Những ngày này, các vườn mai ở thị xã An Nhơn đang rộn ràng không khí lao động chuẩn bị cho vụ mai xuân. Nhiều dịch vụ, công việc liên quan đến chăm sóc mai mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
1. Từ cuối tháng 8 âm lịch, các vườn mai tại thị xã An Nhơn đã tất bật với các hoạt động chăm mai tết. Đây được xem là giai đoạn nước rút với các công việc chính là cắt tỉa cành, tạo dáng, chọn ngọn để tạo khung cây hoàn thiện trước mùa lặt lá. Đảm nhận công việc này là các thợ uốn mai. Thông thường, thợ uốn mai nào cũng có một vườn mai riêng. Để việc chăm sóc, sửa sang cả ngàn cây mai diễn ra trong cùng một thời điểm, các chủ vườn thường đổi công hoặc thuê các thợ uốn.
|
Cắt tỉa, uốn mai là một công việc đòi hỏi người uốn phải có hoa tay, thẩm mỹ và kinh nghiệm.
- Trong ảnh: Ông Đặng Văn Trực đang uốn ngọn mai. |
Gần hai tháng nay, ông Đặng Văn Trực, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, rong ruổi từ nơi này đến nơi khác để ép - uốn - bắt ngọn mai. Vừa chăm chút, tỉ mẩn cắt cành cho vườn mai của một hộ trồng mai trong xã, ông Trực vừa cho biết: “Mất công sức hơn cả là việc tạo dáng cho những cây mai con. Còn việc uốn, tỉa mai trưởng thành vào dịp cuối năm như thế này khá nhẹ nhàng. Thế mai phổ biến tại các vườn hiện nay là thế trực, cây uốn lượn như thân rồng hướng lên… phù hợp với việc sản xuất hàng loạt mà vẫn được đa số người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình, mỗi thợ uốn mai kiếm được 150 ngàn đồng/ngày”.
Theo không khí rộn rịp của việc uốn mai cuối năm, các dịch vụ cung cấp nguyên liệu như lạt, cọc cũng dần “nóng” lên từng ngày. Tại nhà ông Hồ Ngọc Anh, ở thôn Trung Định, xã Nhơn An, tất bật cảnh chẻ tre, vót cọc. Trong nhà, cọc, lạt đã được bó gọn, chất chồng khắp mọi nơi. Đã 4 năm nay, hai vợ chồng ông Anh vót cọc tre, chẻ lạt để bán cho các vườn mai và thu về mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng. Ông Anh kể: “Những ngày cuối năm, đơn đặt hàng đến từ khắp nơi với số lượng lớn, muốn giữ mối thì phải luôn có nguồn tre. Trung bình mỗi năm, tôi cần khoảng 1.700 cây tre. Có tre rồi, mình phải thuê thêm người để vót cọc, chẻ lạt. Hiện chỉ có 3 người trong xóm có khả năng vót nhanh, đẹp thường xuyên làm chỗ tôi”.
Bên cạnh việc cắt, tỉa, uốn; vót cọc, lạt, một lực lượng lớn người làm công ở làng mai cũng đang “đầu tắt mặt tối” với công việc nhổ cỏ, tưới phân, xới gốc, tưới nước, bơm thuốc... cho cây mai. Đây là những công việc nhẹ, ai cũng có thể làm được. Tranh thủ lúc nông nhàn, phụ nữ thường hay lập thành nhóm đi làm thuê cho các vườn mai trong xã. Tay không ngơi nhổ cỏ, bà Ngô Thị Hoa, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, cho biết: “Thông thường, phụ nữ chỉ làm các công việc nhẹ, nhưng khi cần chúng tôi cũng có thể sang chậu, tưới nước… Gần Tết sẽ có nhiều việc hơn, như lặt lá, chuyển mai lên xe tải…”.
2. Nhiều năm nay, công việc thời vụ từ các vườn mai đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân địa phương. Bà Ngô Thị Hoa có thêm đồng ra đồng vô lo bữa cơm gia đình thêm tươm tất và chăm lo cho hai người con đang học đại học. Thợ uốn mai Đặng Văn Trực thì có thêm vốn liếng để mở rộng cho vườn mai gia đình.
Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm, uốn mai là một công việc khá nhẹ nhàng, thu nhập cao, lại luôn được gia chủ tiếp đón nồng hậu. Điều này làm nên sức hút đáng kể của công việc này trong thời gian gần đây. Song, để tạo ra một cây mai đẹp, ưng ý chủ vườn, thợ uốn cần phải khéo tay, có mắt thẩm mỹ và cả kinh nghiệm. Ngược lại, công việc này cũng mang lại nhiều niềm vui cho những người hết lòng với cây mai. Ông Nguyễn Văn Bình, một thợ uốn mai có tiếng ở phường Nhơn Thành, chia sẻ: “Cái cảm giác vui mừng trong lúc được đứng ngắm tác phẩm lúc hoàn thành là cảm giác khó quên nhất của người thợ chăm sóc mai. Đó cũng là một phần lý do để tôi vẫn say mê với công việc này hơn 10 năm qua”.
3. Chưa đến Tết, người làng mai đã bắt đầu lo vì nguy cơ thất thu. Do năm âm lịch kéo dài thêm một tháng, cộng với thời tiết khô hạn khiến nhiều cây mai chưa lặt lá đã vội trổ bông tưng bừng dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết. Chỉ tay vào vườn mai đã lấm tấm vàng, ông Đặng Văn Trực cười buồn: “Cứ nhìn những chậu mai chăm bẵm bao lâu nay, giờ nở rộ trong vùng, lòng chúng tôi lại héo hắt. Năm nay, có lẽ lại phải chịu thua thời tiết rồi...”.
|