Gần đây, tại một số địa phương người dân đã tổ chức được một vài mô hình thu gom, xử lý rác tích cực. Tuy nhiên, để các mô hình này được nhân rộng, phát huy hiệu quả cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Những mô hình tích cực
Năm 2007, HTXNN phường Bình Định, thị xã An Nhơn là địa phương đầu tiên mở dịch vụ thu gom rác thải tại địa phương. Thực hiện dịch vụ này có 8 nhân công thu gom rác, 2 tài xế và 2 xe chuyên dụng. Địa bàn hoạt động dịch vụ bao gồm phường Bình Định và một phần khu vực Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa); chịu trách nhiệm thu gom rác của các cơ quan, ban ngành, các hộ dân đóng trên địa bàn. Rác thải sau khi thu gom được vận chuyển đến bãi rác ở xã Nhơn Tân xử lý.
|
Bà Võ Thị Mười (thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) tự phân loại rác ngay tại nhà trước khi đưa ra môi trường. |
Từ nhu cầu thiết thực và cấp bách giữ gìn vệ sinh môi trường, người dân thôn Tân Lập và thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn đã đóng góp tiền, thuê xe thu gom rác. Mỗi tuần một lần, xe thu gom rác đến từng nhà trong thôn lấy rác, mang lên núi Hòn Lốc (thôn Tráng Long) tiêu hủy. Ông Bùi Văn Tám (thôn Tân Lập) cho hay: “Từ khi có xe thu gom rác, khắp thôn xóm không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, lộn xộn như trước nữa”.
Ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, từ khi có mô hình thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch môi trường của dự án rau VietGAP, nông dân truyền tai nhau thu gom bao bì, hóa chất dùng trong nông nghiệp về tập trung tại hố chứa. Định kỳ, thôn phân công người gom, tập trung rác để tiêu hủy đúng vị trí, đúng quy trình. Hình thành được thói quen tích cực, nhiều người đã tự giác gom rác sinh hoạt vào nơi tập trung để tiêu hủy nên ở địa phương đã giảm đáng kể việc xả rác ra môi trường.
Còn nhiều khó khăn
Những mô hình thu gom, xử lý rác tích cực nói trên còn hoạt động ở phạm vi hẹp, chưa có sức lan tỏa vì thiếu kinh phí. Ông Lê Đình Sơn, Phó giám đốc điều hành Dịch vụ thu gom rác của HTXNN phường Bình Định, cho biết: “Năm 2010, xe thu gom rác của HTX mở rộng phạm vi hoạt động ra đến phường Đập Đá, nhưng do giá nhiên liệu cao, phương tiện xuống cấp, các khoản thu không đủ chi… nên năm 2011 lại thu hẹp địa bàn, chỉ hoạt động tại phường Bình Định và một phần khu vực Huỳnh Kim. Hiện tại, UBND thị xã hỗ trợ cho HTX 50% tiền xử lý bến bãi hàng năm. Chúng tôi rất mong các ngành, các cấp tạo điều kiện hỗ trợ hợp lý để dịch vụ thu gom rác của HTX mở rộng địa bàn và hoạt động hiệu quả”.
Anh Nguyễn Việt Thưởng, cán bộ phụ trách môi trường xã Nhơn Lộc, cho hay: “Xã Nhơn Lộc chỉ có thôn Tân Lập là người dân tự bỏ tiền ra thuê xe thu gom rác thải; 5 thôn còn lại, người dân vẫn còn đốt rác tại nhà, hoặc vứt ra môi trường. Để người dân tự thu gom rác sẽ gặp không ít khó khăn nhưng chính quyền xã cũng không có kinh phí để hỗ trợ người dân trong xử lý rác thải”.
Để các mô hình thu gom, xử lý rác hoạt động hiệu quả, các cấp chính quyền địa phương nên quan tâm hỗ trợ việc thu gom rác thải, khuyến khích người dân tự giác tham gia bảo vệ môi trường.
|