Tiếp sức… niềm tin
19:24', 24/12/ 2012 (GMT+7)

Thật khó để nói hết lòng biết ơn chân thành của những bệnh nhân phong nghèo đã và đang tham gia mô hình “Ðoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất”, do các nữ tu Dòng Phan Sinh thừa sai Ðức Mẹ thực hiện ở Giáo xứ Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Những đồng vốn nhỏ nhưng đã góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, tiếp thêm cho họ niềm tin để dựng xây cuộc sống.

Mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” ra đời gần 20 năm trước, do xơ Phan Thị Thúy Hằng khởi xướng. Xơ Hằng từng học ngành xã hội học ở TP Hồ Chí Minh, là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động xã hội. Nhiều lần đi thăm bà con bệnh nhân phong, xơ Hằng được nhiều người bày tỏ ước ao có vốn liếng để mua cá do người dân Quy Hòa đánh bắt để mang ra nội thành Quy Nhơn bán. Số khác thì muốn có vốn để mở quán, sắm lưới, nuôi heo, nuôi vịt...

 

Xơ Nga (phải) thăm hỏi tình hình làm ăn của gia đình chị Long.

Cùng nhau tương trợ

Thấu hiểu nguyện vọng của họ, sau khi tìm kiếm được nguồn tài trợ, xơ Hằng bắt tay ngay vào triển khai mô hình. Xơ tập hợp những bà con có nhu cầu vay vốn lại thành từng nhóm, bố trí cho họ nguồn vốn vay với lãi suất rất thấp. Hằng tháng, người tham gia trả lãi, một phần vốn và khoản quỹ hỗ trợ cho những người tham gia sau này. Chính cách làm này đã góp phần nhân rộng mô hình theo thời gian.

Ban đầu, tham gia mô hình chỉ có 3 nhóm, mỗi nhóm có 10-12 hộ; đến nay đã có 21 nhóm với 260 hộ. Một nửa trong số đó là bệnh nhân làng phong Quy Hòa, nửa còn lại là người nghèo ở khu vực 2, phường Ghềnh Ráng. Số vốn luân chuyển hiện đã trên 215 triệu đồng. Mỗi hộ được vay 2 triệu đồng, hằng tháng phải trả 210 ngàn đồng (bao gồm tiền gốc, tiền lãi và một khoản nhỏ ủng hộ cho Quỹ)cho đến khi hết nợ. Việc thu lãi hằng tháng do nhóm trưởng đảm nhận. Anh Huỳnh Văn Đợi, một nhóm trưởng, cho biết: “Với những hộ nghèo, khi nhận được sự hỗ trợ của các xơ, ai cũng cảm thấy trân trọng. Chúng tôi đều nghĩ rằng mình phải giữ uy tín nên đều cố gắng nộp tiền lãi đúng hẹn, thường thì chỉ 10 tháng là trả xong khoản vay”. 

Theo xơ Hồ Thị Tuyết Nga, một trong những người quản lý nguồn vốn, tuy mức cho vay không cao, nhưng quan trọng là đã động viên mọi người tự tin hơn trong quá trình bươn chải mưu sinh. “Hằng tuần, chúng tôi đều chia nhau đi thăm các gia đình có vay vốn để tìm hiểu hiệu quả mang lại từ đồng vốn hỗ trợ. Với những trường hợp có khó khăn đột xuất, chúng tôi xem xét hỗ trợ khẩn cấp từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Những gia đình đã làm ăn khá hơn, chúng tôi động viên họ rút khỏi nhóm để trao thêm cơ hội cho người khác”, xơ Nga chia sẻ.  

