Hạnh phúc đã mỉm cười
22:17', 22/12/ 2012 (GMT+7)

Ðó là một đám cưới đặc biệt. Chú rể không nhìn thấy mặt cô dâu, còn cô dâu cũng chỉ loáng thoáng nhận ra khuôn mặt của chú rể với những đường nét mờ nhạt. Nhưng có hề chi, bởi bà con, bè bạn vẫn râm ran chúc họ hạnh phúc trăm năm.

Ngày 18.12 (tức 6.11 năm Nhâm Thìn), lễ cưới của Bùi Minh Ngọc và Phan Thị Như Diệu chính thức được tổ chức tại nhà trai ở thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn. Đám cưới của họ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả chính quyền và người dân địa phương. Từ Quy Nhơn, Hội Người mù tỉnh thuê taxi đưa hội viên ra chung vui. Các cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thị xã An Nhơn cũng dành thời gian đến chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ.   

 

Anh Nguyễn Hùng Thanh trao nhẫn cho vợ chồng Ngọc - Diệu.

“Đến nhà mình rồi đó em!”

Xóm nhỏ rộn rã hẳn lên khi hai chiếc xe rước dâu về đến nơi. Xuống xe, cô dâu đã bám rịt lấy tay chú rể. Bùi Minh Ngọc nhoẻn cười, cứ thế dắt tay vợ dẫn đi, bởi đó là con đường quen thuộc dẫn vào nhà anh. Gần đến cổng, anh nói nhỏ, nghe chừng như reo vui: “Đến nhà mình rồi đó em! Em có thấy ảnh cưới để trước ngõ không?”. Diệu lắc đầu bẽn lẽn, mà quên mất rằng Ngọc chẳng thể nhìn thấy điều đó. Suốt thời gian tiến hành các nghi lễ, cô dâu cứ bám chặt lấy tay trái của chú rể. Chú rể lại được người nhà cầm tay dắt đi…

Những nghi lễ được tiết giảm đến mức tối thiểu. Nhưng những tâm sự của bác Hai chú rể thì cứ lan man. Ông nắm chặt tay Ngọc, mắt đỏ hoe: “Sinh con ra, chẳng cha mẹ nào nghĩ rồi có ngày con mình bị như thế. Dù vậy, cháu đã cố gắng để tự lo cho mình, rồi có được ngày vui hôm nay, đó là niềm hạnh phúc vô cùng đối với người thân. Hai cháu phải cố gắng xây dựng hạnh phúc, nhé!”.

Đám cưới hôm ấy có những vị khách thật đặc biệt. Vui niềm vui của những người đồng cảnh ngộ, họ trêu: “Cô dâu đẹp quá, đẹp quá đi!”. Trêu là trêu thế thôi, chứ họ chẳng thể biết cô dâu mặc áo màu gì nữa là…

Đại diện Hội Người mù tỉnh, anh Nguyễn Hùng Thanh, Phó chủ tịch Hội, lên tặng nhẫn cho cô dâu chú rể. Anh nói, niềm vui của Ngọc, của Diệu cũng là niềm vui chung của những người khiếm thị. Rồi anh hát tặng hai người em bài hát “Chân tình”. Chú rể cũng cao hứng, mấp máy hát theo. Niềm vui cứ thế lan ra, bình dị mà thân thương.

Ai cũng có quyền được hạnh phúc 

Lúc gần đến giờ làm lễ đón dâu, người anh lớn của Ngọc cứ bồn chồn bước tới bước lui nơi đầu ngõ. Để lo cho đám cưới của em trai, anh phải thu xếp đưa gia đình từ đảo Phú Quý (Bình Thuận) về quê từ một tuần trước. Anh trầm ngâm: “Trong 6 anh em, mọi người dành tình thương yêu nhiều nhất cho Ngọc. Năm học lớp 4, Ngọc bị một cái mụt gần mắt trái, gia đình đưa đi mổ, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không tái khám định kỳ. Hai mắt Ngọc cứ thế mờ đi, rồi mù hẳn. Cứ tưởng em nó sẽ mãi quanh quẩn ở nhà, giờ thấy em đi làm, rồi cưới vợ, vui chẳng biết để đâu cho hết!”.

