Ðến cuối năm 2012, dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện tại Bình Ðịnh giai đoạn 2009-2012” do Quỹ Fred Hollows (FHF) tài trợ đã kết thúc. Sau 7 năm cùng đồng hành, dự án đã giúp cho hàng ngàn người mù nghèo trong tỉnh lấy lại được ánh sáng.
Niềm vui lớn
Ngót 80 tuổi, cuộc sống của bà Võ Thị Sao, ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, có nguy cơ khép lại trong tăm tối khi mắt trái mù hẳn vì đục thủy tinh thể, trong khi mắt còn lại càng lúc càng mờ theo tuổi già. Dù vậy, bà Sao vẫn phải đi làm thuê cho các nhà khác ở trong thôn để kiếm tiền. Cuộc sống của hai mẹ con vốn đã vất vả, nay lại càng khó khăn hơn.
|
Bà Võ Thị Sao trong niềm vui được phẫu thuật mắt thành công. Ảnh: FHF |
Năm 2012, bà Sao là một trong những bệnh nhân được Quỹ FHF tài trợ kinh phí phẫu thuật mắt bị đục thủy tinh thể. Ca phẫu thuật mắt trái cho bà Sao đã thành công tốt đẹp. Ngày trở về nhà, xóm giềng kéo đến hỏi thăm bà. Còn bà thì luôn miệng kể với mọi người về chuyến đi đầu tiên ra thành phố. Bà kể về xe cộ đông đúc, nhộn nhịp, bệnh viện có rất nhiều người già. Nhưng quan trọng hơn cả với bà Sao là: “Giờ thì mắt tôi đã sáng, có thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh và đi làm được rồi!”. Cũng như hàng ngàn người già đang và sẽ chịu cảnh mù lòa khác, để hưởng thụ vẹn nguyên giá trị cuộc sống trong những ngày còn lại, tất cả những gì họ cần, chỉ là một đôi mắt sáng.
Tháng 7.2005, được sự tài trợ của Quỹ FHF và Tổ chức Atlantic Philanthropies, Bình Định đã triển khai dự án chăm sóc mắt cộng đồng tại một số địa phương trong tỉnh: An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước. Đến năm 2009, dự án tiếp tục được triển khai mở rộng tại 4 huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Vân Canh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, cho biết: “Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 3.000 bệnh nhân mù được phẫu thuật miễn phí. Các hoạt động phẫu thuật cho người mù nghèo và trẻ dị tật mắt bẩm sinh có ý nghĩa xã hội to lớn, giúp họ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật mắt”.
Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc mắt
Tại Bình Ðịnh, FHF đã tài trợ gần 1 triệu USD cho chương trình phòng chống mù lòa trong suốt 7 năm (2005-2012) và được xem là mô hình hiệu quả nhất của FHF tại Việt Nam. Bình Ðịnh là tỉnh đứng thứ 3 về mổ đục thủy tinh thể trong cả nước. |
Sự gia tăng số lượng bệnh mắt không do nhiễm trùng đang là một thách thức đối với năng lực chăm sóc mắt của tỉnh. Hầu hết các nguyên nhân chính gây ra mù lòa là có thể ngăn chặn bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hoặc dự phòng tích cực. Vì thế, việc tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc mắt các tuyến được xem là mục tiêu chính của dự án nhằm xây dựng hệ thống chăm sóc mắt cộng đồng bền vững tại cơ sở, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt ban đầu ngay tại cơ sở.
Trong thời gian qua, 79 nhân viên y tế xã và 345 cộng tác viên y tế thôn của các huyện hưởng lợi dự án được tập huấn và đào tạo kỹ thuật, chăm sóc sau phẫu thuật để điều trị một cách hiệu quả các bệnh về mắt. Dự án còn đào tạo cho 2 phẫu thuật viên mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco, 3 phẫu thuật viên nhãn nhi, 1 bác sĩ chuyên sâu bán phần sau...
Bác sĩ Triết cho biết thêm: “Việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc mắt ở tuyến cơ sở là yếu tố then chốt trong việc nâng cao dịch vụ chăm sóc mắt và nhận thức cho người dân thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng y tế, tập huấn, phát hiện bệnh, theo dõi, giám sát và xác định rào cản đối với dịch vụ chăm sóc mắt, cũng như các yếu tố tác động kết quả điều trị”.
Mặt khác, ngành Y tế các địa phương được dự án hỗ trợ về trang thiết bị điều trị và chăm sóc mắt. Đặc biệt, Bệnh viện Mắt được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, trở thành một trong những bệnh viện chuyên khoa Mắt tuyến tỉnh hoạt động hiệu quả, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
* Đánh giá kết thúc dự án được thực hiện mới đây tại Bình Định cho thấy, dự án đã thành công, hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra với nhiều mô hình phòng chống mù lòa hiệu quả, mang tính bền vững cao. Thành công của dự án có thể triển khai ở vùng khác và trên cả nước.
(Ông Les White, Chuyên gia đánh giá của Úc và Bệnh viện Mắt Trung ương)
* Bình Định vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực chăm sóc mắt. Tỉ lệ mù lòa trong tỉnh còn cao, số người mù do đục thủy tinh thể vẫn còn nhiều, tỉ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ khá cao khoảng 30%, một số bệnh khác có thể gây mù lòa đang có xu hướng ngày càng tăng. Vì thế, cùng với quan tâm đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế cần chú ý huy động các nguồn tài trợ để đáp ứng phần nào hoạt động trong công tác phòng chống mù lòa của tỉnh.
(Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế) | |