Dựng xây cuộc sống

Cộng đoàn nữ tu Dòng Phan Sinh thừa sai Ðức Mẹ hiện có 17 thành viên. Ngoài mô hình “Ðoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất”, Cộng đoàn còn có nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa. Nổi bật trong đó là tổ chức xe đưa đón học sinh ở làng phong Quy Hòa đi học ở các trường nội thành Quy Nhơn. Các xơ giữ liên lạc thường xuyên với các trường để nắm tình hình học tập và rèn luyện của các em. Trong nhiều trường hợp, các xơ đã đại diện cho phụ huynh học sinh làm việc với nhà trường, từ đó có định hướng giáo dục, giúp đỡ các em.

Sau thời gian chữa bệnh phong ở Quy Hòa, chị Nguyễn Thị Phú Long quyết định không trở về nhà ở Phan Thiết (Bình Thuận). Chị kể, thời ấy người ta còn nhiều ác cảm với bệnh nhân phong, vả lại chị cũng không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Vì thế, từ năm 1981, chị đã gắn bó với làng phong Quy Hòa. Rồi ở chính nơi đây, chị gặp anh Lê Văn Sanh, quê ở Phù Cát, cũng là một người vừa khỏi bệnh phong. Năm 1982, tình yêu đơm hoa kết trái bằng một đám cưới và sau đó là sự ra đời của hai cậu con trai khỏe mạnh.

Nhưng rồi, cuộc sống hằng ngày của gia đình chị Long gặp không ít khó khăn. Được vay vốn từ mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” của các xơ, chị mua lưới để anh đánh cá gần bờ. Những ngày biển động, anh lại đi làm thợ hồ, rồi ai thuê gì làm nấy. “Chính nhờ khoản vốn vay đó mà chúng tôi có tiền mua lưới, thay lưới, nghề biển mang lại thu nhập chính cho gia đình. Tôi bắt đầu được vay từ khi khoản vay chỉ là 500 ngàn, nâng lên 1 triệu đồng, rồi 2 triệu đồng như bây giờ. Thật sự, nếu không có sự giúp đỡ ấy, gia đình tôi chẳng biết xoay xở thế nào”, chị Long tâm sự.

Giờ, con trai lớn của chị Long đã học xong cao đẳng, có gia đình và việc làm ổn định. Cậu con trai út đang học lớp 10 của Trường THPT Quốc Học (Quy Nhơn). Chị bảo, gian khổ thì không thể tránh, chỉ mong con cái được ăn học nên người.

Cũng như gia đình chị Long, nguồn vốn vay của mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” đã giúp vợ chồng anh Huỳnh Văn Đợi tìm được kế sinh nhai. Anh Đợi bị bệnh phong nặng, vào định cư ở làng phong Quy Hòa từ năm 1996, hiện giờ vẫn điều trị thường xuyên. Cả hai chân đều là chân giả, nhưng anh vẫn cố gắng đỡ đần vợ việc nhà. Anh bộc bạch: “Từ khoản vốn vay, vợ chồng tôi mới mở được quán bún, tạo thu nhập để nuôi sống cả gia đình. Thật sự, chẳng biết làm gì để cảm ơn các xơ!”. 

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cứu nạn thành công một tàu cá Bình Định  (24/12/2012)
Một cách làm hiệu quả  (23/12/2012)
Tổng kết công tác bảo vệ an toàn căn cứ sân bay Phù Cát  (23/12/2012)
Vân Canh tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”  (23/12/2012)
64 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề  (23/12/2012)
Thăm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho đồng bào nghèo  (23/12/2012)
Hạnh phúc đã mỉm cười  (22/12/2012)
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2013  (22/12/2012)
Bình Định cần rà soát lại nhiệm vụ phát triển kinh tế để phát huy hết tiềm năng, lợi thế  (22/12/2012)
Vân Canh tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”  (22/12/2012)
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, chúc mừng các tổ chức tôn giáo  (22/12/2012)
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam huyền thoại  (22/12/2012)
Đại hội Thi đua quyết thắng BĐBP tỉnh giai đoạn 2009-2012  (21/12/2012)
Gặp mặt nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  (21/12/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Quy Nhơn   (21/12/2012)