có kéo dài cũng chẳng thể cải thiện tình hình. Sở dĩ các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh chật vật vì điểm sàn khá cao, đặc biệt năm nay Bộ GD-ĐT chỉ quy định một mức điểm sàn chung cho các loại hình trường ĐH. Thêm vào đó, Bộ cũng vừa đưa ra quy định ưu tiên, cho phép các trường ĐH ở khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc tuyển sinh dưới điểm sàn và xét tuyển thẳng cho thí sinh ở 20 huyện, thị xã khu vực Tây Nam Bộ. “Ngay cả hy vọng những thí sinh ít ỏi sót lại khi không trúng tuyển các trường khác nộp đơn vào học tại Trường cũng hầu như không có”, ông Châu cho biết.
Trong khi đó, Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định (thị xã An Nhơn) cũng có một mùa tuyển sinh ảm đạm nhất từ trước đến nay. Ông Hoàng Đức Lân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, kết thúc ngày 30.11, Trường chỉ tuyển được 200 trên tổng số 700 chỉ tiêu hệ trung cấp học tập trung; nhiều ngành học có nguy cơ phải đóng cửa. Hai năm trở về trước, Trường thường xuyên tuyển được 5-7 lớp kế toán, vậy mà năm nay chiêu sinh chưa đủ một lớp.
“Các trường trung cấp phải chịu quá nhiều áp lực khi tuyển sinh. Trước hết là tâm lý chuộng bằng cấp của học sinh, phụ huynh. Các trường ĐH dân lập xuất hiện ngày càng nhiều, ra sức “vét” hết thí sinh. Bộ GD-ĐT lại gia hạn cho các trường ĐH được tiếp tục tuyển hệ trung cấp đến năm 2017. Đối tượng chính của Trường là học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng ngành giáo dục chưa làm tốt công tác phân luồng. Nếu không giải quyết tận gốc những vướng mắc này thì có kéo dài thời hạn tuyển sinh bao lâu đi nữa thì các trường rất khó tuyển sinh”, ông Lân chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
So với quy định xét tuyển bằng các nguyện vọng 1, 2, 3 và kết thúc vào ngày 10.10 như cách làm của năm 2011, cách xét tuyển nguyện vọng bổ sung kéo dài đến 30.11 và không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước của năm nay đã giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn, nhưng đồng thời lại gây rất nhiều khó khăn cho các trường “tuyến dưới”. Ngay cả thí sinh điểm thấp vẫn chờ đợi cơ hội đăng ký vào một trường công, chứ không vội nghĩ đến trường ngoài công lập.
TS Nguyễn Minh Châu phân tích: “Quy định điểm chuẩn nguyện vọng sau không được thấp hơn so với điểm của nguyện vọng trước nhằm tạo hành lang pháp lý để trường công lập không thể “lấn sân” về phía sau. Nhưng mùa tuyển sinh năm nay lại bỏ quy định này, lại cho phép trường công lập hạ điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng trước (nhưng vẫn trên sàn) để vớt thí sinh thì rõ ràng trường “tuyến dưới”, đặc biệt là trường ngoài công lập không thể tăng nguồn tuyển được”.
Với các trường trung cấp, ông Hoàng Đức Lân cho rằng, ngành giáo dục phải làm tốt công tác phân luồng, và địa phương phải làm tốt việc phân cấp chuyên ngành đào tạo theo mô hình trường, để tránh việc nhiều trường mở ngành trùng nhau, kết quả là cùng rơi vào tình trạng “đói” thí sinh. Trong thời gian tới, công tác dự báo nguồn nhân lực cần được chú trọng hơn.
Trước thực tế tuyển sinh muôn vàn khó khăn, các trường đã xác định phải chờ đợi những thay đổi mang tính hỗ trợ từ ngành giáo dục và từ chính quyền địa phương. Dù vậy, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, phụ huynh và cả học sinh, việc Bộ GD-ĐT để các trường tự chủ xét tuyển có những mặt tích cực nhất định, đặc biệt là nhằm nhận biết sức hút, sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh đối với nhà trường. Để vượt khó, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ bên ngoài, các trường phải tự thân vận động, khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng dạy và học thực chất, tạo sự tin tưởng đối với học sinh, phụ huynh. Và đó mới là cách cơ bản, bền vững.
|