Tổ chức dạy bán trú cho học sinh mầm non:
Nhiều trường nỗ lực “liệu cơm gắp mắm”
21:29', 17/12/ 2012 (GMT+7)

Tổ chức dạy bán trú cho học sinh mầm non đang gặp nhiều rào cản vì các trường thiếu phòng ốc, chưa có bếp ăn, chưa có đội ngũ cấp dưỡng, kế toán… Tuy nhiên, trước nhu cầu của phụ huynh và đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày để đạt các tiêu chí phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương đã nỗ lực vượt khó với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”.

Vận dụng linh hoạt

Huyện Phù Mỹ hiện có 20 trường mầm non, mẫu giáo xã thì 15 trường đã tổ chức dạy bán trú từ vài năm nay. Cô Trương Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Mỹ Châu, cho biết: “Khi chưa tổ chức bán trú, buổi chiều rất nhiều trẻ ngủ gục vì không kịp ngủ trưa. Từ nguồn hỗ trợ của xã, đóng góp của phụ huynh để xây bếp ăn, tổ chức dạy bán trú. Nhờ đó, trẻ ăn ngủ đủ bữa, đủ giấc, tăng cân nhanh, chất lượng dạy - học cũng được nâng lên”.

 

Trẻ được ăn uống đầy đủ nên nhanh chóng lên cân.

- Trong ảnh: Trẻ Trường Mẫu giáo Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ.

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc Trường Mẫu giáo xã Mỹ Đức khai trương bếp ăn mới. Cô Trương Thị Biên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nghe tin trường xây bếp ăn, nhiều phụ huynh phấn khởi lắm. Bếp xây gần 50 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của xã. Mỹ Đức là xã khó khăn, trẻ đi học không đóng học phí, lại được nhận tiền hỗ trợ ăn trưa, nên phụ huynh nào cũng muốn gởi con học bán trú. Riêng nguồn thức ăn ở đây rất dồi dào vì gần biển, nhiều tôm, cá, vừa ngon, bổ lại rẻ”. Hay tin trường có bếp ăn mới, nhiều phụ huynh đã đến xem và tỏ vẻ vui mừng. Chị Lê Thị Linh dẫn theo đứa con gái 5 tuổi cười tươi: “Vậy là con được ở lại, ăn ngủ đúng giờ giấc, không phải ngày hai buổi chở đi chở về, chúng tôi yên tâm lắm!”.

Trong khi đó, Trường Mẫu giáo xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, đã có bếp ăn một chiều bài bản nhờ nguồn tài trợ của dự án New Zealand, nhưng vẫn chưa tổ chức bán trú được với lý do chờ chuyển đổi loại hình. Nhưng trước nhu cầu của phụ huynh, trong điều kiện chưa được phép tuyển cấp dưỡng, trường đã vận động phụ huynh tình nguyện đến nấu ăn cho trẻ. Cô Phạm Thị Bộ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, cho biết: “Một số xã có đông học sinh dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh bày tỏ ý muốn cho con học bán trú, nên các trường đang tìm cách xoay xở thực hiện việc này”.

Cần được nhân rộng

Để có thể đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ít nhất 85% trẻ em trong độ tuổi được học 2 buổi/ngày. Lâu nay, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày cho trẻ mầm non rất khó vì phụ huynh phải đưa đi, đón về, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Muốn tăng tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày chỉ còn cách tổ chức dạy bán trú, nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo. Nhiều địa phương trong tỉnh đang trông chờ nguồn ngân sách của tỉnh rót xuống mới tiến hành việc này.

Cô Lương Thị Xuân Tâm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Trường mầm non bán công nào tổ chức bán trú, Phòng hỗ trợ 20 triệu đồng để mua sắm nồi cơm điện, máy xay thịt, dụng cụ làm bếp và chén, đũa, muỗng... Riêng với trường mẫu giáo công lập, căn cứ đề xuất và tình hình thực tế của trường, Phòng có thể hỗ trợ 35-50 triệu đồng/trường để tổ chức dạy bán trú. Nhờ vậy, đa số bếp ăn ở các trường mẫu giáo, mầm non tuy nhỏ nhưng đều được ốp gạch sạch sẽ, có bệ nấu ăn trên cao”.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Tiểu học - Mầm non, Sở GD&ĐT, đánh giá, trong tình hình nguồn ngân sách tỉnh gặp khó khăn, việc các địa phương nỗ lực vượt khó để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em trên địa bàn rất đáng hoan nghênh. Không chỉ linh hoạt vận dụng các chính sách, nhiều địa phương còn vận động phụ huynh đóng góp, các mạnh thường quân hỗ trợ xây phòng học và bếp ăn như Trường Mẫu giáo xã Mỹ Phong và Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) do Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Đại Thành (TP Hồ Chí Minh) tài trợ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy nhận định, tỉnh ta sẽ về đích phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nhưng mục đích cao hơn là giúp trẻ 5 tuổi tăng cường thể chất, trí tuệ, đặc biệt trẻ dân tộc thiểu số làm quen với tiếng Việt, để vững vàng bước vào lớp 1. Bậc học mầm non lâu nay vốn bị xem nhẹ; sự quan tâm, đầu tư còn nhỏ giọt. Trong khi chờ tỉnh rót ngân sách về để xây những bếp ăn một chiều, đúng chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, nỗ lực gỡ khó của các địa phương như một số huyện, xã đã làm, rất cần được học tập và nhân rộng.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Năm 2013, tuyển chọn, gọi 2.900 thanh niên nhập ngũ  (17/12/2012)
Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (17/12/2012)
Đảng viên là lực lượng nòng cốt  (17/12/2012)
Hạt nhân chính trị lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả  (17/12/2012)
Thí điểm dạy bằng tiếng Anh trong trường đại học  (17/12/2012)
Việt Nam dự hội nghị về phong trào cộng sản quốc tế  (17/12/2012)
Đơn vị chủ quản đang cố gắng khắc phục tiếng ồn  (16/12/2012)
Thắp sáng phong trào nhờ dồi dào kinh phí  (15/12/2012)
Những ngôi nhà nghĩa tình  (15/12/2012)
“Mọi việc đều phải có sự đồng thuận của nhiều người”  (15/12/2012)
Khám bệnh, cấp thuốc cho đối tượng chính sách, người nghèo  (15/12/2012)
Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế khu vực biên giới biển  (15/12/2012)
Chung sức xây dựng nông thôn mới  (15/12/2012)
Nỗ lực dạy tốt, học tốt  (14/12/2012)
Sẽ đề ra hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể   (14/12/2012)