|
Một tiết dạy tiếng Anh sử dụng giáo án điện tử tại Trường THPT số 1 Phù Cát. |
Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) là sự tìm tòi, sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy của giáo viên. Hội nghị SKKN do Sở GD-ĐT và Công đoàn ngành vừa phối hợp tổ chức đã trình làng nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm quý; tuy nhiên, hiệu quả của SKKN chỉ được phát huy một khi được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Ghi nhận từ một hội nghị SKKN
Đầu năm học 2011-2012, Công đoàn ngành Giáo dục đã hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức phát động thi đua, hướng dẫn cán bộ, giáo viên của đơn vị đăng ký SKKN, đề tài lao động sáng tạo… Kết quả, trong số hơn 200 đề tài SKKN đăng ký, Hội đồng khoa học ngành đã đánh giá nghiệm thu 125 SKKN cấp ngành và chọn 9 SKKN hay, tiêu biểu để báo cáo.
Với đề tài “Phân tích nét nghĩa tiểu từ của động từ cụm ít mang tính thành ngữ trong tiếng Anh và đối chiếu với nghĩa tiếng Việt tương đương”, cô Võ Thị Thanh Điệp, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), đã đưa ra một công cụ hỗ trợ học sinh trong ghi nhớ nghĩa của động từ cụm. Đề tài giúp học sinh dễ dàng làm bài tập về chọn từ, viết lại câu có chứa động từ cụm và các văn bản đọc hiểu ở trình độ nâng cao.
Còn thầy giáo Lê Huy Hoàng, Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Hoài Nhơn), lại đi sâu vào “Cách khai thác và tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường THPT đạt hiệu quả cao”. Thầy Hoàng đã đưa ra một gợi ý nhằm khai thác có chiều sâu các thông tin về tác giả, tác phẩm trong phần Tiểu dẫn, giúp học sinh chuẩn bị bài ở nhà tốt hơn và giáo viên có thể tổ chức bài giảng hấp dẫn hơn.
Là giáo viên dạy môn Lịch sử ở Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước), thầy giáo Nguyễn Chí Tâm hiểu rõ những khó khăn khi thiếu hụt các loại bản đồ giáo khoa. Trong đề tài “Xây dựng và sử dụng Bản đồ giáo khoa điện tử trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 12 - Chương trình chuẩn”, thầy Tâm đã giới thiệu cách xây dựng bản đồ giáo khoa điện tử trên phần mềm powerpoint, tạo thuận lợi để giáo viên mở rộng kiến thức bài học thông qua những hình ảnh động, âm thanh, phim minh họa… qua đó phát huy tính tích cực, hứng thú, say mê học tập của học sinh.
Nhiều năm phụ trách đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay, thầy giáo Nguyễn Thái Quang, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) đã đúc kết kinh nghiệm trong đề tài “Một số kỹ thuật giải Toán trên máy tính cầm tay”. Thầy Quang cho biết: “Đa số giáo viên tỉnh ta còn thiếu nhiều kỹ năng trong sử dụng máy tính cầm tay để giải Toán, trong khi giáo trình về nội dung này hầu như không có. Vì thế, tôi đi sâu vào cách khai thác tối đa tính ưu việt của từng loại máy tính cầm tay giúp học sinh, giáo viên giải quyết nhanh chóng, chính xác cho từng dạng toán”.
Cần tăng cường phổ biến, ứng dụng
Nhiều SKKN hay được Hội đồng khoa học ngành GD-ĐT và Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá cao, bởi những giá trị thiết thực trong công tác quản lý, giảng dạy. Tuy nhiên, có nhiều băn khoăn qua hội nghị SKKN lần này.
Đó là sự phiến diện trong đầu tư thực hiện SKKN ở các bộ môn. Trong 9 SKKN được chọn đã có đến 4 đề tài của môn Anh văn. Một số cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy bày tỏ quan điểm, việc chọn và chấm các SKKN cần rải đều ra ở các môn học, trong đó quan tâm hơn đến yếu tố vùng miền. Những vùng khó khăn, miền núi còn thiếu thốn đồ dùng dạy học, trình độ chuyên môn của giáo viên còn hạn chế thì càng cần có những SKKN để việc dạy và học được hiệu quả hơn.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm không kém là lâu nay việc phổ biến, ứng dụng các SKKN chưa được chú trọng, dù năm nào ngành cũng đều tổ chức phát động thi đua và tổng kết trao giải. Nhiều ý kiến hiến kế, Sở GD-ĐT nên yêu cầu các trường báo cáo đã áp dụng được SKKN nào vào thực tế quản lý và giảng dạy.
SKKN là sự tìm tòi cách làm mới, phương pháp giảng dạy hiệu quả. Đó là sản phẩm của tâm huyết và kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề. Để viết tốt một SKKN, cán bộ, giáo viên không chỉ có ý tưởng sáng tạo và “rút ruột” mình ra thực hiện, mà còn phải có phương pháp nghiên cứu khoa học. Kỳ công là vậy, nhưng thực tế sự ghi nhận thể hiện qua việc trả thù lao cho mỗi SKKN được trao giải vẫn chưa tương xứng.
|