|
Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm, biểu dương người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2012. Ảnh: Thu Hà |
Ngày 11.12 vừa qua, Ban Dân tộc và Công an tỉnh đã biểu dương 127 người trong số trên 350 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ghi nhận sự đóng góp của họ trong giữ gìn ANTT, phát triển kinh tế tại các thôn, làng ở các huyện miền núi.
Đầu tàu trong mọi phong trào
Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2102, các huyện miền núi trong tỉnh được đầu tư gần 300 tỉ đồng (tổng các nguồn vốn Trung ương và địa phương) để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH, qua đó góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo thêm 4%. Các chương trình an sinh xã hội được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Có được kết quả này không thể không kể đến sự đóng góp của những người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ đã có những cách làm, kinh nghiệm hay trong quá trình vận động người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu; tham gia giải quyết những mâu thuẫn ở địa phương; phát triển kinh tế gia đình, góp phần bảo vệ ANTT tuyến núi. Chẳng hạn như tại huyện An Lão, theo hướng dẫn của các già làng, các thôn, làng ở địa phương này đã đưa vào hương ước thực hiện tốt Cuộc vận động “3 không” (không Fulrô, Đề ga xâm nhập hoạt động, không có tôn giáo phát triển trái phép, không để các tập tục lạc hậu phục hồi tái diễn…).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 352 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2012, có 127 người tiêu biểu được chọn để tuyên dương. Ông Đinh Hồng Rức ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), một trong những người có uy tín được chọn lên báo cáo điển hình, cho biết: “Tình hình ANTT ở Vĩnh Sơn có lúc diễn biến phức tạp, nhất là nạn chặt phá rừng làm nương rẫy. Trước tình hình đó, tôi đã cùng với những người có uy tín trong làng, kịp thời phối hợp cùng với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ phát rừng làm nương rẫy trái phép, khai thác vận chuyển gỗ trái phép, vận động dân làng không tham gia khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng đã ngăn chặn được một trường hợp người địa phương lấy vợ ở Kon Tum, lợi dụng những lần đi về thăm quê để tuyên truyền đạo trái phép…”.
Quan tâm “mặt trận tư tưởng”, đào tạo nguồn cán bộ
Dù đời sống kinh tế của đồng bào DTTS đã được cải thiện, đời sống tinh thần, dân trí đã được nâng lên, nhưng về tổng quan, tình hình KT-XH, trật tự an toàn xã hội ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, bức xúc. Tình trạng tranh chấp đất đai, phát rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra ở một số nơi; nạn tự tử còn diễn biến phức tạp. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tự tử trong đồng bào DTTS, làm chết 11 người…
Tại Hội nghị biểu dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà bày tỏ mong muốn: “Với kinh nghiệm của mình, thời gian đến, người có uy tín trong đồng bào DTTS góp sức vào việc phát triển kinh tế của địa phương, và xây dựng các hương ước về sử dụng các công trình hạ tầng hiệu quả, giúp vùng miền núi phát triển nhanh, bền vững”. Còn đại tá Phan Minh Hải, Phó Giám đốc CA tỉnh, đề nghị những người có uy tín trong đồng bào DTTS giáo dục con cháu nâng cao cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch và phản động; chú trọng đưa các nội dung phong trào “3 không” vào trong các hương ước, quy ước của làng để người dân thực hiện.
Ông Lê Thanh Những, nguyên Bí thư Huyện ủy Vân Canh, cũng cho rằng để làm tốt công tác dân vận, người có uy tín và gia đình của mình phải làm gương; và trong tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp như hiện nay, cần phải chú trọng giáo dục tư tưởng cho con em. Bởi, “Đây là mặt trận chúng ta không thể bỏ qua, nếu không giáo dục cho con em nhận thức đúng - sai, được - mất, thì con cháu chúng ta sẽ bị “xâm lăng” về mặt tư tưởng”- ông Những nói. Ông Đinh Thoang, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng chìa khóa “mở” cho kinh tế phát triển, ANTT ổn định, phải bắt nguồn từ nâng cao trình độ dân trí. Muốn vậy, Nhà nước và tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn cán bộ, ưu tiên cho người bản địa.
|