Từ năm 2011, lần đầu tiên hoạt động tư vấn và chăm sóc bệnh nhân lao tại cộng đồng với sự tham gia của các cộng tác viên từ các hội, đoàn thể được triển khai tại 60 xã thuộc TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn và Tây Sơn. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, tiện ích trong việc tiếp cận bệnh nhân, đồng thời phát hiện thêm nhiều bệnh nhân nghi lao.
Mô hình chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân lao tại nhà được triển khai với sự hỗ trợ của dự án “Phối hợp y tế công-tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao” do tổ chức PATH hỗ trợ cho Bình Định từ tháng 9.2011 đến tháng 12.2012.
Nhiều tiện ích
Như mọi ngày, chiều 11.12.2012, y sĩ Nguyễn Văn Bình - nhân viên làm công tác chuyên trách lao ở Trạm Y tế xã Phước An, huyện Tuy Phước, cùng anh Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, là cộng tác viên chương trình, đã đến nhà thăm hỏi và tư vấn sức khỏe cho các bệnh nhân mắc bệnh lao trên địa bàn.
|
Cộng tác viên chăm sóc bệnh nhân lao ở Phước An, Tuy Phước, thăm và tư vấn sức khỏe tại gia đình cho bệnh nhân Huỳnh Thị Dư. |
Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe và dùng thuốc tại nhà bà Huỳnh Thị Dư, 70 tuổi, ở thôn An Hòa 2, xã Phước An, y sĩ Bình và anh Đức còn nhắc lịch xét nghiệm đờm, tư vấn cho người nhà của bệnh nhân cách chăm sóc người bệnh, liều lượng và thời gian dùng thuốc, vệ sinh nhà cửa… Bà Dư đã điều trị bệnh lao từ 5 tháng nay, phấn khởi nói: “Bệnh này phải điều trị lâu dài, mà nhà chỉ có hai vợ chồng già, đi lại khó khăn. Giờ có nhân viên y tế, rồi các anh bên chữ thập đỏ sang thăm hỏi, nhắc nhở chuyện thuốc men, cũng đỡ lo”. Còn ông Võ Văn Minh, 75 tuổi, ở thôn An Hòa 1, xã Phước An, đang điều trị bệnh lao tháng thứ 5 chia sẻ: “Đến giờ, sức khỏe của tui đã ổn định, cũng nhờ các anh tới lui động viên, nhắc nhở”.
Đến nay, Phước An có 31 bệnh nhân mắc bệnh lao, trong số đó nhiều người đã được chăm sóc và tư vấn hỗ trợ tại nhà. Y sĩ Nguyễn Văn Bình cho biết: “Chúng tôi đang tích cực vận động để tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc tại nhà. Điểm thuận lợi là ngoài nhân viên y tế, chúng tôi có thêm lực lượng để chủ động công tác tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân. Mô hình đã giúp hỗ trợ nhiều về tinh thần cho bệnh nhân, vừa góp phần phát hiện các trường hợp nghi lao trong cộng đồng”.
Theo y sĩ Huỳnh Thị Thu Nhung, cán bộ chuyên trách lao Trung tâm Y tế Tuy Phước, toàn huyện có 7 xã, thị trấn tham gia dự án được triển khai mô hình chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân lao tại nhà, gồm: Tuy Phước, Diêu Trì, Phước An, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Lộc và Phước Hiệp. Trong số 105 bệnh nhân lao của các xã, thị trấn nói trên có khoảng một nửa bệnh nhân đã được chăm sóc tại nhà.
Cánh tay nối dài
420 bệnh nhân nghi lao được chuyển tuyến đến các cơ sở y tế
Ngày 12.12, Sở Y tế tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Phối hợp y tế công-tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tại Bình Ðịnh”, do tổ chức PATH hỗ trợ thực hiện.
Các hoạt động của dự án hướng đến mục tiêu tăng cường thực hiện chiến lược phối hợp y tế công-tư, phát hiện sớm và điều trị thành công nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng; phát triển và thực hiện chiến lược vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội đối với các đối tác đa dạng, tối đa hóa khả năng tiếp cận của các hợp phần trong chương trình chống lao quốc gia.
Sau hơn một năm triển khai, dự án đã hỗ trợ đào tạo cho hàng trăm nhân viên y tế các tuyến, cộng tác viên của Hội LHPN và Hội Chữ thập đỏ các địa phương. Ðồng thời, huy động 161 cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia hoạt động phối hợp y tế công-tư; kết quả đã có 420 trường hợp được chuyển tuyến đến cơ sở y tế, trong đó 293 người làm các xét nghiệm đờm và xác định 97 trường hợp mắc bệnh lao.
H.L |
Một năm nay, 150 cộng tác viên của Hội LHPN TP Quy Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn và 150 cộng tác viên của Hội Chữ thập đỏ An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn được huy động tham gia truyền thông vận động và chăm sóc bệnh nhân lao tại nhà. Họ chính là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong nỗ lực tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng.
Y sĩ Nhung cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành các buổi truyền thông về mô hình chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân lao và người nhà tại các địa bàn nói trên. Phụ trách buổi truyền thông là cán bộ chuyên trách lao huyện, cán bộ chuyên trách lao xã và 2 cộng tác viên Hội Chữ thập đỏ xã về những điều cần biết của bệnh lao, mô hình chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân lao tại nhà. Sau đó, người bệnh được hỗ trợ chăm sóc và tư vấn tại nhà”.
Theo ông Phan Minh Tùng, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các cộng tác viên đã được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động, truyền thông và huy động xã hội. Thông qua các hình thức truyền thông tư vấn trực tiếp, nhóm, hộ gia đình… các cộng tác viên đã cung cấp thông tin cho hàng ngàn hộ dân và hội viên biết đường lây truyền của bệnh lao và không còn kỳ thị đối với bệnh nhân. Các cộng tác viên còn tổ chức vận động sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương trong phòng chống lao tại các cuộc họp quân dân chính, liên ngành của UBND xã, phường.
Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh: “Dự án phối hợp y tế công-tư và vận động, truyền thông, huy động xã hội trong phòng chống lao tại Bình Định đã góp phần thiết thực trong công tác khám phát hiện số người mắc lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng, tạo điều kiện giúp người bệnh lao và người nghi lao tiếp cận các dịch vụ, xóa bỏ mặc cảm về bệnh, đồng thời tăng cường sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo trong công tác chống lao tại địa phương. Đây là kết quả của sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân và mở rộng mô hình điểm vận động, truyền thông và huy động xã hội trong chăm sóc, tư vấn bệnh nhân tại nhà”.
|