Bình Định đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nhân lực. Nhiều ý kiến thẳng thắn và tâm huyết đã được đưa ra tại Hội thảo “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung”, vừa diễn ra tại TP Huế, nhằm tìm lời giải cho bài toán này...
Bức tranh đào tạo, dạy nghề ở Bình Định
Tỉnh Bình Định có 2 trường đại học là Đại học Quy Nhơn và Đại học Quang Trung, 2 trường cao đẳng là Cao đẳng Bình Định và Cao đẳng Y tế Bình Định, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp là Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật. Ngoài ra, còn có 28 cơ sở dạy nghề, trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở có đào tạo nghề khác.
|
Các đại học, trường đại học lớn của khu vực duyên hải miền Trung ký kết chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực. |
Dù mạng lưới cơ sở đào tạo khá hoàn chỉnh, không ngừng mở rộng đa cấp, đa lĩnh vực nhưng tỉnh ta vẫn còn thiếu các cơ sở đào tạo chuyên ngành, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật... Một số cơ sở đào tạo và cơ sở dạy nghề có xu hướng chạy theo phong trào nâng cấp bậc đào tạo, ưu tiên cho một số ngành “nóng” trước mắt như: kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, điện - điện tử - điện lạnh, cơ khí, du lịch - nhà hàng - khách sạn... mà không tính tới chiến lược lâu dài. Mặt khác, do chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo chưa bảo đảm nên chất lượng đào tạo một số ngành nghề chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội. Dù đã được quan tâm đầu tư, song so với yêu cầu thực tế, nhiều cơ sở đào tạo vẫn còn thiếu phòng học, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thư viện…
Số lượng các cơ sở đào tạo nghề tăng lên hàng năm nhưng quy mô một số cơ sở còn nhỏ; không ít giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn không đáp ứng được quy mô và chất lượng đào tạo. Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; mở lớp dạy nghề không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên học xong khó tìm việc làm. Với các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề đã đa dạng hóa ngành nghề nhằm đáp ứng cho các khu, cụm công nghiệp thì chưa được đầu tư chiều sâu, chủ yếu đào tạo ngắn hạn và tập trung vào các nghề đơn giản. Với các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, các doanh nghiệp cần lao động thường phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
Khát nhân lực trình độ cao
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, năng lực đào tạo của hệ thống các trường đại học ở các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng hiện mới chỉ đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu lao động thông thường nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là rào cản trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Với khu vực kinh tế biển, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức khai thác tài nguyên biển một cách hiệu quả và bền vững; đội ngũ quản lý mới được hình thành, thiếu chuyên gia giỏi, cán bộ đầu đàn có khả năng hoạch định chính sách.
|
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn đang thực hành lập trình mạch điện điều khiển băng tải. Ảnh: văn lưu |
Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch thiếu rất nhiều lao động lành nghề và nhân lực chất lượng cao như giám đốc khách sạn, nhà hàng, chuyên gia... Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Khách sạn Hải Âu kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Du lịch và Xuất khẩu lao động Bình Định, cho biết: “Rất khó tìm đựợc hướng dẫn viên du lịch nói tốt tiếng Anh, lại càng hiếm hướng dẫn viên nói được tiếng Pháp. Do không tìm được nhân lực đáp ứng nhu cầu, Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Hải Âu đành chấp nhận để mảng thị trường nước ngoài (outbound) bỏ ngỏ”.
Lĩnh vực y tế cũng đang khát nhân lực trình độ cao. Theo thống kê, mỗi năm, Bình Định cần đào tạo 5-10 bác sĩ dự phòng, 10 cử nhân/bác sĩ y tế cộng đồng, 40-50 bác sĩ đa khoa hệ chính quy. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo sau đại học của ngành giai đoạn 2012-2015 là 8 tiến sĩ, 41 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 20 thạc sĩ và 132 bác sĩ chuyên khoa cấp I.
Liên kết để phát triển
Nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, nhiều năm qua, một số cơ sở đào tạo trong tỉnh đã liên kết với các cơ sở đào tạo trong khu vực duyên hải miền Trung nhưng sự liên kết còn mang tính manh mún, bị động, thiếu trọng điểm; dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Để nâng cao chất lượng, phân bố đào tạo hợp lý, điều tất yếu là cần sự liên kết. GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Không nên tiếp tục đầu tư dàn trải cho toàn hệ thống giáo dục như hiện nay. Khi dự thảo Luật Giáo dục đại học được ban hành, hệ thống giáo dục đại học sẽ được phân tầng theo mục tiêu và chất lượng đào tạo của từng trường. Trong hệ thống, sẽ hình thành các đại học nghiên cứu, các đại học theo hướng ứng dụng chất lượng cao để đào tạo lực lượng lao động tinh hoa cho đất nước. Theo đó, thế mạnh của Trường Đại học Quy Nhơn là các ngành khoa học cơ bản nên phải có chiến lược đào tạo đội ngũ giáo viên và tăng cường mở rộng liên kết trong nước, quốc tế.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, cho rằng: Việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các tỉnh miền Trung giúp khẳng định thế mạnh của Trường. Với những lĩnh vực chưa là thế mạnh hoặc chưa đào tạo, Trường sẽ liên kết với các trường đại học có thế mạnh về lĩnh vực đó để đào tạo. Ông đặc biệt quan tâm đến việc liên kết đào tạo trình độ sau đại học, xem đây là giải pháp tốt cho bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với mạng lưới dạy nghề, sự liên kết đào tạo không thể chỉ dựa vào thế mạnh từng địa phương mà cần liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sự liên kết này sẽ được cụ thể hóa bằng những bản hợp đồng, cam kết, có sự ràng buộc giữa bên đào tạo và bên sử dụng lao động. TS. Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy thuộc Tổng cục Dạy nghề, cho rằng, cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, phát triển chương trình đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất - trang thiết bị, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, hình thành các trung tâm thông tin thị trường lao động của khu vực và thúc đẩy hợp tác quốc tế về dạy nghề...
Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015:
- 15-20 tiến sĩ và 550-600 thạc sĩ (chú trọng đào tạo cho các ngành, lĩnh vực: quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học). Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 46%, giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp còn 52%, mỗi năm giải quyết việc làm cho 25.000-30.000 lao động.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, huyện đạt chuẩn chức danh theo quy định. Trong đó, ít nhất 5% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và tương đương; 5% có trình độ ngoại ngữ đủ điều kiện đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài.
- 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ dự nguồn cấp xã có trình độ trung cấp chuyên ngành và trung cấp lý luận chính trị - hành chính trở lên, trong đó có 40% cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ cấu hợp lý: Tỉ lệ cán bộ nữ ít nhất là 15%, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 20%, cán bộ dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đạt từ 25-30%.
Riêng với lực lượng lao động, đến năm 2015, có 55% lao động được đào tạo (tương ứng với 502,1 ngàn người) và đến năm 2020 có 70% lao động được đào tạo (tương ứng với 703,5 ngàn người).
Cơ cấu nhân lực theo trình độ đào tạo như sau:
+ Công nhân kỹ thuật: Năm 2015 có 358,2 ngàn người và đến năm 2020 có 501,8 ngàn người.
+ Lao động trình độ trung cấp: Năm 2015 có 55,7 ngàn người và đến năm 2020 có 78,1 ngàn người.
+ Lao động trình độ đại học - cao đẳng và trên đại học: Năm 2015 có 88,2 ngàn người và đến năm 2020 có 123,6 ngàn người. |
|