Hạn chế kiến thức pháp luật lao động:
Người lao động chịu thiệt
21:11', 6/4/ 2012 (GMT+7)

Phần lớn NLĐ tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn mù mờ về kiến thức pháp luật lao động. Ảnh: N.P

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh... còn rất mù mờ về pháp luật lao động. Chính vì vậy, nhiều quyền lợi chính đáng lẽ ra họ được hưởng đã bị chủ sử dụng lao động “bỏ qua”.

Mù mờ về luật

Hiện nay tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Thế nhưng, việc phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ lại rất hạn chế. Do đó, nhiều quyền lợi của NLĐ đã bị bỏ qua nhưng họ lại không hề hay biết như việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, an toàn môi trường làm việc cho đến việc thành lập tổ chức công đoàn, thực hiện xây dựng và đăng ký thang bảng lương, ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT, BHTN…

Phỏng vấn trực tiếp một số công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài về kiến thức pháp luật lao động, như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH… thì hầu hết NLĐ đều không nắm rõ. Một số ít lao động biết mình bị vi phạm quyền lợi nhưng không biết cụ thể, chi tiết do đó chủ doanh nghiệp tìm cách chối bỏ trách nhiệm.

Chị Nguyễn Thị Lành, công nhân chế biến gỗ đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Tài đã 5 năm nhưng không được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, không được khám sức khỏe định kỳ... Chị Lành thật thà cho biết: “Từ khi được nhận vào làm việc tôi chỉ biết làm công việc được giao, chứ đâu có biết luật lệ yêu cầu vậy đâu”. Những trường hợp như chị Lành khá phổ biến ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong khi đó, lý giải về điều này các chủ sử dụng lao động lại đổ lỗi do công việc không thường xuyên, NLĐ thường xuyên “nhảy” việc nên rất khó thực hiện các chế độ cho họ.

Theo ông Võ Duy Huân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn (LĐLĐ tỉnh), từ đầu năm đến nay, đã có 21 trường hợp lao động thông qua Trung tâm nhờ tư vấn về các quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ bị chủ doanh nghiệp bỏ qua. Nội dung các vụ việc tập trung vào vấn đề tranh chấp về BHXH giữa NLĐ và người sử dụng lao động, cụ thể: Chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ, buộc NLĐ đóng 100% BHXH, nợ BHXH nên không thể giải quyết các chế độ cho NLĐ…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thời gian qua, các cấp công đoàn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động cho NLĐ bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện công tác sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ, một số bộ luật liên quan: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Luật Giao thông, Luật Bình đẳng giới,… Chỉ tính riêng trong năm 2011, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch triển khai “Ngày Pháp luật” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phổ biến kiến thức pháp luật một cách sâu rộng hiệu quả trong NLĐ với 187 buổi sinh hoạt được tổ chức và trên 4.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ tham gia. Tổ chức 7 đợt tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động cho 2.000 công nhân, lao động tại 15 doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch thường trực Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, cho biết, hiện Công đoàn Khu kinh tế đang quản lý 71 công đoàn cơ sở với số lao động dao động từ 16.000 đến 18.500 lao động. Hàng năm, Công đoàn Khu kinh tế đều phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế, BHXH tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền kiến thức pháp luật lao động cho các chủ tịch công đoàn cơ sở, tổ trưởng công đoàn, trưởng phòng tổ chức nhân sự và chủ doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT… Việc tuyên truyền chỉ dừng lại ở những cán bộ công đoàn chứ chưa trực tiếp xuống đến NLĐ. Trong năm 2012, Công đoàn Khu kinh tế có kế hoạch sẽ tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật lao động trực tiếp cho NLĐ, giúp NLĐ biết luật để chấp hành và tự bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm hại.

Ông Chín cho biết: “Để tránh tình trạng tranh chấp, lãn công, đình công không đáng có, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động. Khi NLĐ thấy được những quyền lợi chính đáng của mình, họ sẽ có ý thức hơn trong thực hiện công việc của mình. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật lao động không chỉ dành cho NLĐ mà đối với cả người sử dụng lao động cũng cần phải được phổ biến, bởi họ là người trực tiếp sử dụng lao động, đòi hỏi phải am hiểu rõ luật pháp”.

Hiện nay, việc phổ cập, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho NLĐ đang trở nên bức thiết. Chính vì vậy, cần có sự nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này. Muốn NLĐ nắm rõ pháp luật lao động, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, NLĐ và các ngành chức năng. Có như vậy mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

  • NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lo cho bữa cơm gia đình  (06/04/2012)
Triển khai Kế hoạch giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri  (06/04/2012)
“10 xây, 10 chống” ở Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn  (05/04/2012)
Vực dậy các cơ sở đảng yếu kém  (05/04/2012)
96 ca mắc bệnh tay- chân- miệng  (05/04/2012)
TPHCM và nguy cơ tái hiện trận siêu lũ ở Bangkok  (05/04/2012)
UBND tỉnh họp báo về tình hình KT-XH quý I năm 2012  (04/04/2012)
Tập trung vào lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, đất đai - khoáng sản và an sinh xã hội  (04/04/2012)
Cứu sống bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4  (04/04/2012)
Bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán  (04/04/2012)
Giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Thanh tra tỉnh  (04/04/2012)
Điểm sáng trung du  (03/04/2012)
Thêm 3 thị trường xuất khẩu lao động mới  (03/04/2012)
Cấm đánh bắt hải đặc sản trên vùng biển Bình Thuận  (03/04/2012)
Điều tra tật khúc xạ của học sinh TP Quy Nhơn  (02/04/2012)