Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4):
Tiếp sức cùng các trung tâm phục hồi chức năng
21:21', 17/4/ 2012 (GMT+7)

Ba trung tâm phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật (NKT) ở hai huyện Hoài Ân và Phù Cát đã hoạt động khá hiệu quả trong thời gian qua nhưng giờ đang đối mặt với nhiều khó khăn…

Tập luyện cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm PHCN Cát Tân (huyện Phù Cát).

 

Thiếu kinh phí, cơ sở xuống cấp

Từ nguồn kinh phí của Dự án “Trợ giúp NKT và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tỉnh Bình Định do Quỹ Ford và Hội Trợ giúp NKT Việt Nam tài trợ, Trung tâm PHCN Cát Tân đã được xây mới và Trung tâm PHCN Cát Hưng được sửa chữa mở rộng. Hai trung tâm này có chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ PHCN cho trẻ khuyết tật ở 10 xã, thị trấn phía Nam của huyện Phù Cát.

Trong thời gian hỗ trợ của Dự án (2009-2010), hai trung tâm này đã thường xuyên tổ chức PHCN cho 34 người lớn và trẻ khuyết tật; hỗ trợ mô hình bán trú PHCN cho 5 trẻ khuyết tật xã Cát Hanh. Ngoài ra, các cộng tác viên còn tổ chức luyện tập PHCN dựa vào cộng đồng cho 270 NKT.

Tuy nhiên, hết năm 2010, Dự án kết thúc, cả hai trung tâm đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hiện có 107 NKT đang tập luyện thường xuyên tại Trung tâm PHCN Cát Tân và gia đình, trong đó có 71 người lớn và 36 trẻ em; số NKT đến tập tại Trung tâm như vậy là giảm hơn một nửa so với thời điểm cuối năm 2010. Tại Trung tâm PHCN Cát Hưng, số lượng NKT đến tập còn ít hơn nhiều.

Anh Trần Quang Trưởng, kỹ thuật viên Trung tâm PHCH Cát Tân, chia sẻ: “Cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện của Trung tâm vẫn còn tốt. Số xe đạp chuyên dụng, ghế tập đi, máy massage… cùng đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên có thể đáp ứng cùng lúc cho 10 người tập luyện tại Trung tâm. Tuy nhiên, trong năm 2011, NKT chỉ được hỗ trợ chi phí đi lại trong 6 tháng và từ năm 2012 khoản hỗ trợ này không còn, số NKT đến Trung tâm tập luyện ít dần. Khoản hỗ trợ cho cộng tác viên cũng giảm”.

Trong khi đó, Trung tâm PHCN Hoài Ân lại đối diện với khó khăn khác. Trung tâm được xây dựng từ tháng 8.2002 từ nguồn kinh phí của Dự án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam” do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ. Đóng trên địa bàn xã Ân Tường Đông nhưng Trung tâm PHCN Hoài Ân lại có địa bàn hoạt động khá rộng, bước đầu ở 4 xã Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tường Đông và Ân Tường Tây. Trong số 80 trẻ khuyết tật được tập luyện trong năm 2011, 15 em có dấu hiệu phục hồi các chức năng của cơ quan khuyết tật vận động, bước đầu hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng thấp, qua 10 năm sử dụng, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa hè thì nóng bức, la-phông rớt từng mảng; mùa mưa mái nhà lại bị dột. “Quan trọng nhất là dụng cụ tập luyện đã cũ kỹ, hư hỏng. Tôi kêu người đến sửa, cứ vài hôm lại hỏng tiếp” - ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm, cho biết.

Mở hướng khắc phục

Trước thực trạng cơ sở xuống cấp, Trung tâm PHCN Hoài Ân đã có bước chuyển hướng hoạt động. Được sự trợ giúp về kỹ thuật của Dự án PHCN dựa vào cộng đồng (do tổ chức AIFO tài trợ), các hoạt động tập luyện, PHCN cho NKT được tập trung thực hiện tại các hộ gia đình. Do dụng cụ tập luyện tại Trung tâm còn hạn chế nên cộng tác viên đã hướng dẫn gia đình tự làm dụng cụ tập luyện tại nhà, thích hợp với đặc điểm khuyết tật của từng đối tượng. 

Về lâu dài, vấn đề khắc phục cơ sở vật chất của Trung tâm PHCN Hoài Ân đã nhận được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Ông Phan Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị AIFO xem xét hỗ trợ khoản kinh phí 200 triệu đồng ngoài Dự án PHCN dựa vào cộng đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm PHCN Hoài Ân”.

Với hai trung tâm PHCN ở huyện Phù Cát, vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để phát huy hiệu quả sử dụng của trang thiết bị tập luyện và đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên đã được đào tạo về nghiệp vụ. Theo ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, duy trì kinh phí của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các trung tâm PHCN, thực hiện cam kết với nhà tài trợ là điều cần thiết. Thời gian tới, lãnh đạo Sở sẽ tìm các nguồn tài trợ mới để tăng cường kinh phí hoạt động cho các trung tâm này.

Tuy nhiên, để hai trung tâm PHCN ở huyện Phù Cát phát huy hết hiệu quả, vấn đề quan trọng là phải tăng cường hơn công tác tuyên truyền. Lâu nay, các gia đình có NKT ít nhiều vẫn còn tâm lý ỷ lại, thiếu quan tâm đúng mức đối với việc PHCN cho NKT. “Người thân của NKT phải nhận thức được rằng, chăm sóc cho NKT là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, một khi NKT được PHCN, gánh nặng gia đình cũng sẽ được cải thiện. Vì vậy, mỗi gia đình phải tích cực đưa đón, tạo điều kiện thuận lợi nhất để NKT được tiếp cận với các dụng cụ, được tập luyện bài bản” - ông Hải phân tích.

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao Kỷ niệm chương cho nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Quân khu V  (17/04/2012)
Tán đồng việc giao Tòa án quyết định các biện pháp xử lý  (17/04/2012)
Gặp mặt truyền thống những người quê Ân Phong  (17/04/2012)
Điều kiện tuyển thẳng vào Trường Đại học Quy Nhơn  (17/04/2012)
Do vi - rút viêm gan A  (16/04/2012)
Nên lắng nghe ý kiến của người dân  (16/04/2012)
Thấp thỏm viện phí mới  (16/04/2012)
Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng giải phóng huyện Hoài Ân  (15/04/2012)
Nguồn nước của hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng  (15/04/2012)
Một làng có nhiều người bị vàng mắt, vàng da  (15/04/2012)
Phát động cuộc thi “Học sinh tìm hiểu văn hóa giao thông”  (15/04/2012)
Sẽ hỗ trợ 300 gia đình chính sách cải thiện nhà ở  (15/04/2012)
Sáng tỏ tình tiết nhạy cảm  (15/04/2012)
Việc nghĩa của các nữ tu Dòng Mến thánh giá Quy Nhơn  (14/04/2012)
Hát cho đời đẹp hơn  (14/04/2012)