Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (12.1972-12.2012)
Bi tráng và hào hùng
19:31', 20/12/ 2012 (GMT+7)

40 năm trôi qua, những ký ức, nỗi đau về trận chiến Mỹ rải thảm B52 xuống Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như một vết thương chưa khép miệng. Tại Bình Định, chúng tôi đã gặp những nhân chứng đồng thời là nạn nhân của trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

 

Bà Cháu lấy ngày 19.12 hàng năm làm ngày giỗ của hai con.

- Trong ảnh: Bà cháu chuẩn bị mâm cơm cúng.

 

“Mẹ về trễ, con ở nhà...” 

40 năm qua, bà Trương Thị Cháu, 80 tuổi, ở khu tập thể Liên cơ (KV 9, phường Lê Lợi, Quy Nhơn), vẫn còn nhớ như in câu bà dặn con vào sáng 19.12.1972, trước khi dắt xe đạp ra khỏi nhà: “Hôm nay mẹ có việc về Hải Dương. Mẹ về trễ, con nhớ tắm rửa, thay quần áo cho em hộ mẹ”.

Nguyễn Hùng Linh, tên người con trai đầu của bà Cháu khi ấy mới 14 tuổi, học lớp 8. Em trai Linh tên Nguyễn Hùng Quang, 11 tuổi, học lớp 6. Vợ chồng bà Cháu quê gốc Huế nhưng công tác tại Vĩnh Linh. Năm 1968, chồng bà Cháu hy sinh; bà đưa các con về sơ tán ở Thanh Hóa, còn mình ra Hà Nội công tác tại Bệnh viện Đường sắt Gia Lâm. Năm 1972, có tiên

đoán rằng Mỹ sẽ đánh ác liệt vùng Thanh Hóa, bà vội đưa hai con lên Hà Nội. Ba mẹ con ở tạm tại nhà thông gia ở khu dân cư Cầu Chui, gần Sân bay Gia Lâm.

Về Hải Dương, bỗng dưng bà Cháu thấy nóng ruột lạ thường, cả đêm trằn trọc không ngủ. Khoảng 2 giờ sáng, bà nghe một loạt bom rền từ Hà Nội vọng về. Lòng như lửa đốt, chưa đầy 4 giờ sáng, bà dậy đạp xe về Hà Nội. Về đến ngõ, bà ngất đi khi thấy cảnh tượng bày ra trước mắt. Căn hầm trú ẩn chữ A duy nhất của cả xóm bị san phẳng. Trong hầm có 7 đứa trẻ: 2 người con của bà Cháu, 3 người con của nhà thông gia và 2 đứa con của người có căn hầm”.

Sau này, bà Cháu gá nghĩa với một cán bộ tập kết, có một con trai. Sau năm 1975, bà theo chồng về Bình Định. Năm 1987, đích thân chồng, con của bà Cháu ra Hà Nội cải táng, mang tro cốt hai người con trai về lập bàn thờ tại gia đình. Đôi mắt người mẹ nhòa lệ khi nhắc lại những lời trong thư con trai út viết cho mẹ khi đi sơ tán, và nhắc đi nhắc lại tâm nguyện của mình: “Khi tôi về với đất, các con tôi sẽ được chôn cùng mẹ… ”  

 

Mắt bà Trương Thị Cháu mờ lệ khi kể lại câu chuyện thương tâm về 2 người con trai, xảy ra vào sáng 20.12.1972.

 

Chưa thôi hy vọng tìm lại gốc tích 

42 tuổi, không một mảnh ký ức về người thân ruột thịt, còn chăng, chỉ là những gợi nhớ mong manh qua câu chuyện kể của người vú nuôi trước lúc lâm chung. Vậy nhưng, chị Hồ Thị Minh Thủy (KV 5, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) vẫn nuôi niềm hy vọng mong manh: “Có khi nào tôi tìm lại được người thân của mình? Tôi chỉ nghe kể lại rằng quê gốc của bố mẹ tôi ở Hải Phòng, lên Hà Nội lập nghiệp, nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội”.

Chị Thủy là nạn nhân của chiến tranh trong đợt Mỹ trút bom xuống phố Khâm Thiên vào đêm 26.12.1972. Cả gia đình gồm bố mẹ, và ba anh chị đều bị chết thảm dưới làn mưa bom. Chị Thủy may mắn sống sót bởi khi ấy đang nằm tại Bệnh viện Bạch Mai, được người vú nuôi của gia đình săn sóc. Nhà mất, người thân không còn, không nỡ bỏ đứa trẻ côi cút, người vú nuôi đã đưa chị Thủy về sống cùng với mình tại một cô nhi viện ở Hà Nội. Khi chị Thủy được 5 tuổi thì bà vú đau nặng. “Trước lúc lâm chung, bà đã kể lại toàn bộ sự việc cho tôi nghe. Tôi không nhớ được tên bà vú, hay tên bố mẹ ruột của mình. Tôi chỉ nhớ được những sự việc chung chung như thế…”- chị Thủy kể. Sau này, chị được một cặp vợ chồng người Bình Định tập kết không con nhận làm con nuôi, và được cha mẹ nuôi đặt tên như bây giờ.

