Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2012)
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam huyền thoại
16:25', 22/12/ 2012 (GMT+7)

* Phan Văn Khải
(Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ)

Hôm nay - ngày 22.12.2012, với niềm vui vô hạn, chúng ta hướng về huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để đón mừng một sự kiện lịch sử đáng tự hào. Nhà nước cấp bằng công nhận “di tích quốc gia đặc biệt” cho Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong một buổi lễ được tổ chức trọng thể tại chiến khu xưa.

Trong 15 năm, tính từ khi bùng phát ngọn lửa cao trào Đồng khởi đến ngày thống nhất đất nước, cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã đứng chân vững chắc tại Bắc Tây Ninh thuộc vùng rừng núi miền Đông Nam bộ.

Đại hội Chiến sĩ thi đua Văn phòng Trung ương Cục miền Nam năm 1969. Ảnh: Tư Liệu

Căn cứ Trung ương Cục đã đi vào lịch sử với cái biệt danh bất diệt là “R”. Đối với đảng viên, cán bộ và chiến sĩ ta, hai chữ “Về R” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa thiêng liêng. “Về R” có nghĩa là về vùng “đất thánh cách mạng” trong những năm tháng không thể nào quên.

Căn cứ Trung ương Cục chẳng những đã đem lại niềm tự hào, kiêu hãnh cho nhân dân ta mà còn gây ra sự khiếp đảm cho kẻ thù. Những tướng lĩnh Mỹ trên chiến trường miền Nam nước ta trước đây, đã từng gọi căn cứ Trung ương Cục là “Nhà Trắng và Lầu Năm góc của Việt cộng giữa rừng già”.

Căn cứ Trung ương Cục còn lan tỏa ảnh hưởng và sức hấp dẫn mạnh mẽ của mình đối với hàng trăm triệu người yêu chuộng hòa bình, công lý trên trái đất. Trong những năm 1965 - 1967, nhiều ký giả và nhà văn quốc tế đã từng đến thăm căn cứ địa huyền thoại này như: Phóng viên báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, phái đoàn báo chí - nhiếp ảnh - truyền hình Trung Quốc, nhà báo Úc - W. Burchett, nhà báo Pháp - M. Riffaud, phóng viên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhà văn Ba Lan - Monika, phái đoàn báo chí Triều Tiên, phái đoàn báo chí Cuba... Sau khi về nước, họ đã viết nhiều cuốn sách và những thiên phóng sự rực lửa chiến trường.

Bộ máy của cơ quan Trung ương Cục và các đơn vị trực thuộc trong những tháng năm kháng chiến có quy mô bề thế. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên khoảng trên dưới 500 người khi mới thành lập tại vùng rừng núi Mã Đà vào năm 1961, đến năm 1969 đã lên tới 7.357 người và 24 cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Toàn bộ cơ quan Trung ương Cục và các đơn vị trực thuộc được phân bố trú đóng trong một khu vực có đường kính khoảng 8km. Vùng rừng núi thiêng liêng này nay thuộc địa phận huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là nơi đã từng chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại, nơi sống và làm việc trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của các nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, của những nhà hoạt động chính trị - xã hội và những nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng. Suối Nhung, suối Linh gắn với tên đồng chí Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh; suối Mây, “núi Đất” gắn với tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; suối Tiên Cô, Rùm Đuôn, Chàng Riệc gắn với tên đồng chí Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng; suối Chò, trảng A Lân gắn với tên Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát...

Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, Mặt trận Dân tộc giải phóng, Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ hòa bình, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... đều ra đời tại vùng đất thiêng liêng này. Đây là nơi tổ chức thành công 15 cuộc hội nghị Trung ương Cục, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng, Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua, Đại hội đại biểu quốc dân toàn Miền... và nhiều cuộc hội nghị chuyên đề quan trọng khác như: hội nghị chiến tranh du kích, hội nghị bàn về an ninh, hội nghị tổng kết công tác dân vận - mặt trận, hội nghị tổng kết công tác chống phá ấp chiến lược... Đây còn là nơi phát động sôi nổi các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Thi đua tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Thi đua đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”...

Sự tồn tại, phát triển và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của căn cứ Trung ương Cục về phương diện đối nội cũng như đối ngoại luôn luôn là mối lo lắng hàng đầu ám ảnh kẻ thù chúng ta. Vì vậy, quân Mỹ - ngụy coi việc triệt tiêu Chiến khu Bắc Tây Ninh và đại bản doanh Trung ương Cục là nhiệm vụ sinh tử của chúng trên chiến trường. Ngay trong những năm đầu thập niên 60, khi căn cứ Trung ương Cục mới thiết lập tại vùng rừng núi Bắc Tây Ninh, chúng ta đã phải đương đầu quyết liệt với hoạt động gián điệp, biệt kích và các cuộc hành quân của địch vào căn cứ. Đặc biệt, trong hai cuộc phản công mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, bọn Mỹ - ngụy đã mở rộng quy mô và gia tăng cường độ các cuộc hành quân trên bộ lớn nhất trên chiến trường (như cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti) và liên tục sử dụng máy bay B52 với mật độ cao nhất để ngày đêm ném bom hủy diệt căn cứ địa của ta.