Theo anh Nguyễn Hùng Thanh, Minh Ngọc - Như Diệu đã là cặp vợ chồng khiếm thị thứ 10 được tác hợp qua kênh Hội Người mù tỉnh. Phần lớn các cặp vợ chồng khiếm thị đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Nói như Minh Ngọc, khi đã yêu nhau, người ta sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn. Vì thế, dù không nhìn thấy ánh sáng, mọi người vẫn cứ hãy mạnh dạn đến với nhau.

So với Ngọc, gia đình Diệu “hoàn cảnh” hơn nhiều. Cha mất sớm, cảnh nhà càng khó khăn. Niềm an ủi duy nhất dành cho Diệu là dù bị mù bẩm sinh, Diệu vẫn còn có thể lờ mờ nhìn thấy khuôn mặt người thân và thế giới xung quanh.

Những ngày còn ở nhà, Ngọc cũng như Diệu đều tham gia nuôi heo, làm ruộng. Dù vậy, cả hai đều muốn được học một nghề gì đó để tự lo cho bản thân. Rồi điều ước đó cũng thành hiện thực, hai người được Hội Người mù tỉnh cho tham gia khóa học nghề massage và học chữ Braille.  

Trong thời gian tham gia khóa học, Ngọc và Diệu đều rất tích cực, siêng năng, cùng trao đổi, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm với nhau. “Dần dần chúng tôi xích lại gần nhau hơn, tình yêu thật sự đến và quyết định gắn bó với nhau. Dù biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tình yêu đã cho chúng tôi sức mạnh. Rồi chúng tôi sẽ có những đứa con, cùng làm việc lo toan cho cuộc sống”, Ngọc quả quyết.

Trước ngày cưới của họ không lâu, trong lần tôi đến thăm cơ sở massage của anh Nguyễn Hùng Thanh, Ngọc từng không ngại ngần chia sẻ dự định về tương lai. Họ sẽ chung tay mở một phòng massage nho nhỏ ở khu vực chợ Bình Định. Họ sẽ nắm chắc tay nhau trên đường mưu sinh, xây dựng cuộc sống mới… 

* * *

Lâu nay, người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, không phải ai cũng có được tình yêu đôi lứa. Những đám cưới rực rỡ áo đẹp hoa tươi càng xa vời hơn. Cuộc sống gian nan đã cản ngăn họ tìm đến hạnh phúc và đôi khi đơn giản chỉ vì họ tự ti, mất lòng tin vào cuộc sống.

Rời đám cưới của đôi vợ chồng khiếm thị ấy, bên tai tôi vẫn nhớ mãi lời nhắn gửi của họ: “Chúng tôi mong rằng tình yêu thật sự sẽ đến với những trái tim còn cô đơn”.

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2013  (22/12/2012)
Bình Định cần rà soát lại nhiệm vụ phát triển kinh tế để phát huy hết tiềm năng, lợi thế  (22/12/2012)
Vân Canh tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”  (22/12/2012)
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng các tổ chức tôn giáo  (22/12/2012)
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam huyền thoại  (22/12/2012)
Đại hội Thi đua quyết thắng BĐBP tỉnh giai đoạn 2009-2012  (21/12/2012)
Gặp mặt nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (21/12/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Quy Nhơn   (21/12/2012)
10 suất học bổng đào tạo nhân viên quản lý mạng cho học sinh nghèo  (21/12/2012)
Một cô giáo nỗ lực vượt khó   (21/12/2012)
Chuyện về những “người thầy mặc áo lính”  (21/12/2012)
Tổng kết công tác năm 2012  (21/12/2012)
Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm   (21/12/2012)
Cấm vòng hoa, vàng mã ở lễ tang cán bộ, công chức  (21/12/2012)
Bộ Chính trị cho ý kiến tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX  (21/12/2012)