|
Khai mạc phiên họp thứ 7 của UBTV Quốc hội. Ảnh: TTX |
Sáng nay, 10.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về các hình thức xử phạt, ông Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng”. Hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” thực chất là hình thức bắt buộc lao động, mà trong điều kiện hiện nay không có tính khả thi. Nếu quy định hình thức xử phạt này thì việc tổ chức thực hiện, quản lý đối tượng rất khó khăn và dễ dẫn đến vi phạm quyền cơ bản của công dân. Hơn nữa, hình thức xử phạt này không phù hợp với Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung hình thức này vào dự thảo Luật.
Liên quan đến mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực UB Pháp luật đưa ra hai phương án. Phương án 1, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Đây là phương án được Thường trực UB Pháp luật ủng hộ. Phương án 2, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng trừ trường hợp quy định tại luật khác.
Không chỉ đồng tình với việc áp dụng trần phạt cao hơn đối với tổ chức, pháp nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn có quan điểm nghiêm khắc hơn. “Phạt 2 tỷ đồng với tổ chức pháp nhân nhiều khi vẫn chưa thấm tháp gì. Đề nghị nghiên cứu quy định mức phạt nặng hơn nữa”, ông nói. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, mức phạt càng cao bao nhiêu thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng dễ xảy ra bấy nhiêu. Cho nên Luật phải thiết kế “chốt chặn” hiện tượng tiêu cực này. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng…
Về quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, theo ông Phan Trung Lý, đa số ý kiến ủng hộ, song cũng có ý kiến không tán thành sự “phân biệt đối xử” này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều cho rằng, việc áp dụng mức phạt trần cao hơn một số trường hợp vi phạm tại khu vực nội đô các thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết, vì tác hại của hành vi vi phạm trong các khu vực đông dân cư này lớn hơn nhiều so với các trường hợp khác. Tuy nhiên, ông Giàu đề nghị bổ sung một số thành phố lớn khác như Nha Trang, Hạ Long, Huế… vào danh sách này mà không chỉ bó hẹp tại 5 thành phố trực thuộc trung ương. Có cùng quan điểm, song Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói thêm: “Cần bổ sung lĩnh vực vi phạm bị phạt nặng hơn trong lĩnh vực môi trường và quản lý đô thị. Ví dụ với môi trường nội đô thì bổ sung thêm hành vi gây ra tiếng ồn, xả thải trái phép hoặc quản lý đô thị thì phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bạo lực gia đình… cần đưa vào diện này”.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quan tâm đến hình thức xử phạt với tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính trong trường hợp tang vật, phương tiện đó không thuộc sở hữu của người vi phạm, cụ thể như đối với hành vi đua xe.
Ông Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm mà không thuộc sở hữu của người vi phạm thì được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
“Chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Do đó, nếu tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được Hiến pháp, pháp luật quy định, đồng thời làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác (cho mượn, cho thuê tài sản)…”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật giải thích, ông Lý cho biết thêm.
Mặc dù vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng, đối với tang vật, phương tiện đó cũng cần phải tịch thu, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng (như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép…), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, để đảm bảo quyền sở hữu về tài sản thì chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phản biện mạnh mẽ đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm. Ông cho rằng vi phạm hình sự còn nghiêm trọng hơn vi phạm hành chính mà còn chưa quy định tịch thu phương tiện thì vi phạm hành chính không nên quy định như vậy khi không chứng minh được người sở hữu hợp pháp có hành vi đồng lõa.
Tán thành quan điểm không nên tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm, nhưng ông Phùng Quốc Hiển nói: “Vẫn cần phải có cách xử lý như thế nào đó chứ không đơn giản là trả lại. Như trường hợp bố mẹ quản lý không nghiêm, để con vị thành niên sử dụng ô tô, xe máy, gây nguy hiểm cho xã hội chẳng hạn”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bổ sung: “Tôi biết nhiều trường hợp chủ sở hữu phương tiện cố tình giao cho người khác lái xe chở gỗ lậu”...
. Theo SGGP |