Để đối phó với những âm mưu thủ đoạn của địch trong việc đánh phá ác liệt vào Chiến khu Bắc Tây Ninh, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã vạch ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm củng cố, phát triển căn cứ địa, trên cơ sở thực hiện đồng bộ cả 3 nhiệm vụ quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế. Theo đó, nhiều cuộc hội nghị chuyên đề về an ninh đã được tổ chức. Ban An toàn khu, Ban An ninh vũ trang, những cụm, xã chiến đấu trong các cơ quan quân Dân - Chính - Đảng trực thuộc Trung ương Cục và huyện căn cứ Miền đã được thành lập cùng với các đội du kích cơ quan, những tổ săn máy bay, diệt cơ giới... Nhiều kế hoạch thực hiện quân sự hóa cơ quan, chống phi pháo, chống thám báo, trinh sát, do thám, biệt kích, gián điệp được vạch ra. Các quy định về việc bảo mật phòng gian đã được quy định chặt chẽ như: “đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe tiếng, không để lộ ánh đèn, không có gà gáy, heo kêu, cấm hẳn việc nuôi chó...”.

Chính vì công tác bảo vệ căn cứ đã được tổ chức thực hiện chặt chẽ, có nề nếp, nên chỉ tính riêng trong cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti - cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của địch đánh vào căn cứ ta giữa mùa khô 1966 - 1967, 5.000 du kích cơ quan của các đơn vị trực thuộc Trung ương Cục đã cùng bộ đội địa phương tiêu diệt được 6.619 tên địch, 434 xe, 118 máy bay và 8 khẩu pháo.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa về mặt kinh tế để góp phần làm giảm nhẹ khó khăn trong cung cấp hậu cần, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Cục đã cố gắng huy động nhân vật lực tại chỗ để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ tính riêng Văn phòng Trung ương Cục trong những năm 1964 - 1965 đã tăng gia sản xuất được 20 tấn lúa. Nếu tính gộp cả khoai mì và bắp, đã thực hiện được việc tự túc 3 tháng lương thực.

Hơn 15 năm tồn tại, căn cứ Bắc Tây Ninh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình. Nó đã kiến tạo nên địa bàn đứng chân vững chắc cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh phi Mỹ hóa và Việt Nam hóa” đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Chính nơi đây, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng ta, Trung ương Cục miền Nam đã thiết lập được bộ máy lãnh đạo đầu não; xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; tổ chức và chỉ đạo các chiến dịch quân sự, các trận đánh lớn; tiến hành nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ của cuộc chiến tranh nhân dân như: kết hợp phương pháp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, đồng khởi, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật “trực thăng vận”, “chiến xa vận”, chống bình định, xây dựng căn cứ địa và hậu phương kháng chiến...

Trong thời gian chiến tranh, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng chỉ rõ “Chiến khu Bắc Tây Ninh đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp. Từ căn cứ này, quân chủ lực ta tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây và trên chiến trường Nam bộ”.

Sự kết thúc toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh 37 năm trước đây, đã chứng minh hùng hồn tính chính xác trong tư duy lý luận sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn. Nó đã vén lên bức màn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để cho chúng ta sáng tỏ được những điều sự thật và huyền thoại của căn cứ Trung ương Cục ở chiến khu Bắc Tây Ninh.

. Theo SGGPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đại hội Thi đua quyết thắng BĐBP tỉnh giai đoạn 2009-2012  (21/12/2012)
Gặp mặt nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (21/12/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Quy Nhơn   (21/12/2012)
10 suất học bổng đào tạo nhân viên quản lý mạng cho học sinh nghèo  (21/12/2012)
Một cô giáo nỗ lực vượt khó   (21/12/2012)
Chuyện về những “người thầy mặc áo lính”  (21/12/2012)
Tổng kết công tác năm 2012  (21/12/2012)
Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm   (21/12/2012)
Cấm vòng hoa, vàng mã ở lễ tang cán bộ, công chức  (21/12/2012)
Bộ Chính trị cho ý kiến tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX  (21/12/2012)
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì  (21/12/2012)
Phó Chủ tịch tỉnh Mai Thanh Thắng thăm, chúc mừng các tổ chức và các vị chức sắc tôn giáo  (20/12/2012)
Tổ chức Hội nghị Hiệp đồng giao nhận quân  (20/12/2012)
Bi tráng và hào hùng  (20/12/2012)
Chỉ có 20 doanh nghiệp báo cáo tiền lương, thu nhập, thưởng Tết  (20/12/2012)