Trong huấn luyện đợt 1 năm 2012, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, đảm nhận huấn luyện 540 chiến sĩ mới quê ở 4 tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam và Ninh Thuận. Các tân binh đã quen dần cuộc sống quân ngũ sau gần hai tháng vào bộ đội.
Vượt khó trên bãi tập
Ngày cuối tuần, các chiến sĩ mới bước vào đợt cắt tóc. Do tóc mỗi anh mỗi kiểu dài, ngắn khác nhau, thậm chí có người cạo đến tận chân, nên các “bác thợ lính” dù đã có thâm niên với “cây kéo vàng” cũng đành… bó tay. Đó là chưa kể, vừa ngồi vào ghế, các “thượng đế” đã tung ra hàng loạt yêu sách: Đừng cắt cao quá, mái dài một chút, để nguyên mai cũ… Sau khi đi ra từ nhà cắt tóc Trung đoàn, được “tút lại” tóc tai, nom ai cũng “đẹp rạng ngời mà không chói lóa”.
|
Ngày nghỉ cuối tuần của chiến sĩ mới. Ảnh: NGỌC DIỆP |
Mặt trời càng lên cao, ánh nắng càng gay gắt. Màu đỏ của cờ, pa nô như cổ vũ chiến sĩ nỗ lực vượt khó. Đại đội 7 đang tập điều lệnh đội ngũ. Giọng người chỉ huy dõng dạc, dứt khoát: “Đi đều, bước! Một, hai. Một, hai. Một, hai…”. Những bước chân rầm rập, khỏe khoắn, đều tăm tắp. Những cái đánh tay mạnh, có điểm dừng, làm đội hình hùng dũng hơn. Phù hiệu bộ binh cùng ngôi sao binh nhì bắt nắng sáng lấp lánh.
Trung úy Trung đội trưởng Trung đội 7 Tô Minh Thuận hồ hởi: “Tân binh khóa này nhập ngũ đúng vào “Năm mẫu mực về điều lệnh - chính quy”. Yêu cầu đòi hỏi cao hơn song cũng là một thuận lợi lớn, bởi ngay từ đầu, anh em đã được rèn chuẩn xác đến từng động tác; học đến đâu kiểm tra và thực hành ngay đến đấy”.
Binh nhì Nguyễn Đức Khoa chia sẻ: “Các bài tập dù đơn giản đều phải đổ mồ hôi mới hoàn thành được. Như động tác đi đều, do chiều cao khác nhau, độ dài bước chân cũng khác nhau nên từng người phải đo theo dây, vạch mới tạo được sự thống nhất cao”. Còn chiến sĩ Trần Chí Trung cho biết: “Nhờ huấn luyện vất vả, ăn uống cũng ngon miệng hơn, nên không riêng tôi, mà nhiều anh… chịu cơm bộ đội, cơ bắp cứ nở nang ra”.
“Gỡ rối” cho bộ đội
Binh nhì Trần Duy Tiền ở Đại đội 5 có giọng ca mượt mà và gương mặt ưa nhìn. Nhưng điều khiến anh được chú ý nhiều hơn cả là cái tên cha mẹ đặt cho. Đã xảy ra một cuộc tranh luận cực kỳ sôi nổi quanh vấn đề này. May quá, đơn vị vừa công bố thành lập “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân”, anh em liền gửi ngay thắc mắc về “cơ quan chức năng”. Thiếu úy Nguyễn Từ Nga, Chính trị viên kiêm Tổ trưởng Tổ Tư vấn Đại đội, tức tốc tra từ điển, lên internet tìm hiểu. Mới hay chữ “tiền” tiếng Việt rất phong phú, không chỉ là “đồng tiền”- phương tiện giao dịch, tiêu dùng hàng ngày - mà còn có nghĩa là “trước” như trong các từ tiền tuyến, tiền phương, tiền đồn, tiền đồ, tiền hô hậu ủng… Như vậy, cha mẹ đặt tên “Tiền” hẳn kỳ vọng con trai mình sau này sẽ có tiền đồ tươi sáng và cuộc sống sung túc, đầy đủ. Trần Duy Tiền vào bộ đội, đơn vị cũng mong anh sẽ trở thành một quân nhân tiền phong, tiền tiến.
Tổ Tư vấn Đại đội 8 đương đầu với vấn đề có phần gay go hơn: Chiến sĩ Nguyễn Duy Thượng nhà chỉ có một mẹ một con; mẹ bị suy tim, mất sức lao động đã nhiều năm, anh Thượng phải bỏ học từ lớp 8 để bươn chải, kiếm sống. Đi bộ đội giờ giấc nghiêm lại không có nguồn thu nhập như trước, nên tuần đầu, anh Thượng cứ một hai xin chỉ huy: “Em phải về thôi!”. Tổ Tư vấn phân công người kèm cặp, động viên; bản thân Tổ trưởng - Thượng úy Chính trị viên Đại đội Nguyễn Đức Thắng tận tình phân tích cho quân nhân hiểu quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; những quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, đơn vị chủ động đề xuất với địa phương quan tâm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho gia đình quân nhân tại ngũ. Đến nay, Nguyễn Duy Thượng đã cất được vẻ mặt u buồn, vui vẻ hòa đồng, tích cực tham gia các hoạt động chung.
Đại úy Nguyễn Văn Quang, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, tâm đắc: “Việc tư vấn tâm lý, pháp lý cho quân nhân trước đây đã được tiến hành song bây giờ, có biên chế hẳn hoi, thông tin hai chiều, nên thực sự phát huy hiệu quả kết nối. Không những các thành viên tổ tư vấn nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, chủ động tìm hiểu, nắm bắt và tư vấn cho bộ đội, mà chiến sĩ khi có vấn đề “lấn cấn” đã có địa chỉ để tìm giải đáp.
|