Chị Thủy cũng cho biết thêm, cách đây khoảng 15 năm, có một người ở ngoài Bắc đến gặp mẹ nuôi chị để dò hỏi tung tích của đứa cháu bị thất lạc, nhưng đã bị từ chối. Mãi cho đến sau này, mẹ nuôi mới kể lại sự việc cho chị Thủy nghe. Bà cũng không lưu lại địa chỉ, tên tuổi của người đến tìm kiếm. 

“Giờ tôi cũng chẳng biết đâu mà lần ra gốc tích dòng họ. Có lẽ, tôi chỉ nên trông chờ vào sự huyền diệu của số phận mà thôi…”- chị Thủy tâm sự. Hiện manh mối duy nhất về người thân ruột thịt của chị là hai tấm ảnh cha mẹ đã cũ mục mà người vú nuôi trao lại trước khi mất.

 

Vợ chồng ông  Đặng Văn Hảo và  bà Cao Thị Vinh xem lại ảnh cưới của mình- lễ cưới được tổ chức trước một ngày B-52 đánh bom vào Hà Nội.

 

Cưới nhau trong lửa đạn

40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của trung tá Đặng Văn Hảo (70 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), vẫn hằn in những ám ảnh về trận không chiến ác liệt 12 ngày đêm ở Hà Nội. Thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ông Hảo là sĩ quan dẫn đường máy bay chiến đấu của Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) đóng quân ở Sân bay Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ngày 16.12.1972, ông được cấp trên cho nghỉ phép về Hà Nội cưới vợ. Lễ cưới được tổ chức ngày 17.12, diễn ra nhanh chóng, chỉ có ít người thân và bạn bè đến dự vì chiến dịch đánh bom của Mỹ xuống Hà Nội đã cận kề.

Đêm 18.12, đợt đánh phá đầu tiên của B-52 Mỹ xuống Hà Nội bắt đầu, làm rung chuyển cả thành phố. Mỗi đợt bom dội, ông và vợ mới cưới lại nấp dưới gầm cầu thang, hết đợt lại chui ra. Dù chưa hết phép nhưng biết đơn vị đang cần đến mình, nên mới sáng sớm ngày 19.12, ông Hảo tạm biệt vợ đạp xe về đơn vị để tham gia chiến đấu. Dọc đường, tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát do đợt bom đầu tiên mà B-52 Mỹ dội xuống, lòng căm thù dâng trào, ông phăm phăm đạp xe một mạch hơn 60km không biết mệt. Về đến đơn vị, ngay lập tức ông bắt tay vào dọn lại đường băng, trực dẫn đường cho các phi đội chờ lệnh xuất kích làm nhiệm vụ.

Vợ ông, bà Cao Thị Vinh (66 tuổi), ngồi bên chồng, tiếp nối câu chuyện: “Thời điểm đó, tôi là nhân viên của Nhà máy sửa chữa ô tô Hà Nội, được biên chế vào đội dân quân tự vệ tham gia bảo vệ Nhà máy trong 12 ngày đêm Mỹ dội bom xuống Hà Nội”.

Chiến tranh ác liệt là vậy, nhưng bà Vinh kể, mọi hoạt động những khu vực Hà Nội không bị trúng bom vẫn diễn ra bình thường. Sáng, với chiếc mũ rơm trên đầu, bà vẫn đạp xe đến nhà máy làm việc bình thường. Người Hà Nội lúc đó vẫn bình tĩnh, không chút lo sợ. Trước mỗi đợt Mỹ đánh bom đều có thông báo trước, người dân lại chui xuống hầm trú ẩn.

  • HOÀNG MINH- NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chỉ có 20 doanh nghiệp báo cáo tiền lương, thu nhập, thưởng Tết  (20/12/2012)
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam  (20/12/2012)
Bế mạc Đại hội Hội Cựu chiến binh Việt Nam  (20/12/2012)
Phải thi viết ba môn  (20/12/2012)
Đẩy mạnh công tác thừa kế, nghiên cứu ứng dụng y học cổ truyền  (19/12/2012)
Tổng kết công tác truyền thanh - truyền hình năm 2012  (19/12/2012)
Sở Y tế tỉnh Chăm Pa Sắc (Lào) thăm, làm việc tại Bình Định  (19/12/2012)
Bàn giải pháp hoàn thiện pháp luật về hộ tịch  (19/12/2012)
Gặp mặt người có uy tín, già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số  (19/12/2012)
Dự phòng và chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ  (19/12/2012)
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ   (19/12/2012)
Học sinh phát triển trí tuệ sớm được "nhảy cóc" lớp học  (19/12/2012)
Người thương binh giàu nghị lực  (19/12/2012)
Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động  (18/12/2012)
Kỷ niệm 20 năm thành lập Đảng ủy khối DN tỉnh  (18/12/2012)