Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn 2 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn đã liên tiếp xảy ra 2 vụ nổ đạn làm một người chết thảm, một người bị thương nặng. Những tai nạn đau lòng trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn đeo đuổi nghề săn “của” dưới lòng đất…
|
Ông Trần Ơi, SN 1963, ở khối Thiết Đính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, bị mất chân phải do giẫm phải mìn trong một lần chăn bò vào năm 1983.
|
Những tai nạn thương tâm
Cái chết thương tâm của anh Huỳnh Tấn Phúc (SN 1978, ở xã Hoài Châu, Hoài Nhơn) do cưa đục đạn pháo xảy ra vào lúc 11 giờ ngày 20.3 tại vực soi trên sông Kim Sơn (thuộc địa bàn thôn Khoa Trường, xã Ân Đức, Hoài Ân) làm rất nhiều người bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Sen, 63 tuổi, ở cách nơi xảy ra vụ nổ khoảng 100m, kể: “Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn lạnh xương sống. Trưa hôm ấy, nhà tôi mới ngồi vào bàn, chuẩn bị ăn cơm trưa thì nghe một tiếng nổ lớn rung chuyển cả ngôi nhà, tiếng nổ phát ra từ phía bờ sông. Dân đội 5 Cây Bàng nhốn nháo chạy ùa ra còn nhìn thấy đụn khói trắng bay lơ lửng, bốc mùi khét lẹt. Trên vạt cỏ nham nhở giữa hai ruộng ngô, một thân thể không còn nguyên vẹn, cháy sém vì thuốc đạn”.
Hơn 20 ngày sau tai nạn kinh hoàng đó, chúng tôi tìm đến nhà anh Phúc ở xã Hoài Châu. Dường như sự tang thương mất mát vẫn còn lẩn khuất bên trong căn nhà nhỏ. Từ hôm con trai mất, người mẹ buồn rầu ngã bệnh, gia đình phải đưa đi cấp cứu nhiều lần tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Chưa kịp mừng vì mới xin được việc làm ở Xí nghiệp may Tam Quan, chị Nguyễn Thị Nở (vợ anh Phúc) lại phải ở nhà lo hương khói cho chồng. Hai con anh vốn là học sinh chăm ngoan học giỏi, liệu có đủ sức vượt qua cơn sốc quá lớn này?
Trước tai nạn bàng hoàng ở Hoài Ân chỉ một tuần, tại xã Hoài Đức, Hoài Nhơn, một vụ nổ do sử dụng vỏ đạn cũ cũng gây ra tai nạn thương tâm. Trong lúc dùng hòn đe (là một vỏ đạn pháo không còn đầu nổ chính và thuốc nổ) để đập uốn sắt, anh Nguyễn Hữu Văn (39 tuổi, ở thôn Diễn Khánh) đã bị thương nặng ở 2 chân vì hòn đe bất ngờ phát nổ. Hòn đe đó anh Văn nhặt được từ ngoài đồng, đã sử dụng gần 10 năm.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nấn ná gần 40 tuổi anh Văn mới lập gia đình. Mới sinh con đầu lòng, người vợ lại đau ốm triền miên, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày đều do anh Văn gánh vác. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, bà Nguyễn Thị Tiến, mẹ của anh Văn, òa khóc: “Nó vẫn còn nằm viện, đã chi phí trên 30 triệu đồng rồi mà chân trái vẫn chưa có chút hy vọng cứu chữa, chân phải thì đã cắt bỏ hẳn rồi!”. Nói đoạn, bà dẫn chúng tôi ra phía sau nhà xem vỏ đạn đã gây tai nạn cho anh Văn…
Không phải không nhận biết sự nguy hiểm của bom đạn, nhưng vẫn còn đó nhiều người “bạo gan” cất giữ, để rồi phải hứng chịu hậu quả đớn đau…
|
Bà Tiến bên vỏ đạn đã phát nổ làm anh Văn bị thương nặng 2 chân.
|
Để nỗi đau không kéo dài
Gần 40 năm sau ngày đất nước im tiếng súng, nhưng những tai nạn do bom đạn còn sót lại vẫn ám ảnh cuộc sống người dân. Bên cạnh những cái chết tức tưởi do rủi ro va chạm, còn có những tai nạn đã được cảnh báo trước. Ông Nguyễn Minh Thông, Trưởng thôn Hội An Tây, xã Hoài Châu, tâm sự với một tâm trạng vừa tiếc thương, vừa trách móc: “Mấy năm rồi, chính quyền địa phương biết anh Phúc lén lút hành nghề rà tìm phế liệu, cưa đục đạn pháo, lấy sắt và thuốc đạn bán nhưng dường như chưa có biện pháp ngăn chặn. Chúng tôi cùng gia đình đã nhiều lần tổ chức can ngăn, khuyên nhủ Phúc và những anh em khác phải “giải nghệ” ngay chứ không sớm thì muộn cũng phải chuốc lấy những hậu quả khôn lường. Ngay cả những “chuyên gia” có thâm niên trong nghề, nhưng kết cục cũng phải đón nhận những tai nạn thê thảm. Anh Phúc vẫn không nghe, nên mới xảy ra cơ sự này…”.
Theo bà Trần Thị Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Châu, hiện nay trên địa bàn xã Hoài Châu và một số xã lân cận như Hoài Châu Bắc, Hoài Phú còn đến 6 đối tượng đang hành nghề rà tìm phế liệu và cưa đục bom, mìn. “Để tránh những hậu quả đau lòng xảy ra cho chính bản thân họ và những người dân xung quanh, chúng tôi sẽ kiên quyết xử phạt những người vi phạm theo tinh thần của Nghị định 47/CP ngày 12.8.1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”- bà Thái khẳng định.
Trước thực trạng nhức nhối về tai nạn do bom mìn chiến tranh còn sót lại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2015. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định giai đoạn 2012- 2015. Theo đó, tổng diện tích khu vực cần rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012- 2015 là 12.000 ha. Trong đó, TP Quy Nhơn 2.000 ha, huyện Hoài Nhơn 3.000 ha, Hoài Ân 2.000 ha, Phù Cát 3.000 ha, thị xã An Nhơn 2.000 ha.
Hy vọng rằng, với những hành động kiên quyết, kịp thời, cộng với việc nâng cao ý thức cho người dân, nỗi đau thời hậu chiến sẽ không kéo dài thêm nữa…
|