(BĐ) - Ngày 12.12, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã dẫn đầu Đoàn công tác Tỉnh ủy về kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2012 tại Đảng ủy xã An Toàn, huyện An Lão.
Xã vùng cao An Toàn có 3 thôn, gồm 179 hộ, 724 nhân khẩu (161 hộ người Bana, 12 hộ người H’rê và 6 hộ người Kinh). Theo báo cáo năm 2012 của Đảng ủy xã An Toàn, sản xuất nông, lâm nghiệp của xã đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, đã gieo sạ khoảng 50 ha lúa, sản lượng đạt 285 tấn (năng suất tăng 3 tạ/ha so với năm 2011), trồng được 50ha mì, sản lượng đạt 112,5 tấn và 25 ha bắp, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Tổng đàn gia súc 1.374 con, gồm: 430 con trâu, 353 con bò, 70 con dê và đàn heo 521 con.
Về lâm nghiệp, xã luôn chú trọng công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng, rừng khoanh nuôi và nhận khoán quản lý khoảng 6.500 ha rừng đặc dụng An Toàn. Địa phương luôn phối hợp với 3 lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi khai thác gỗ lén lút. Tình hình an ninh quốc phòng tiếp tục được giữ vững, an ninh trật tự cơ bản ổn định. Trong năm chỉ xảy ra 3 vụ gây rối trật tự nhưng đã được hòa giải. Tổng số dân quân tự vệ trong xã là 38 người, chiếm tỉ lệ 5,9% toàn dân trong xã.
Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục được chú trọng. Trong năm, không xảy ra dịch bệnh, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Đảng ủy xã đã chỉ đạo tăng cường công tác cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo, đến nay đã cho các hộ vay trên 1,2 tỉ đồng để giải quyết việc làm, làm nhà ở, cho vay học sinh sinh viên…
Tuy nhiên, hộ nghèo của xã An Toàn vẫn còn cao nhất huyện với tỉ lệ 77,65% (139/179 hộ), chủ yếu là những hộ mới ra riêng. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Lớ cho biết: Chính quyền xã đang gặp khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng người dân từ nơi khác đến lén lút khai thác rừng và các sản phẩm dưới tán rừng (chủ yếu là cây mây), trong khi người dân địa phương lại chưa dám khai thác vì chưa có chủ trương; đồng thời kiến nghị tỉnh tăng thêm diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho xã để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Nhằm hạn chế tình trạng người dân nơi khác đến khai thác rừng và các sản phẩm dưới tán rừng trái phép tại rừng đặc dụng An Toàn như hiện nay, đồng thời tăng thêm thu nhập cho nhân dân trong xã, lãnh đạo UBND huyện An Lão đã đề nghị tỉnh cho người dân xã An Toàn được khai thác cây mây dưới tán rừng, và giao khoán thêm khoảng 6.000 ha rừng đặc dụng An Toàn cho người dân địa phương bảo vệ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà và lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đồng ý với đề nghị trên của UBND huyện An Lão và đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng phải ngay lập tức ngăn chặn quyết liệt tình trạng khai thác cây mây; vận động người dân cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ việc khai thác sản phẩm dưới tán rừng; nhân rộng mô hình và khuyến khích người dân trồng các loại cây dược liệu.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã biểu dương những nỗ lực trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của xã An Toàn năm 2012. Đồng chí lưu ý: “Lợi thế của xã An Toàn chính là rừng. Do vậy, cần bảo vệ rừng và dựa vào rừng để phát triển kinh tế, nhưng phải trên cơ sở bảo tồn tốt rừng đặc dụng và phù hợp với nguyện vọng và tập tục sống, canh tác của người dân. Chính quyền huyện An Lão cần tận dụng và triển khai có hiệu quả Chương trình 30a để giúp An Toàn thoát nghèo, sớm giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho bà con. Việc nghiên cứu phát triển con giống, cây trồng để phát triển kinh tế phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã và đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm dưới tán rừng, trồng các loại cây dược liệu vừa đem lại thu nhập cho người dân vừa giữ được rừng và phát triển rừng”.
|