Tại quán ăn sáng bình dân, một nhóm người lớn đã một phen “đỏ mặt” khi bị một công dân văn minh nhí nhắc nhở vì tội vứt rác bừa bãi. Lấy giấy lau đũa, muỗng xong, theo thói quen, họ tiện tay thả chúng rơi tự do xuống sàn. Cô bé chừng 4 tuổi đang được mẹ đút ăn sáng ở bàn trước mặt liền “chất vấn”: “Sao chú không bỏ rác vào sọt?”. Theo cánh tay cô bé chỉ dưới bàn ăn, sọt rác nằm đó, trống trơn. Trên sàn, giấy lau, tăm, gạt tàn… vương vãi. Bống, tên của công dân nhí văn minh đó, sau khi uống hết hộp sữa Vinamilk, cố gắng với đôi chân ngắn cũn của mình ngoắc ngoắc, kéo kéo sọt rác dưới bàn mình lại gần, bỏ hộp sữa đã uống hết vào đó.
Kể từ khi chứng kiến câu chuyện trên, đi ăn quán nào, tôi cũng để ý xem quán ăn ấy có đặt sọt rác không, đặc biệt là nó có phát huy tác dụng của mình không. Có thể thấy, không kể các nhà hàng, khách sạn, hiện nay nhiều tiệm ăn nhỏ bình dân, kể cả quán cóc vỉa hè, chủ quán đã có ý thức sắm sọt rác, mỗi bàn một cái đặt dưới chân bàn để tiện cho khách và giữ quán xá sạch sẽ. Đáng tiếc là hầu như không nhiều thực khách để ý đến sự hiện diện của nó, do đó công năng của sọt rác tại quán ăn không phát huy được nhiều vì thói quen thả rác xuống sàn của khách. “Mỗi buổi bán phải đợi vãn khách thì mới quét dọn chứ không lẽ có khách đang ăn lại… mang chổi ra quét. Nếu khách chịu khó ngó xuống bàn, để cái sọt rác không bị thất nghiệp thì quán xá tươm tất hơn nhiều”, một chủ hàng ăn sáng nhắn nhủ vậy.
Từ hành động đúng ở điểm nhìn sọt rác trong quán ăn hay sọt rác đặt trên các tuyến đường ngõ phố, công viên, bãi biển…, ý thức văn minh đô thị có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản như thế.
|