Sau rất nhiều nỗ lực, Trường Mầm non xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) đã trở thành trường mầm non đầu tiên ở tỉnh ta dạy bán trú cho trẻ em người dân tộc thiểu số từ 13 tháng đến 5 tuổi.
Tự bao đời, các mí, các mế dân tộc Bana ở Vĩnh Thạnh không bao giờ rời trẻ nhỏ của cháu mình nửa bước. Ông Đinh Y Nam, nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Hình ảnh những phụ nữ Bana địu con sau lưng khi trỉa bắp trên nương, cả khi giã gạo ở nhà rông đã trở nên rất quen thuộc, vì các bà mẹ luôn muốn giữ con bên mình, nhất là con mới 1, 2 tuổi. Thời xưa thì họ sợ giặc giã, loạn lạc, sợ thú dữ; thời nay thì sợ con ốm đau không ai chăm sóc”.
|
Giờ ra chơi của học sinh Trường Mầm non Vĩnh Thuận. |
Thay đổi thói quen
Đó chính là lý do khiến nhiều trường mầm non chưa thể tổ chức dạy bán trú cho trẻ là người dân tộc thiểu số dù việc này rất cần thiết để hạn chế tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thuận, nhớ lại: “Tháng 7.2009, Trường được khánh thành đưa vào sử dụng. Để tuyển sinh, cán bộ giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số trẻ trong độ tuổi mầm non và tổ chức đoàn đi về cả 8 làng trong xã, đến từng nhà, kiên trì vận động họ đưa con đến trường. Kết quả, sau 2 tháng đã có 110 trẻ từ 25 tháng tuổi đến 5 tuổi trên địa bàn xã đi học”.
Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó. Cô Hiền kể tiếp: “Đồng bào cho con đi học mà trong bụng còn lo. Một vài tuần đầu, họ đứng cả buổi ngoài lớp, trẻ cứ nhấp nha nhấp nhổm muốn về. Có trẻ nhớ mẹ trốn lớp tự đi về nhà. Rồi chuyện phụ huynh thắc mắc về khẩu phần ăn, về sữa giúp trẻ cao lớn, ăn nhiều, ngủ ngon... Tất tần tật mọi thứ phải công khai, minh bạch, giải thích rõ ràng”.
Đến nay, Trường Mầm non Vĩnh Thuận vẫn duy trì hoạt động của Ban kiểm tra thực phẩm, gồm đại diện phụ huynh các lớp, cô giáo, cấp dưỡng, ban giám hiệu. Thực đơn được đề ra hằng tháng với đầy đủ dưỡng chất, phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi. Cô Hiền đúc kết: “Với bà con dân tộc thiểu số, muốn lấy lòng tin của họ phải thực hiện mọi việc công bằng và thực chất. Sau một vài năm đầu vất vả, chính chất lượng nuôi dạy trẻ của nhà trường đã thuyết phục thành công những bà mẹ kỹ tính nhất”.
Cho trẻ tươi vui, khỏe mạnh
“Năm nào cũng có vài phụ huynh mất mùa, không có tiền nộp tiền ăn cho con, tôi phải ứng lương cho họ mượn để duy trì đều đặn bữa ăn cho trẻ. Có khi đến 4-5 tháng sau, họ thu hoạch vụ mới rồi mới trả lại tôi”.
Bà NGUYỄN THỊ HIỀN, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thuận. |
Trường Mầm non Vĩnh Thuận hôm nay gây ấn tượng từ những dãy nhà mới khang trang, tinh tươm, những cây đại thụ sừng sững giữa sân trường che mát sân chơi cho trẻ và tạo cảm giác an toàn, vững chãi. Tất cả cây xanh trong sân trường đều do phụ huynh mang đến trồng. Phụ huynh cũng tích cực tham gia chăm sóc vườn rau sạch để cải thiện bữa ăn cho trẻ, dọn vệ sinh, làm cỏ quanh khuôn viên trường. Sau năm học đầu tiên phải vận dụng nguồn chi phí hỗ trợ học tập để chi tiền ăn cho trẻ; từ năm học thứ hai, Trường vận động được phụ huynh đóng 80 ngàn đồng tiền ăn, tiền gas, tiền mua nước lọc. Và năm học 2012-2013 này, mức đóng được tăng lên 130 ngàn đồng.
Đến giờ ăn xế, đi dọc dãy hành lang qua các phòng, từng gương mặt bụ bẫm, rạng ngời, đôi môi chúm chím bập bẹ: “Chúng em chào cô”. Từng đến thăm nhiều trường mầm non dạy trẻ dân tộc, nhưng chưa ở đâu tôi thấy trẻ phổng phao, lanh lợi, khỏe mạnh như vậy. Cô Hiền chia sẻ: “Trẻ miền núi sẵn sức đề kháng tốt, được ăn đủ chất, ngủ đủ bữa nên phát triển rất nhanh. Năm học 2011-2012, 95% trên tổng số 131 trẻ đạt tăng trưởng về cân nặng và chiều cao. Bên cạnh đó, nhờ triển khai tốt hoạt động “Mỗi ngày một tiết tiếng Việt”, hầu hết trẻ 5 tuổi của Trường có thể nghe tốt và nói rõ tiếng Việt, vững vàng bước vào lớp Một trong năm học mới”.
Những nỗ lực của Trường Mầm non Vĩnh Thuận sau hơn ba năm xây dựng và phát triển đã được ghi nhận. Mới đây, Sở GD&ĐT đã kiểm tra quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và đang làm tờ trình UBND tỉnh công nhận. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Tiểu học - Mầm non, Sở GD&ĐT, cho biết: “Trường Mầm non Vĩnh Thuận hiện là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện thành công mô hình tổ chức dạy bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Có được điều này là nhờ đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, địa phương và Phòng GD&ĐT quan tâm tạo điều kiện. Mong rằng, mô hình này sẽ được học tập và nhân rộng ra toàn tỉnh”.
|