Bệnh tay chân miệng diễn biễn phức tạp:
Lo bệnh lây lan trong trường học
22:40', 11/4/ 2012 (GMT+7)

Trong 912 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) được ghi nhận tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay, có đến 91% là trẻ dưới 5 tuổi. Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, bằng mọi cách phải hạn chế sự lây lan của bệnh trong các trường mầm non, nhà trẻ - nơi dễ bùng phát dịch.

Nguy cơ cao

Đến ngày 11.4, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thị xã An Nhơn vẫn là những “điểm nóng” bệnh TCM. Trong đó, Phù Mỹ có số mắc tăng cao nhất, chiếm trên 50% tổng số ca mắc của toàn tỉnh. Hiện 19/19 xã, thị trấn của huyện Phù Mỹ đều đã có ca bệnh TCM, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong 44 ổ dịch nhỏ TCM rải rác trên 35 thôn của huyện Phù Mỹ, đã có 2 ổ dịch xuất hiện tại trường mầm non, mẫu giáo. Ông Trần Đình Thời, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Nhờ phát hiện sớm các biểu hiện, xử lý, điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp tử vong do bệnh TCM xảy ra. Điều cần quan tâm là, hiện nay, kiến thức về phòng, chống bệnh TCM của một bộ phận người dân còn hạn chế.

 

91% bệnh nhân TCM ở tỉnh ta là trẻ dưới 5 tuổi.

 

Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Thông tin từ Sở Y tế cho hay, Bình Định đã có 50 trường mầm non, nhà trẻ có ca bệnh TCM; một lớp học mầm non ở huyện An Lão phải đóng cửa, cho trẻ nghỉ học 10 ngày để cách ly bệnh.

Dù đến nay, hầu hết trẻ mắc bệnh TCM của tỉnh ta đều được phát hiện ở nhà nhưng nguy cơ lây lan trong trường học là rất cao. Nguyên nhân là nhiều giáo viên và bảo mẫu chưa nắm hết các dấu hiệu biểu hiện của bệnh để giám sát, trong khi việc phối hợp tuyên truyền cho phụ huynh còn hạn chế.

Bình Định hiện có gần 55.000 trẻ từ 1-5 tuổi được nuôi dạy tại 190 trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Sở đã chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục ở các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xây dựng và triển khai chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe, cách ly và phòng tránh dịch bệnh cho học sinh một cách hiệu quả nhất. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về bệnh TCM, giúp tất cả thầy cô giáo, cha mẹ và học sinh nắm rõ về nguồn lây bệnh, triệu chứng của bệnh và cách phòng ngừa.

Ông Bình cho biết thêm, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các phòng GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phối hợp với trạm y tế xã và phụ huynh học sinh tổng vệ sinh khu vực trường, lớp học; khử trùng sàn nhà lớp học, đồ chơi bằng dung dịch Chloramin B. Ban giám hiệu các trường phải đôn đốc, yêu cầu cô giáo ở các nhóm lớp thực hiện nghiêm việc kiểm tra, vệ sinh cá nhân cho các cháu hàng ngày, nhất là trước bữa ăn; giáo viên hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay sạch bằng xà phòng…

Kiểm soát lây lan

Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho Bình Định tập huấn phác đồ mới cập nhật liên tục những cải tiến, đổi mới trong điều trị và cuốn Cẩm nang điều trị bệnh TCM, do Bộ Y tế ban hành ngày 30.3.2012. Theo phác đồ này, các bệnh viện tuyến tỉnh nếu áp dụng chuẩn 80% phác đồ điều trị kết hợp với Cẩm nang điều trị thì sẽ giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều.

Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh áp dụng đúng phác đồ điều trị mới ban hành và phải thành lập đơn nguyên hồi sức TCM nhằm kịp thời cứu sống những ca bệnh nặng.

Đầu năm đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 16 trường hợp tử vong do TCM. Trong báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các trường hợp tử vong do căn bệnh này gây ra đều có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút EV71 và chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (tỉ lệ 87,5%). Bình Định đứng thứ 6 trong 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất cả nước; đồng thời, đã có 1 trẻ tử vong tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Ngành Y tế dự báo, bệnh TCM sẽ còn diễn biến phức tạp trong mùa hè này; nguy cơ lây lan trong các trường mẫu giáo và mầm non rất lớn.

Ở “điểm nóng” về TCM, ông Trần Đình Thời cho biết, đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện Phù Mỹ phối hợp với ngành Y tế tăng cường các biện pháp phòng bệnh trong nhà trường, quản lý sức khỏe của học sinh; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời. Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan y tế, các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học và THCS tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với phụ huynh học sinh để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh TCM hiệu quả.

“Sở Y tế quyết liệt bằng mọi cách không để dịch TCM “nhảy” vào các trường mầm non, nhà trẻ. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát hàng ngày tại các trường mầm non, mẫu giáo; còn trạm y tế đi kiểm tra các điểm trường lẻ và nhà trẻ. Trong đó, cách giám sát ca bệnh TCM đơn giản nhất là khi trẻ vào lớp, cô giáo yêu cầu các cháu xòe bàn tay kiểm tra các nốt đỏ và vệ sinh tay. Có vậy mới có thể kiểm soát sự lây lan của bệnh TCM trong trường học” - ông Hùng nhấn mạnh.

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tập huấn quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg  (11/04/2012)
Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp xúc cử tri tại 27 điểm  (11/04/2012)
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt 37 huy chương  (11/04/2012)
Đăng ký thất nghiệp tăng đột biến  (11/04/2012)
Tiếp diễn nạn khai thác cát tại KKT Nhơn Hội  (11/04/2012)
Nỗi đau thời hậu chiến  (10/04/2012)
Giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của Sở TN-MT, GTVT, NN-PTNT, Y tế  (10/04/2012)
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Gò Loi  (10/04/2012)
Bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT vượt, trái tuyến ở cơ sở y tế tư được chi trả  (10/04/2012)
Khai mạc phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/04/2012)
Làm đường bê tông nông thôn ở xã Phước Thắng   (10/04/2012)
Định hướng phát triển Đại học Quy Nhơn  (09/04/2012)
Sẽ hỗ trợ Bình Định trong kế hoạch hợp tác mở khoa Y tại ĐH Quy Nhơn   (09/04/2012)
Khánh thành Cổng chào và khai trương Phòng trưng bày truyền thống  (09/04/2012)
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba  (09/04/2012)