Hấp dẫn thú chơi ca-nô mô hình
10:48', 30/12/ 2012 (GMT+7)

Hấp dẫn, thích thú là cảm nhận chung của bất cứ ai khi nhìn những chiếc ca-nô mô hình (RC Boats) lướt băng băng trên mặt nước. Xuất hiện ở TP Quy Nhơn hơn 1 năm, thú chơi này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhưng để “đủ điều kiện” tham gia môn chơi tưởng chừng đơn giản này lại không hề dễ.

 

Các thành viên CLB ca-nô mô hình Bình Định chuẩn bị cho cuộc đua.

 

Anh Võ Anh Vinh (46 tuổi, ở TP Quy Nhơn) được cho là người khởi xướng phong trào chơi ca-nô mô hình. Đến nay, CLB ca-nô mô hình Bình Định đã có 10 thành viên. Ban đầu, các thành viên CLB ca-nô mô hình Bình Định thường chọn hồ Bàu Sen (gần đường Nguyễn Tất Thành nối dài) để chơi. Đây là hồ nước ngọt nên không sợ rỉ sét máy móc, nhưng diện tích nhỏ đã ảnh hưởng đến màn trình diễn của các “games thủ”. Bên cạnh đó, trong hồ còn có nhiều rong, tảo nên có thể quấn vào chân vịt gây đứng máy. Hiện nay, CLB “đóng quân” tại “trường lái” gần công viên Bắc Hà Thanh.

“Với ca-nô mô hình, phải là người có ý thức mới chơi được. Có nhiều người đến đặt vấn đề mua ca-nô cho con họ chơi nhưng tôi không bán, vì lý do an toàn”.

Anh VÕ ANH VINH

Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề sửa máy tàu đánh cá, anh Vinh tường tận cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của các loại ca-nô mô hình. Thêm vào đó, sau một thời gian làm quen với máy vi tính, anh đã biết cách lên mạng, tìm kiếm và in tài liệu, kiểu dáng các loại ca-nô mô hình để tự làm. Giá một chiếc ca-nô mô hình trên thị trường khá cao so với túi tiền của những người có thu nhập trung bình; bởi một chiếc thường thường cỡ 5 triệu đồng, còn hàng xịn từ
20 triệu đồng trở lên. Đó là chưa tính bộ điều khiển có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Thời gian đầu, những người chơi ca-nô mô hình ở Quy Nhơn thường dùng máy cắt cỏ loại nhỏ làm động cơ ca-nô (có giá khoảng 800 ngàn đến 1 triệu đồng/chiếc) để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với động cơ này ca-nô chỉ đạt vận tốc tối đa khoảng 40km/h, còn hàng bán nguyên chiếc có thể chạy hơn 80km/h. Dần dà, khi đã bị môn chơi này mê hoặc, các thành viên đều cố gắng “lên đời” cho “con cưng” của mình. Dù vậy, dân chơi ca-nô mô hình ở Quy Nhơn chủ yếu mua linh kiện về độ chế, lắp ráp chứ không mua loại nguyên đai nguyên kiện.

Anh Ngô Vĩnh Khánh, công tác tại Sở NN&PTNT, cho biết: “Thú vị nhất của ca-nô mô hình là đua tốc độ cùng những người khác. Ngoài ra, việc tìm tòi, trao đổi tìm cách phát huy tối đa vận tốc cũng đem lại cảm giác thích thú. Chưa hẳn lúc nào vận tốc của ca-nô cũng tỉ lệ thuận với số tiền mà người chơi bỏ ra, mà cách thức lắp đặt phụ kiện mới là yếu tố quyết định”.

 

Ca-nô mô hình lướt sóng trên mặt hồ.

 

Tuy mới thành lập, nhưng về khoản “độ chế” thì những người chơi ca-nô mô hình ở Bình Định không hề kém cạnh bất kỳ CLB nào trên toàn quốc. “Điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là không thể tiếp cận được những máy cơ khí có độ chính xác cao. Vì vậy, việc chế ra các bộ phận máy móc thường không được như ý, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động của ca-nô”, anh Võ Anh Phong - người em có cùng đam mê với anh Vinh - chia sẻ.

Hầu hết những người quan sát ca-nô mô hình đều thấy đây là môn chơi thú vị, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhưng, loại hình này không phù hợp với đối tượng trẻ em vì những rủi ro, tai nạn có thể gặp phải.

Anh Khánh cho biết: “Ban đầu, chúng tôi chưa có kinh nghiệm điều khiển nên ca-nô hay bị chìm, hoặc tông vô bờ. Việc đưa ca-nô vào bờ để sửa chữa không phải là vấn đề, nhưng với các em nhỏ nhiều khi sợ ca-nô chìm mất, bất chấp nguy hiểm lao ra vớt thì rất dễ bị đuối nước. Bên cạnh đó, khi chơi ca-nô mô hình phải luôn quan sát xung quanh, nếu phát hiện có người ở dưới nước thì phải dừng chơi ngay; bởi ca-nô chạy tốc độ cao, có thể đâm vào người khác. Một tai nạn khác cũng dễ xảy ra khi khởi động, chân vịt quay có thể cứa đứt tay, chân”.

Anh Võ Anh Vinh được coi là thợ máy chính của CLB ca-nô mô hình Bình Định.

Mê các loại đồ chơi mô hình, anh Vinh đã đặt tên quán cà phê của mình trên đường Đống Đa là “Mô hình”. Đây cũng được coi là “đại bản doanh” của các thành viên CLB ca-nô mô hình Bình Định. Lịch sinh hoạt của CLB ca-nô Bình Định thường rơi vào thứ 7, Chủ nhật. Thỉnh thoảng, CLB cũng tổ chức giao lưu với các CLB ở nơi khác để “giới thiệu sản phẩm” và học hỏi thêm.

  • LÊ CƯỜNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm vui xây chợ mới  (30/12/2012)
Ấm áp nghĩa tình đồng đội  (29/12/2012)
624 thanh niên Quy Nhơn có sức khỏe đủ điều kiện nhập ngũ  (29/12/2012)
Ga Diêu Trì tăng cường thêm tàu phục vụ Tết  (29/12/2012)
Kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Bình Định điện tử  (28/12/2012)
Ngôi nhà thứ hai của trẻ  (28/12/2012)
Góp phần đưa chính sách, pháp luật đến với người lao động  (28/12/2012)
Tăng ca cuối năm  (28/12/2012)
Phát huy truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ  (28/12/2012)
Trao nhà tình nghĩa cho 2 gia đình liệt sĩ công an  (28/12/2012)
Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên  (28/12/2012)
10 năm đồng hành cùng bạn đọc  (27/12/2012)
Những người góp sức làm nên thành công của Báo Bình Định  (27/12/2012)
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Tuy Phước  (27/12/2012)
Tuy Phước: Đình chỉ công tác, sinh hoạt Đảng một trung úy công an  (27/12/2012)